10 câu hỏi phỏng vấn gây lúng túng mà ứng viên cần chú ý
Nhà tuyển dụng luôn đặt ra những câu hỏi phỏng vấn gây bất ngờ cho ứng viên, đẩy họ vào thế bối rối. Để không bị “ngợp”, bạn cần chuẩn bị trước một vài tình huống trong đầu.
Xem thêm các câu hỏi phỏng vấn khác của nhà tuyển dụng
Việc phỏng vấn xin việc thời nay trở nên khó khăn hơn trước vì có quá nhiều ứng viên đăng ký cùng thời gian, cùng vị trí công việc. Tỉ lệ chọi càng lớn, câu hỏi phỏng vấn nhà tuyển dụng đưa ra càng nhiều thách thức cho bạn. Đôi khi, ứng viên cũng lâm vào tình huống trớ trêu khi câu phỏng vấn của nhà tuyển dụng chẳng hề liên quan gì đến chuyên môn, hay nói cách khác là họ muốn “gài bẫy” bạn để xem bạn ứng phó ra sao.
Đối với những sinh viên mới ra trường hay người ít kinh nghiệm, rất khó để tự tin khi gặp những câu “hack não”. Cùng tham khảo một số câu hỏi thăm dò thường được nhà tuyển dụng chuyên nghiệp đưa ra sau đây:
Câu hỏi 1: Tại sao bạn muốn công việc này?
Tất nhiên là bạn phải cảm thấy mình phù hợp và muốn ngồi vào vị trí đó thì với nộp CV ứng tuyển. Thực chất, câu hỏi này nhà tuyển dụng đưa ra vì muốn hiểu chính xác bạn đang trông chờ điều gì từ công việc của họ.
Họ không muốn bạn nói “Tôi nghĩ mình có thể làm tốt vai trò này” mà họ muốn bạn khẳng định chắc nịch rằng “Tôi thấy công việc rất thu hút tôi và tôi tin mình có thể làm tốt”. Bạn cũng nên phòng bị và chủ động để tránh câu trả lời bắt đầu bằng mệnh đề “bởi vì”, nó sẽ gây lúng túng cho bạn ngay lập tức.
Câu hỏi 2: Nhược điểm của bạn là gì?
Trong thực tế, ít ai muốn nói về những mặt tiêu cực của bản thân. Nhà tuyển dụng đang muốn thử thách sự bình tĩnh của bạn. Câu hỏi này được đặt ra vốn không phải để kiểm tra xem bạn có thành thật hay không, vì yếu điểm cá nhân có khi lại trở thành sự bất lợi cho công việc.
Thay vì trả lời thẳng, bạn hãy biến nhược điểm thành ưu điểm bằng cách dựa vào yêu cầu công việc, chọn ra một yếu điểm mà bạn nghĩ có thể khắc phục để phù hợp với công việc đó. Bằng những từ ngữ khiêm nhường như: “Tôi biết mình không giỏi thuyết trình trước đám đông nhưng tôi chắc chắn rằng vị trí… sẽ giúp tôi khắc phục điều đó“.
Câu hỏi 3: Vì sao chúng tôi nên chọn bạn?
Với dạng câu hỏi này, nhà tuyển dụng thực chất là muốn thăm dò xem bạn có thể làm gì để phục vụ cho lợi ích của họ. Vì thế, đừng trả lời quanh co rằng tôi có chuyên môn này, kỹ năng kia. Hãy đi vào trọng tâm vấn đề với các thông tin tích cực, cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ làm tốt công việc họ giao. Chẳng hạn: “Với những gì đã làm ở vị trí tương đương…, tôi tin chắc rằng mình sẽ làm được công việc này một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”.
Câu hỏi 4: Tại sao bạn lại thôi việc ở công ty cũ?
Nếu bạn kể lể cho người phỏng vấn nghe những mẩu chuyện tiêu cực ở nơi làm cũ, nguyên nhân khiến bạn bỏ việc thì bạn sẽ bị đánh trượt ngay. Đây không phải lúc bạn phàn nàn về lương thưởng hay những bất công, hãy trả lời bằng thái độ tích cực nhất.
Nói đơn giản, bạn hãy gạt những nỗi niềm sang một bên bằng cách nhìn vào mặt tích cực, những kinh nghiệm ở vị trí cũ giúp bạn muốn tiến xa hơn trong nghề nghiệp của mình: “Sau khi làm ở vị trí đó 2 năm, tôi thấy mình đã có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn, tôi muốn thử sức ở vai trò mới để phát huy khả năng của mình và cống hiến cho tập thể năng động, cởi mở hơn”.
Câu hỏi 5: Bạn thấy mình sẽ ra sao trong tương lai?
Nhà tuyển dụng rất thích hỏi câu này để thăm dò xem bạn có đang “Đứng núi này, trông núi nọ” không. Những ứng viên thường để lộ sơ hở khi nói ra rằng muốn tích lũy kinh nghiệm cho mục đích này kia.
Cách khôn ngoan nhất là bạn nên trung thành và luôn trung thành với mục tiêu cuộc phỏng vấn. Hãy khẳng định với họ bạn cảm thấy sẽ học được nhiều thứ trong tương lai ở vị trí này: “Tôi vẫn sẽ làm ở công ty này nhưng ở vị trí cao hơn, có thể là chức quản lý hay trưởng phòng, nó cho tôi nhiều cơ hội hơn nữa”. Bạn cũng lưu ý nên tránh việc “tranh chức vụ” với người đang phỏng vấn mình. Trước đó, bạn cần tìm hiểu về bộ máy hoạt động của công ty.
