8 lỗi sai cơ bản trong thư xin việc khiến nhà tuyển dụng khó chịu
Mắc phải những sai lầm này trong bức thư xin việc gửi tới nhà tuyển dụng, bạn sẽ bị họ loại ngay từ “vòng gửi xe” và đừng mong có cơ hội lần sau.
Bước đầu tiên trong quá trình ứng tuyển của mỗi ứng viên chính là gửi bộ hồ sơ xin việc đến nhà tuyển dụng. Trong đó, thư xin việc là văn bản đính kèm nhằm giới thiệu bản thân và gửi lời chào đến nơi bạn muốn làm việc sau này. Nói cách khác, đây là bức “tâm thư” thể hiện nỗi niềm của bạn đến họ. Tuy nhiên không phải bạn cứ muốn viết sao thì viết.
Thư xin việc là một trong 2 yếu tố quan trọng khi bạn gửi email xin việc đến nơi tuyển dụng. Thậm chí, chỉ cần nhìn nội dung trong thư thôi, người tuyển dụng sẽ quyết định luôn có nên xem CV xin việc của bạn đính kèm hay không. Vì thế, tuyệt đối đừng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng dưới đây:
1. Ứng viên dùng email không chuyên nghiệp và quên chữ ký
Thật “ngớ ngẩn” khi bạn làm CV thật đẹp đẽ, hoàn hảo nhưng lại gửi bằng một địa chỉ email kiểu như “[email protected]”. Đây là lỗi sai kinh điển, không thể chấp nhận được đối với người đi xin việc. Nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua luôn và cho bạn vào danh sách đen vì lỗi không chuyên nghiệp, sai từ bước cơ bản.
Tốt nhất, hãy sử dụng địa chỉ email mang tên bạn đi kèm nghề nghiệp, ví dụ như “[email protected]”. Email chuyên nghiệp thể hiện bạn là người nghiêm túc với nghề nghiệp, cẩn thận trong giao tiếp và quan trọng nhất là cho nhà tuyển dụng thấy được bạn thực sự tôn trọng họ.
Một trong những nguyên tắc giao tiếp email chính là tạo chữ ký cho chính mình. Phần chữ ký được đặt tự động sẽ cung cấp đầy đủ cho người đọc về tên, số điện thoại, địa chỉ và nghề nghiệp hiện tại của bạn, giúp nhà tuyển dụng tiện liên hệ khi cần mà không phải tải CV đính kèm của bạn xuống. Vì thế, hãy bỏ ra vài phút để tạo một chữ ký cho email để đơn xin việc được chuyên nghiệp và đẹp mắt hơn.
Tham khảo thêm: Cách viết mail xin việc chuyên nghiệp gửi nhà tuyển dụng
2. Làm sai chỉ dẫn của nhà tuyển dụng
Rất nhiều ứng viên thích vẽ vời “hoa lá cành” vào đơn xin việc với hy vọng nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến mình. Nhưng hãy cẩn thận sẽ mắc sai lầm vì tiêu đề email xin việc thường được yêu cầu để ở dạng “Vị trí ứng tuyển_Tên”. Một số ứng viên không để ý điều này nên viết sai, thừa thãi, không đúng yêu cầu dẫn đến bị loại hồ sơ.
Chưa hết, nếu bạn thích làm đơn xin việc trở nên lòe loẹt và nghĩ như vậy sẽ bắt mắt thì bạn hoàn toàn sai rồi. Không nhà tuyển dụng nào thích bạn tô xanh tô đỏ vào phần đơn xin việc, trừ khi là do đặc thù công việc và họ có yêu cầu trước. 98% những người đọc email rất ghét màu sắc lòe loẹt gây nhức mắt. Một đơn xin việc chuẩn chỉ cần văn bản đơn thuần với ngôn ngữ tiết chế, nội dung hấp dẫn, cách trình bày đơn giản, càng lịch sự bao nhiêu càng gây ấn tượng bấy nhiêu. Tốt nhất, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi nộp CV nhé.
[HƯỚNG DẪN] Cách viết mẫu đơn xin việc trong hồ sơ CHUẨN nhất
3. Ghi sai tên nhà tuyển dụng
Rất nhiều người đã mắc phải lỗi “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi gửi CV đến quá nhiều nhà tuyển dụng một lúc, dẫn đến viết sai tên nhà tuyển dụng. Đây là lỗi cơ bản cấm kỵ nhất, nếu chẳng may viết “Kính gửi Công ty A” nhưng nội dung trong thư lại hướng đến Công ty B thì bạn hãy xác định bị loại từ phút đầu tiên họ đọc thư của bạn. Không những bị chê “nghiệp dư”, bạn còn khiến nhà tuyển dụng cảm thấy họ không được tôn trọng.
