Tiểu sử và sự nghiệp chủ tịch Masan – Nguyễn Đăng Quang
Nguyễn Đăng Quang có thể là cái tên mà nhiều người vẫn còn mơ hồ khi nhắc đến. Nhưng nhắc đến tập đoàn hàng tiêu dùng Masan chắc người Việt nào cũng thấy quen thuộc. Ông chính là người sáng lập và lãnh đạo tập đoàn sản xuất, buôn bán hàng tiêu dùng Masan. Vậy để hiểu rõ hơn về “ông trùm” đế chế hàng tiêu dùng hàng đầu nước ta, hãy cùng theo dõi bài viết này nhé!
Nguyễn Đăng Quang là ai?
Nguyễn Đăng Quang là nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Masan, phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Ông là một trong 5 người nằm trong danh sách tỷ phú USD người Việt Nam do tạp chí Forbes vinh danh năm 2019. Khi được Forbes vinh danh là tỷ phú USD tự thân, ông Quang nắm trong tay tổng giá trị tài sản lên đến 1,2 tỷ USD.
Ông sinh ngày 23/08/1963 tại Quảng Trị, là một doanh nhân nổi danh khi kinh doanh khởi nghiệp từ các nước Đông Âu. Theo tạp chí Forbes, ông Quang khởi nghiệp từ việc bán mỳ gói cho người Việt sinh sống tại khu vực các nước Đông Âu. Dần dà, quá trình kinh doanh ngày càng khởi sắc và phát triển mạnh mẽ giúp ông có một số vốn để về nước thành lập Tập đoàn Masan. Sau đó, ông tiếp tục cùng với tỷ phú Hồ Hùng Anh đầu tư vào Ngân hàng Techcombank.
Đôi nét tiểu sử của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh ra tại mảnh đất miền Trung nghèo. Nhờ vào thành tích học tập xuất sắc, ông Quang đã có cơ hội ra nước ngoài du học và theo đuổi con đường học vấn. Ông tốt nghiệp học vị Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Bên cạnh đó, ông còn có trong tay tấm bằng Tiến sĩ vật lý hạt nhân tại Đại học Vật lý ứng dụng – Viện Hàn lâm khoa học Belarus.
Vợ của ông là bà Nguyễn Hoàng Yến sinh năm 1963, cũng là một du học sinh tại Nga. Bà Yến tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Nga Văn. Hiện nay, bà là người đang nắm giữ khoảng 42,415,234 cổ phiếu của tập đoàn Masan và giữ 300,535 cổ phiếu của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan. Với số lượng cổ phiếu đang nắm giữ, ước tính tổng giá trị tài sản của bà lên đến 3.500 tỉ đồng.
Ngoài vợ, người đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu khác của Masan trong gia đình ông Quang là mẹ ruột của ông bà Nguyễn Quý Định hiện đang nắm giữ 1,990,896 cổ phiếu Masan.
Những chức vụ ông Nguyễn Đăng Quang đã và đang nắm giữ hiện nay gồm:
- Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN)
- Thành viên HĐQT Cty CP Hàng tiêu dùng Masan (MCH)
- Thành viên HĐQT Cty CP Tài nguyên Masan (MSR)
- Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
- Tổng Giám đốc Cty CP Masan
- Chủ tịch HĐTV Cty khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo
Bài viết cùng chủ đề:
- Trương Gia Bình là ai – Tiểu sử và sự nghiệp của CEO FPT
- Trần Đình Long là ai – Tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hòa Phát
Hành trình xây dựng sự nghiệp từ “con buôn” mỳ gói đến tỷ phú USD tự thân
Khởi nghiệp từ những gói mỳ và con đường xây dựng thương hiệu Masan
Xuất thân là một Tiến sĩ ngành Vật lý hạt nhân nhưng thành công của ông Quang lại từ lĩnh vực kinh doanh. Đều bắt đầu từ ngành sản xuất và kinh doanh mỳ gói tại Đông Âu, nhưng khác với tỷ phú Phạm Nhật Vượng chọn Ukraine, thì tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lại chọn thị trường Nga. Ông Quang được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga.
