5 lỗi cực kì nghiêm trọng cần tránh khi làm CV xin việc

Ai cũng biết làm CV xin việc nhưng làm sao để sở hữu một bản CV ấn tượng, chất lượng? Đó là cả một nghệ thuật chứ không phải chuyện dễ dàng.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn những lỗi sai thường gặp khi làm CV xin việc cũng như giúp bạn đi đúng hướng, viết đúng trọng tâm mục quan trọng nhất – Kinh nghiệm làm việc.

Viết quá dài

Nhiều bạn viết CV tới 3-4 trang giấy, đây là điều hoàn toàn không cần thiết, trừ khi bạn là một nhà quản lý đã từng làm việc ở 5-6 công ty. Đôi khi, một số nhà tuyển dụng phải “rào trước”, nhắc nhở ứng viên rằng họ chỉ chấp nhận CV với 1 mặt giấy A4. Với sinh viên mới ra trường, tất cả chỉ nên gói gọn trong 1 trang mà thôi.

5 lỗi cực kì nghiêm trọng cần tránh khi làm CV xin việc - Ảnh 1
Bạn không nên viết CV quá dài, 2 mặt A4 là vừa đủ. Nguồn ảnh: Internet

CV không phải là một văn bản hành chính nên bạn có thể thỏa sức sáng tạo bố cục, trình bày, miễn sao trông gọn gàng, tạo cảm giác muốn đọc, dễ hiểu là được.

Quá chú trọng miêu tả bản thân

Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc hết CV của bạn nên việc dành cả 1 đoạn văn để miêu tả về bản thân và những dự định trong tương lai là hoàn toàn không cần thiết. Điều đó phù hợp với buổi phỏng vấn hơn. Hãy chú trọng vào những phần còn lại.

Nếu bạn thực sự có kinh nghiệm và muốn gây ấn tượng, hãy viết thật ngắn gọn và đưa ra những điều nổi bật nhất cũng như những kỹ năng mà bạn thực sự xuất sắc.

Đưa nhiều thông tin riêng tư

5 lỗi cực kì nghiêm trọng cần tránh khi làm CV xin việc - Ảnh 2
Một CV dài không hề tốt hơn 1 CV ngắn gọn và đủ ý. Nguồn ảnh: Internet

Đôi khi, nhiều bạn có tâm lý “thừa hơn thiếu” nên liệt kê “tất tần tật” thông tin riêng tư vào CV, bao gồm cả cung hoàng đạo, tình trạng hôn nhân, tài khoản mạng xã hội,… Hãy nhớ, chỉ nên “show” cho nhà tuyển dụng những kiến thức, kinh nghiệm thay vì những thông tin “râu ria” có thể làm cho họ xao nhãng, ảnh hưởng tới quyết định tuyển dụng.

Nói đi cũng phải nói lại, trong trường hợp bạn là một blogger có hàng nghìn người theo dõi thì đó lại là 1 điểm cộng khi đưa link Facebook, Instagram, blog vào CV.

Ngay cả mục Người tham chiếu (sếp cũ, đồng nghiệp cũ… những người mà nhà tuyển dụng có thể sẽ liên lạc để hỏi thêm về bạn), đôi khi, bạn cũng không nên để thông tin liên lạc trực tiếp ở đây vì nó khá nhạy cảm. Trong một số tình huống, bạn có thể ghi “Sẵn sàng cung cấp theo yêu cầu” để tránh gây phiền phức cho bên thứ 3.

Thiếu trọng tâm, dài dòng như 1 bài văn miêu tả

Như đã nói ở trên, nhà tuyển dụng chỉ dành 1-2 phút để đọc mỗi CV, thậm chí là lướt qua rất nhanh. Thế nên, đừng bao giờ viết CV dài “lê thê” mà hãy tận dụng triệt để các câu đơn, gạch đầu dòng, bôi đậm ý chính thật xúc tích.

Trọng tâm CV rơi vào các mục Kinh nghiệm làm việc, Kỹ năng và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Bạn cần biết mình thực sự ưu tú ở điểm nào để đưa nó đến vùng dễ nhìn nhất trong CV. Ngoài ra, từ khóa chính (keyword) cũng là điểm rất quan trọng, cần được xuất hiện rõ ràng, dễ thấy nhất trong CV. Những “keyword” này nên có mối liên quan tới vị trí công việc bạn đang ứng tuyển.

