Sàng lọc CV xin việc: Các thao tác cần đảm bảo để không bỏ sót nhân tài

Sau khi nhận CV xin việc từ các ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ phải trải qua một quá trình cân nhắc, sàng lọc hồ sơ cẩn thận để tìm ra người phù hợp nhất.

Trong một quá trình tuyển dụng, không chỉ ứng viên lao tâm khổ tứ mà các nhà quản lý nhân sự cũng hết sức đau đầu để tìm ra gương mặt xứng đáng nhất với vị trí công việc mà họ đang chiêu mộ. Có thể bạn không tin nhưng chỉ chưa đến 20% trong hàng ngàn CV xin việc gửi về bước đầu đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng. Vì vậy, sàng lọc hồ sơ ứng viên là thao tác cần thiết đối với các doanh nghiệp để đảm bảo không bỏ sót nhân tài.

Muốn nắm rõ thông tin về ứng viên, phải đọc CV của họ

Trong một bộ hồ sơ xin việc, bên cạnh đơn xin việc, sơ yếu lý lịch tự thuật, giấy khám sức khỏe và bằng cấp – chứng chỉ (nếu có), CV xin việc là thành phần quan trọng hàng đầu, được ví như hình ảnh đại diện cho ứng viên sở hữu nó.

Là chữ viết tắt của cụm từ La tinh Curriculum Vitae – bản sơ yếu lý lịch tự thuật, CV có vai trò không khác một loại giấy tờ hành chính để người tìm việc trình bày thông tin cá nhân của họ như địa chỉ liên hệ, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kết quả nghiên cứu, kỹ năng bổ trợ và bằng cấp – chứng chỉ,…

Sàng lọc CV xin việc: Các thao tác cần đảm bảo để không bỏ sót nhân tài - Ảnh 1
CV ứng tuyển là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc. Nguồn ảnh: Internet

Vì thế, CV xin việc trở thành kênh tương tác hữu hiệu giúp các nhà tuyển dụng tìm hiểu về ứng viên của mình xem anh ta/cô ta là ai, đến từ đâu, có thành tích, chuyên môn, sở trường gì,… để từ đó ‘cân đo đong đếm’ trước khi lựa chọn ra người phù hợp nhất với tiêu chí chiêu mộ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa trăm ngàn hồ sơ xin việc, để có thể nhanh chóng nhìn thấy ứng viên xuất sắc nhất, nhà quản lý nhân sự cần một quá trình sàng lọc khoa học, hiệu quả.

Sàng lọc CV là làm gì?

Được đánh giá là công đoạn khó khăn, phức tạp và tiêu tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình tuyển dụng, sàng lọc CV xin việc là quá trình các nhà quản lý nhân sự đọc hiểu, thẩm định và kiểm tra, rà soát toàn bộ lượng CV gửi về để chắt lọc, phân loại xem đâu là nhóm ứng viên thỏa mãn điều kiện tuyển dụng. Từ đó, họ sẽ có cơ sở để quyết định bước tiếp theo là gửi thư mời tham dự vòng phỏng vấn hay từ chối ứng viên.

Tóm lại, người tìm việc đã vất vả, nhà tuyển dụng cũng chẳng nhàn hạ hơn. Hành trình sàng lọc, tìm kiếm nhân tài đáp ứng được yêu cầu công việc được ví như ‘đãi cát tìm vàng’, là phép toán hóc búa khiến không ít doanh nghiệp ‘đau đầu’. Để không bỏ sót ứng viên chất lượng, lại tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, công tác tuyển dụng nên được thực hiện theo những tiêu chí, phương pháp và lộ trình cụ thể.

Sàng lọc CV xin việc: Các thao tác cần đảm bảo để không bỏ sót nhân tài - Ảnh 2
Quá trình sàng lọc ứng viên càng kỹ càng, cẩn thận, doanh nghiệp sẽ càng hạn chế được việc để mất nhân tài vào tay đối thủ. Nguồn ảnh: Internet

Các bước sàng lọc CV ứng viên dành cho nhà quản lý nhân sự

Lập bảng tiêu chí đánh giá cụ thể

Trước khi bắt tay vào quá trình sàng lọc hồ sơ ứng viên, bộ phận tìm kiếm nhân sự cần xác định rõ xem doanh nghiệp đang cần gì và có những yêu cầu, đòi hỏi gì ở vị trí tuyển dụng. Để không mất nhiều thời gian, hãy thiết lập một hệ thống tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể

dựa trên đặc thù công việc mà ứng viên sẽ phụ trách nếu trúng tuyển. Các tiêu chí đó có thể là kinh nghiệm làm việc, trình độ chuyên môn, quá trình học tập – nghiên cứu, kỹ năng, chứng chỉ – bằng cấp và thậm chí là tính cách, ngoại hình, nguyện vọng về lương.