Không chỉ dừng lại sự phát triển ở thị trường Nga, ông Quang còn mang thương hiệu mỳ gói của mình về quê hương Việt Nam. Một thương hiệu mỳ gói của Masan rất nổi tiếng mà không người dân Việt nào không biết đó chính là Omachi. Nguyễn Đăng Quang thường được nhắc đến với biệt danh “Người dạy người cho người Nga ăn mì gói và tương ớt“.
Khi được hỏi về lý do chọn mỳ gói để khởi nghiệp, ông chủ Masan đã chia sẻ rằng ban đầu không có ý định lựa chọn mỳ gói để khởi nghiệp. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế đất nước lúc đó đã khiến ông lựa chọn mỳ gói. Theo ông vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì việc quan trọng nhất chính là “no bụng”, vậy nên cách nhanh nhất mà họ có được là một gói mỳ.
Quá trình khởi nghiệp từ việc buôn bán mỳ gói cho những người dân Việt tại Nga được ông bắt đầu thực hiện từ những năm 1990. Sau một thời gian bán lẻ mỳ gói, ông Quang đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất Masan với công suất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng. Khi việc sản xuất mỳ trở nên ổn định, ông quyết định mở rộng đầu tư sang mặt hàng đậu nành, cá và tương ớt và đã gặt hái được nhiều thành công.
Quyết định “táo bạo” mang tính lịch sử đưa Masan về quê hương
Việc quyết định đưa Masan Food về Việt Nam được cho là một quyết định đầy “táo bạo” của ông Quang vào năm 2001. Bên cạnh việc đưa Masan về quê nhà, cũng trong năm đó ông Quang đã cho ra mắt sản phẩm nước tương Chin-su. Chỉ trong vòng 1 năm các sản phẩm mang thương hiệu Masan đều đã có mặt trên thị trường Việt Nam.
Đến tháng 11 năm 2004, Công ty cổ phần Hàng hải Masan (MSC) được thành lập với số vốn điều lệ là 3.200.000.000 đồng. Vào tháng 7 năm 2009 MSC được chuyển giao toàn bộ cho Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, tăng vốn từ 32 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho Công ty Cổ phần tập đoàn Masan.
Công ty CP Tập đoàn Masan được chính thức đổi tên thành Công ty CP Masan (Masan Group) vào tháng 8 năm 2009. Thời điểm này cũng đánh dấu một dấu mốc mới của Masan Group khi chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trên thực tế, công ty này chính là đơn vị quản lý vốn đầu tư và tài sản cho 2 doanh nghiệp chính là Công ty CP Thực phẩm Masan Food và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam Techcombank.
Để người dân cả nước biết đến các sản phẩm mới của Masan rộng rãi hơn vị tỷ phú này không ngại chi mạnh tay vào việc quảng cáo. Điển hình năm 2018 ông đã chi tới 9 tỷ đồng cho 10 quảng cáo, mỗi quảng cáo có thời gian kéo dài 30 giây trong trận Chung kết AFF Cup 2018. Những quảng cáo ấy là để quảng bá cho loại sản phẩm mỹ, tương ớt và xúc xích mới của thương hiệu Masan.
Những con số đáng gờm từ “gã khổng lồ” Masan
Bắt đầu từ một công ty nhỏ chuyên sản xuất mỳ gói phục vụ cộng đồng người Việt tại Nga, Masan dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Đăng Quang và các cộng sự ngày một phát triển lớn mạnh. Không sai khi nói rằng “Masan chính là đế chế hàng tiêu dùng số 1 tại Việt Nam hiện nay”. Minh chứng rõ nhất của điều này chính là những thành tích mà “gã khổng lồ” này đã đạt được. Vào năm 2016. Masan đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, từng thứ 2 trong ngành hàng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tập đoàn Masan với hơn 10 ngàn nhân viên , đã đạt doanh thu thuần trên 30 ngàn tỷ đồng, mức tăng kỷ lục 90% so với năm trước đó vào năm 2015. Giá trị thị trường mà Masan Group có được nằm ở mức 51.000 tỉ đồng, khoảng 2,4 tỉ USD tính đến tháng 6 năm 2016.