5 lỗi cực kì nghiêm trọng cần tránh khi làm CV xin việc - Ảnh 3
Nếu viết đúng trọng tâm, đảm bảo rằng, ngay cả khi chỉ đọc sơ qua, nhà tuyển dụng cũng sẽ nhanh chóng để mắt tới bạn. Nguồn ảnh: Internet

Lạm dụng CV có sẵn trên mạng

Hiện nay, có rất nhiều trang web cung cấp hàng nghìn mẫu CV để tham khảo nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng hợp lý. Hãy nhớ, đừng phụ thuộc vào các mẫu CV trên mạng, na ná như nhau. Điều này rất nguy hiểm vì khi bạn nghĩ mình đang gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, thì ngoài kia cũng có hàng trăm ứng viên có mẫu CV tương tự của bạn. Vậy, coi như là “công cốc”.

Đừng để CV của mình “đụng hàng” hoặc chí ít là đụng với rất ít CV khác bằng cách hiểu, làm chủ, điều khiển được nó, nhất là khi bạn ứng tuyển cho những công việc liên quan đến sự sáng tạo.

Còn không, hãy thiết kế cho mình 1 bản CV thật đơn giản nhưng vẫn tinh tế với nền trắng, chữ đen, đủ mục cơ bản, không sai chính tả, là bạn đã có thể vượt qua “vòng gửi xe” rồi.

Ngoài ra, 1 CV chất lượng phải bao gồm nhiều từ ngữ chuyên ngành về ngành nghề, công việc bạn đang ứng tuyển. Mẫu CV chung chung trên mạng sẽ không cung cấp điều này. Vì thế, bạn hãy đặc biệt lưu tâm và bổ sung.

5 lỗi cực kì nghiêm trọng cần tránh khi làm CV xin việc - Ảnh 4
Mỗi CV gửi đi để ứng tuyển một vị trí khác nhau, bạn cần thay đổi nội dung và cách viết cho phù hợp với vị trí ứng tuyển. Nguồn ảnh: Internet

Phần Kinh nghiệm làm việc (Working Experiences) trong CV nên viết như thế nào?

Đây là phần quan trọng nhất trong CV nhưng nhiều bạn lại viết rất sơ sài và chưa biết cách tận dụng hết để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Có 2 điều trong mục này bạn hoàn toàn có thể làm tốt hơn, nắm bắt trong tầm tay:

Nên cho kinh nghiệm nào vào phần này?

Nhiều bạn có xu hướng “nhồi nhét” tất cả các công việc vào trong CV, con số có thể lên tới 10-15 công việc, từ làm thêm thời sinh viên đến đi thực tập, công việc parttime, fulltime,… Bạn có nhiều kinh nghiệm là tốt, nhưng hãy nhớ, không phải công việc nào cũng sẽ phù hợp, liên quan tới vị trí bạn đang ứng tuyển.

Ví dụ, bạn đang xin vào vị trí “content writer” cho 1 trang báo thì 6 tháng làm thêm ở 1 quán cafe sẽ chẳng hỗ trợ gì cho profile của bạn cả. Hoặc, bạn từng làm việc 1-2 năm ở vị trí nhân viên văn phòng mà bạn muốn chuyển sang làm giáo viên tiếng Anh, thì việc bạn cần làm ở đây là làm nổi bật những hoạt động, tính chất, trách nhiệm liên quan nhất đến việc giảng dạy, truyền đạt, training, giao tiếp,…

Tùy vào thời điểm, bạn mới ra trường, có ít kinh nghiệm hay đã làm việc lâu năm, bạn nên tập trung vào 2, 3, 4 hoặc nhiều nhất là 5 kinh nghiệm khác nhau và viết 1 cách chi tiết, rõ ràng, cụ thể và nổi bật nhất.