Câu 6: Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
Đây là câu hỏi “muôn thuở” của nhà tuyển dụng nhưng ứng viên rất ngại trả lời. Nếu nhỡ nói cao quá thì sợ bị loại, nói thấp quá lại cảm thấy thiệt thòi. Thực chất, không có cuộc trả giá nào ở đây cả vì mức lương đã được quy định theo từng vị trí trong công ty.
Để ứng phó với câu hỏi phỏng vấn này, tốt nhất bạn không nên đưa ra con số cụ thể nào cả kẻo nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Hãy khôn ngoan bằng cách: “Tôi nghĩ mức lương sẽ được công ty đánh giá bằng thực lực và khối công việc tôi phải đảm đương, khi được nhận chắc chắn chúng ta sẽ thống nhất được con số hợp lý”. Trên thực tế bạn rất ít gặp câu hỏi này vì thông thường bảng lương đã được đưa ra trước đó. Trừ khi bạn xin những việc có chuyên môn cao, nó giống như một cuộc thỏa thuận hơn khi công ty cần sự cống hiến của bạn.
Câu hỏi 7: Người chủ cũ nhận xét thế nào về bạn?
Thật khó khăn khi gặp câu hỏi này, với những người gặp rắc rối ở nơi làm cũ thì câu này chẳng khác nào ép bạn đến bước đường cùng. Đừng lo lắng vì đây cũng là cách tuyệt vời để bạn thể hiện ưu điểm của mình. Hãy nhớ đến những lần bạn được khen hoặc hoàn thành tốt công việc. Nhưng cũng đừng vì thế mà quá khoe khoang và phóng đại bản thân: “Giám đốc cũ nhận xét tôi là người khá tích cực và năng động, ông ta rất hài lòng với các báo cáo của tôi. Tuy nhiên tôi thấy mình còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục, tôi sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới”.
Câu hỏi 8: Thành tích lớn nhất bạn đã từng làm được trước đây là gì?
Nếu bạn quá khoe khoang, bạn có thể bị loại vì nhà tuyển dụng không hề muốn nghe về những thành tích trước đây, thứ vốn không liên quan đến công việc của họ. Câu hỏi phỏng vấn này vốn được đưa ra để đánh giá về sự khiêm nhường của bạn.
Bạn có thể nói về thành tích của mình, nhưng ở mức độ hạn chế, tránh phóng đại quá mức. Đừng thổi phồng những cống hiến của bạn cho công việc cũ và chỉ nên nói về thực lực bản thân: “Tôi có một số thành tích ở công ty cũ nhưng không đáng kể lắm, tôi nghĩ mình đã dùng hết sức để hoàn thành tốt và cùng các đồng nghiệp cũ tạo nên thành tích đó, giờ là lúc tôi muốn cống hiến ở đây”.
Câu hỏi 9: Bạn nghĩ mình có gì để hoàn thành được công việc chúng tôi giao?
Câu hỏi này không quá lắt léo nhưng bạn cũng nên dè chừng để trả lời cho tốt. Tất nhiên là bạn phải khẳng định mình sẽ hoàn thành công việc được giao nhưng dưới sự hướng dẫn của họ chứ bạn không thể “tự lực cánh sinh” được.
Bên cạnh việc nêu ra các ưu điểm về kỹ năng, kinh nghiệm để phù hợp với công việc, bạn cũng nên ngỏ ý rằng rất mong muốn được công ty/người quản lý hướng dẫn, chỉ dạy để làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn thật khiêm nhường và hiểu chuyện.
Câu hỏi 10: Nếu sếp làm sai, bạn sẽ làm gì?
Hầu hết các công ty đều đánh giá cao sự góp ý, xây dựng của nhân viên cho sự phát triển chung. Đương nhiên là ai cũng có sự sai sót trong quá trình làm việc, bạn hãy thẳng thắn trả lời rằng mình sẽ đưa ra quan điểm và góp ý chân thành, nhấn mạnh mục đích chung nhắm tới lợi ích của tập thể: “Nếu cấp trên làm sai, tôi sẽ đề xuất sửa chữa hoặc gửi phản hồi về điều đó trong quá trình làm việc để kết quả tốt nhất có thể, mong muốn của tôi là công ty được phát triển hơn, điều đó có lợi cho tất cả mọi người”.
Xem thêm tại đây:
- 10 website giúp tạo CV xin việc online đẹp, ‘đốn gục’ nhà tuyển dụng
- Cách trả lời phỏng vấn xin việc hiệu quả, thuyết phục 10/10 nhà tuyển dụng
- Làm thế nào để nhà tuyển dụng ưng ý mẫu CV cá nhân của bạn?
Trên đây là 10 câu hỏi phỏng vấn thường được các nhà tuyển dụng đưa ra nhằm thăm dò, đánh giá khả năng phản ứng của ứng viên. Giữ vững quan điểm và tinh ý trước giọng điệu của nhà tuyển dụng, bạn sẽ tìm ra cách ứng phó nhạy bén và thông minh nhất. Chúc bạn thành công!
Nguồn: https://timviec.com.vn/