4. Viết sai chính tả hàng loạt trong email
Trước khi nhấn nút Send, hãy rà soát thật kỹ các lỗi chính trong đơn xin việc tránh gây khó chịu cho người đọc. Nhiều người không có thói quen này rất dễ bị “đánh rớt” vì viết sai be bét về câu từ và ngữ pháp. Nếu bạn viết đơn xin việc bằng tiếng Anh, lỗi sai này càng trở nên trầm trọng vì ý nghĩa và cấu trúc câu có thể bị thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, tuyệt đối đừng để sơ xuất không đáng có khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp bạn.
Bí kíp viết đơn xin việc bằng tiếng Anh để doanh nghiệp trải thảm đón
5. Sao chép các bức thư mẫu trên mạng
Nhiều ứng viên vì lười biếng hoặc thiếu ý tưởng nên lấy tải nhanh một mẫu đơn xin việc trên mạng về, chỉnh sửa qua loa rồi copy vào email. Chưa kể việc bạn có thể bị nhầm lẫn hoặc bỏ sót những chi tiết quan trọng cần sửa, nhà tuyển dụng sẽ loại bạn vì họ thấy nội dung quá quen thuộc (vì ai cũng dùng) và chán ngắt không muốn đọc.
Nếu muốn tạo ấn tượng, tự bạn phải viết đơn xin việc, sáng tạo và trình bày theo ý mình. Vừa gây thích thú cho người đọc thư, bạn còn thể hiện được bản thân, tạo sự mới mẻ cho nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, một lần viết thư là một lần bạn kiểm soát được chính tả, tránh dài dòng lạc đề, không đi vào đúng trọng tâm công việc bạn đang muốn xin vì hầu hết các mẫu có sẵn chỉ viết chung chung cho một lĩnh vực.
6. Đề cập quá nhiều đến lợi ích cá nhân
Lỗi này vốn ít xảy ra nhưng vẫn có người mắc phải vì họ quá chú tâm khi nói về thành tích bản thân. Bạn có thể sẽ chọc giận nhà tuyển dụng nếu quá đề cao cái tôi bản thân bằng từ ngữ kiêu ngạo, chẳng hạn như “Tôi chắc chắn mình là người đủ tiêu chuẩn nhất, không một ai có thể vượt qua tôi” hoặc “Nếu tôi không được nhận thì sẽ là thiệt thòi lớn đối với quý công ty”.
Nhà tuyển dụng cũng sẽ rất hài lòng nếu bạn muốn dùng năng lực của mình để đóng góp cho công ty hơn là bạn cứ chăm chăm nhắc đến phát triển bản thân mình. Hãy cố gắng thể hiện rằng bản thân phù hợp với công việc, mang lại giá trị cho sự nghiệp chung hơn là chỉ ích kỷ muốn công ty là đòn bẩy cho sự nghiệp của riêng bạn.
[Hướng dẫn] Cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV chuẩn nhất
7. Viết dài dòng, lan man
Đối với một lá đơn xin việc, ứng viên chỉ nên viết khoảng 200 từ trong khuôn khổ một mặt A4 tương đương với trên email. Tránh những từ ngữ câu nệ, mệnh đề phủ định quá dài dòng, chiếm hết nội dung chính của thư. Hơn nữa, bạn phải tập trung vào vị trí ứng tuyển của mình, tránh nói lan man sang các vấn đề khác, dẫn đến khó hiểu cho nhà tuyển dụng.
Một lỗi nữa chính là kỹ năng của bạn không phù hợp với vị trí tuyển dụng. Ví dụ, công ty muốn tuyển bạn vào vị trí viết content website nhưng bạn lại mải mê nói đến những kỹ năng Facebook Ads, người xét hồ sơ sẽ cực khó chịu khi đọc đơn xin việc của bạn.
8. Quên đính kèm CV
Mục đích chính của việc gửi email chính là nộp CV nhưng bạn lại quên đính kèm nó vào thư thì cố gắng của bạn trở nên vô nghĩa. Với các đơn vị chuyên nghiệp, họ không chấp nhận việc nhận vài đơn xin việc cùng lúc với cùng địa chỉ từ một người. Vì thế, hãy kiểm tra cẩn thận xem bạn chắc chắn đã đính kèm CV vào email hay chưa, đừng để công sức viết đơn xin việc trở về số 0.
Nếu viết thư xin việc phải chú ý những lỗi trên thì một email cảm ơn cũng phải ghi nhớ những điều tương tự. Nhiều ứng viên còn ít kinh nghiệm thường quên gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hình tượng của bạn trong mắt họ. Hãy gửi email đến nhà tuyển dụng với nội dung dạng “Cảm ơn quý công ty đã cho tôi cơ hội…“, “Tôi rất mong muốn được đảm nhận vị trí…, hy vọng được làm việc trong môi trường…“. Bên cạnh đó, đừng quên “nhắc khéo” họ hãy liên hệ với bạn và bạn rất mong chờ tin tốt từ họ.
► Có thể bạn quan tâm: Cách viết CV xin việc ấn tượng cho mọi ngành nghề