Bỏ qua những CV xin việc mắc lỗi sai cơ bản

Để tiết kiệm thời gian, nhà tuyển dụng cần mạnh dạn bỏ qua những hồ sơ không đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn cơ bản về cả nội dung và hình thức, đặc biệt là các trường hợp thiếu sót thông tin cá nhân, vị trí ứng tuyển, tiêu đề email hoặc trình bày rối rắm, sai chính tả, ngữ pháp,…

Tiêu chuẩn chính tả là một trong những yêu cầu cơ bản mà một người dù làm trong bất cứ ngành nghề nào cũng phải tuân thủ khi tạo lập văn bản. Với một văn bản quan trọng như CV xin việc, những quy định về chính tả lại càng phải được kiểm soát nghiêm ngặt, khắt khe. Một hồ sơ chi chít lỗi chính tả không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà còn thể hiện chủ nhân của nó là người tùy tiện, cẩu thả, xuề xòa.

Hơn nữa, một mẫu CV xin việc cẩu thả ít nhiều cho thấy chủ nhân của nó cũng là người thiếu chỉn chu, cẩn trọng trong quá trình làm việc. Ngược lại, một bản CV ngắn gọn, súc tích, đầy đủ thông tin chắc chắn là sản phẩm của một ứng viên chuyên nghiệp và đáng tin cậy.

Sàng lọc CV xin việc: Các thao tác cần đảm bảo để không bỏ sót nhân tài - Ảnh 3
Là hình ảnh phản chiếu của ứng viên, một bản CV có thể tiết lộ về tính cách và thái độ làm việc của một cá nhân. Nguồn ảnh: Internet

Lưu lại những CV xin việc đáp ứng đủ tiêu chí

Sau bước loại bỏ các trường hợp không thỏa mãn yêu cầu, bộ phận chiêu mộ nhân sự sẽ rà soát lại một lần nữa để lựa chọn ra danh sách hồ sơ sở hữu kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc tiệm cận với tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhóm CV này cần được phân loại theo hai mức độ đáp ứng đủ và gần đủ để tiện theo dõi và cân nhắc cho công đoạn mời ứng viên tham dự vòng phỏng vấn.

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đang cần tuyển vị trí giám đốc kinh doanh với yêu cầu trình độ học vấn thạc sĩ trở lên, họ có quyền từ chối những ứng viên chỉ có bằng cao đẳng hoặc trung cấp.

Sàng lọc CV xin việc: Các thao tác cần đảm bảo để không bỏ sót nhân tài - Ảnh 4
Quá trình sàng lọc CV xin việc gồm nhiều bước và đòi hỏi nhiều dụng tâm của nhà quản lý nhân sự. Nguồn ảnh: Internet

➣➣ Xem ngay bài viết chi tiết về mẫu CV file word Tại Đây

Lập danh sách những ứng viên ưu tú nhất

Sau khi đã có trong tay danh sách CV xin việc bước đầu đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng, nhà quản lý sẽ tiến hành thao tác phân tích, thẩm định mục kinh nghiệm làm việc để nắm được những công việc, vị trí mà ứng viên đã từng đảm nhận trong quá khứ, đã từng hoàn thành chúng ra sao, thành công hay thất bại.

Những trường hợp có tần suất nhảy việc quá cao nên được cân nhắc cho vào blacklist vì nhiều khả năng đó là một nhân viên thiếu kiên định, thiếu ý chí và không có gì đảm bảo cho việc anh ta/cô ta sẽ quyết tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp của bạn. Ngược lại, những ứng viên sở hữu bảng thành tích, kỹ năng, mục tiêu nghề nghiệp phù hợp xứng đáng được nhận một cuộc hẹn phỏng vấn.

Gọi điện trao đổi, thu thập thêm thông tin

Trong quá trình sàng lọc hồ sơ xin việc, nếu xuất hiện khúc mắc hoặc chưa nắm rõ một thông tin nào đó về ứng viên, nhà tuyển dụng thường lựa chọn biện pháp gọi điện thoại trao đổi trực tiếp hoặc gửi email yêu cầu họ làm bài test năng lực để có thêm cơ sở đánh giá, cân nhắc mời tham dự vòng phỏng vấn cuối cùng.

Sàng lọc CV xin việc: Các thao tác cần đảm bảo để không bỏ sót nhân tài - Ảnh 5
Một nhà tuyển dụng có nhãn quan sẽ nhanh chóng tìm ra ứng viên phù hợp với vị trí công việc. Nguồn ảnh: Internet

Tựu trung lại, sàng lọc hồ sơ là một thao tác quan trọng đối với các nhà tuyển dụng để chiêu mộ được những ứng viên tài năng và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Tuy đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp nhưng nếu biết cách sắp xếp, điều chỉnh hợp lý và áp dụng chính xác các phương pháp tuyển chọn nhân sự thì quá trình sàng lọc CV xin việc sẽ được đơn giản hóa và trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn. Từ đó, doanh nghiệp cũng dễ dàng lựa chọn được những người tài để mời về đầu quân.

➣➣ Xem thêm: Cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng đơn xin việc viết tay

Bích Phương


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn

Tìm việc ngay

Tin mới nhất

Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Eyeplus Online

Địa chỉ: Số 81, ngõ 68, đường Cầu Giấy, Tổ 05, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.