Không dừng lại ở đó, đến năm 2018 doanh thu Masan Group đạt được ước tính lên đến 47.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Mục tiêu của Masan trong năm 2020 đạt giá trị vốn hóa thị trường bằng 10% tổng giá trị quốc nội của Việt Nam, ước tính khoảng 20 tỷ USD,
Quan niệm kinh doanh của “ông trùm” đế chế hàng tiêu dùng Việt.
Để có được những thành công như ngày hôm nay với danh hiệu tỷ phú USD tự thân ông Nguyễn Đăng Quang đã phải trải qua rất nhiều thử thách, khó khăn. Nhưng nhờ vào tư duy kinh doanh táo bạo, cùng quan điểm kinh doanh đúng đắn đã giúp ông có được những thành công lớn. Theo ông Quang chia sẻ, quan điểm trong kinh doanh của ông khi nhận định về thị trường là:
“Cách thứ nhất là thị trường luôn luôn đúng, bạn không cãi nhau với thị trường… Cách thứ hai là niềm tin vào ngày mai… Đó là niềm tin và quyết định của nhà đầu tư.”
“Nhu cầu sẽ đến không phải từ việc người tiêu dùng nhận thức nhu cầu là như thế nào, mà đến từ cách mình nhận biết, mình tưởng tượng và tìm cách thỏa mãn nhu cầu đấy.”
Khi kinh doanh Masan ông luôn theo đuổi một lý tưởng là đưa thương hiệu của mình trở thành một niềm tự hào của đất nước. Để có thể làm được được đó ông luôn muốn đưa đến những sản phẩm tốt nhất mang đậm tinh thần và văn hóa của Việt Nam.
Tài sản của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là bao nhiêu?
Rất nhiều người biết đến ông Nguyễn Đăng Quang là 1 trong 5 vị tỷ phú USD của Việt Nam được Forbes vinh danh. Tuy nhiên, chắc hẳn không phải ai cũng biết tổng giá trị tài sản cũng như mức độ giàu của ông ra sao? Bởi lẽ, dù biết rằng ông đang sở hữu một đế chế Masan hùng mạnh, nhưng là một doanh nhân kín tiếng, nên rất khó có thể biết được khối tài sản thực tế mà doanh nhân Nguyễn Đăng Quang có được là bao nhiêu.
Theo số liệu thống kê được của Forbes vào năm 2019 thì ông Quang nắm giữ 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1717 trên thế giới trong danh sách những người giàu nhất. Vào năm 2018, số liệu Bloomberg ghi nhận, ông trở thành tỷ phú đô la mới của Đông Nam Á khi sở hữu 1,2 tỷ USD. Bên cạnh việc sở hữu tập đoàn Masan, ông Quang còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác như: khai thác khoáng sản, tài chính,…
Ông luôn tin tưởng vào triết lý sống “Chúng ta làm việc tốt thì không nhất thiết nó phải vĩ đại. Việc bạn làm sẽ trở nên vĩ đại khi nó tốt cho tất cả mọi người”. Chính nhờ điều đó đã giúp ông ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.
Phần kết
Cũng giống như những tỷ phú khác, để có được sự thành công ông Nguyễn Đăng Quang đã phải nỗ lực rất nhiều trong con đường sự nghiệp của mình. Không có con đường đi đến thành công nào bằng phẳng, trải hoa cả. Vậy nên, là những người trẻ, các bạn nên dũng cảm khám phá những giới hạn của bản thân mình như những doanh nhân thành đạt như ông Quang.
Mong rằng những chia sẻ của News Timviec về vị tỷ phú đa tài Nguyễn Đăng Quang sẽ giúp bạn đọc có được những phút giây bổ ích nhất.