5 lỗi cực kì nghiêm trọng cần tránh khi làm CV xin việc - Ảnh 5
Phần Kinh nghiệm làm việc mà làm sơ sài thì CV sẽ bị đánh trượt ngay lập tức. Nguồn ảnh: Internet

Nên viết thế nào trong phần mô tả của mỗi kinh nghiệm?

Nhiều bạn chọn cách “bê” nguyên phần mô tả công việc của công ty cũ vào CV, rất chung chung và “đúng trong mọi trường hợp”, không hề có nét riêng. Nhà tuyển dụng hoàn toàn không đánh giá cao điều này. Thay vì viết những dòng “vô thưởng vô phạt”, bạn có thể viết phần này theo góc nhìn của bạn, rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu hơn.

Ví dụ: Mô tả Kinh nghiệm làm việc của vị trí Điều phối viên Marketing, bạn:

Không nên viết:

  • Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch marketing để đạt chỉ tiêu KPI của công ty.
  • Tìm kiếm xu hướng người dùng và xu hướng marketing mới nhất.
  • Tham gia các khóa học và cuộc họp định kỳ với trưởng nhóm và các chuyên gia marketing hàng đầu.

Nên viết:

Triển khai kế hoạch marketing bao gồm:

  • Thiết kế và chạy quảng cáo Facebook cho các chiến dịch video giới thiệu sản phẩm hàng tháng.
  • Làm việc trực tiếp với đội video production để tạo ra sản phẩm truyền thông phù hợp nhất với kế hoạch marketing của công ty.
  • Triển khai chiến lược SEO cho hệ thống 3 website bán hàng.

Ví dụ: Mô tả Kinh nghiệm làm việc của vị trí Quản lý fanpage Facebook, bạn:

Không nên viết:

  • Chịu trách nhiệm viết bài trên trang Facebook.
  • Share bài viết trên phương tiện truyền thông.

Nên viết:

  • Lên kế hoạch truyền thông Facebook hàng tháng.
  • Triển khai kế hoạch và viết bài hàng ngày, chia sẻ ngôn ngữ và văn hóa Việt với cộng đồng người nước ngoài bằng tiếng Anh (238 bài viết).
  • Đăng sản phẩm video và chạy quảng cáo Facebook 1-2 lần/tháng.
  • Tương tác với khách hàng tiềm năng qua comment và inbox.
  • Chia sẻ bài viết trên các group người nước ngoài tại Việt Nam hàng tuần.
  • Sáng tạo ý tưởng quảng bá Facebook mới.

Như vậy, viết mục này, bạn nên viết cụ thể nhất. Nhà tuyển dụng nào cũng sẽ bị thu hút bởi 1 mô tả công việc có số liệu thống kê cụ thể chứ không phải là 1 mô tả chung chung, hời hợt.

Bạn đừng quên ghi chú thêm các mốc thời gian bắt đầu làm – khi nghỉ việc nhé!

Ví dụ: Tháng 10/2016 – Tháng 8/2017.

Tất cả những điều trên liệu đã đủ? Câu trả lời là chưa. Với mỗi công việc, bạn nên đính kèm luôn Thành tựu, Thành quả (Achievements) mà bạn đạt được trong quá trình làm việc tại công ty cũ. Đó có thể là những lần bạn được thăng chức, nhận về giải thưởng, phần thưởng, bằng khen nhờ nỗ lực không ngừng hoặc đạt được mục tiêu mà chính bạn đặt ra, giúp công ty đạt được những cột mốc phát triển nào đấy,… Phần này cũng cần được viết cụ thể, rõ ràng, có số liệu thì càng tốt.

Ví dụ: Sau 1 năm, đã giúp công ty mở được 2 chi nhánh mới và đưa vào hoạt động.

Hy vọng, bài viết đã giúp bạn biết cách làm CV xin việc chuẩn chỉnh, hoàn hảo để có thể tìm công việc mong ước. Chúc bạn thành công!

Tham khảo thêm:

➨ 11 website tải mẫu CV xin việc miễn phí, vừa nhanh lại cực chuyên nghiệp

➨ Cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng đơn xin việc viết tay

Alex


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn

Tìm việc ngay

Tin mới nhất

Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Eyeplus Online

Địa chỉ: Số 81, ngõ 68, đường Cầu Giấy, Tổ 05, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.