Cách viết CV xin việc chuẩn nhất cho ứng viên, nhà tuyển dụng đọc là ưng
Sinh viên mới ra trường, người lao động đang tìm việc mà không cập nhất ngay cách viết CV xin việc chuẩn nhất 2019 thì lúc thất nghiệp đừng hỏi vì sao. Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng là đây.
CV là gì?
Trước khi tìm hiểu về cách viết CV xin việc, hãy cùng chúng tôi ôn lại một chút kiến thức về khái niệm CV nhé! CV là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Curriculum Vitae”, đây là thuật ngữ dành riêng cho lĩnh vực tuyển dụng. “Curriculum Vitae” dịch ra có nghĩ là sơ yếu lý lịch nhưng trên thực tế CV không phải tờ khai lý lịch tự thuật mà đây là bản tóm tắt thông tin về ứng viên, bao gồm trường lớp, chuyên ngành học, bằng cấp, trình độ, năng lực, kinh nghiệm cùng với những kỹ năng liên quan đến vị trí mà họ đang muốn ứng tuyển.
CV giữ vị trí quan trọng trong quá trình xin việc, không thể thiếu trong bộ hồ sơ được gửi đến nhà tuyển dụng. Đây là yếu tố quan trọng quyết định việc bạn có gây ấn tượng và có được mời phỏng vấn hay không, là cơ sở chính để loại những ứng viên không phù hợp.
Vai trò của CV xin việc
Như đã nói ở trên, CV chính là công cụ giúp ứng viên tiếp cận nhà tuyển dụng. Về phía ứng viên, mục đích khi viết CV là thể hiện bạn được bạn là người có trình độ, kinh nghiệm phù hợp nhất với vị trí cần tuyển; có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu công việc của công ty; đủ năng lực chuyên môn và giáo dục; có tính chuyên nghiệp cầu toàn, trách nhiệm trong công việc…
Ngược lại, đối với nhà tuyển dụng, CV giúp họ chọn lựa các đối tượng nhân viên tiềm năng giữa hàng trăm ứng viên. Chỉ cần đọc qua 1 bản CV, sẽ đánh giá được bao quát, biết ngay được đây có phải người mình cần tìm hay không. Quá trình tuyển dụng được rút ngắn thời gian là nhờ bước này.
Để thành công sở hữu 1 công việc như ý, đúng chuyên ngành và sở thích, trước tiên bạn phải biết cách viết CV xin việc chuẩn, mà muốn thế, không thể bỏ qua những gạch đầu dòng dưới đây.
Nội dung cần có của CV xin việc
Hiện nay có nhiều cách viết CV xin việc, các bạn trẻ thường chọn cho mình hình thức trình bày sáng tạo, thu hút hơn để tạo ấn tượng. Tuy nhiên, về nội dung thì 1 bản CV chuẩn không thể thiếu những mục sau:
Thông tin cá nhân, cách liên hệ
Tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, quê quán, số điện thoại, email và địa chỉ liên lạc
Trình độ học vấn
Tên trường, khoa, chuyên ngành theo học. Phần này liệt kê từ cấp độ cao đẳng, cử nhân đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư… Nếu đã từng học khóa học nghiệp vụ, chuyên môn, hay chứng chỉ ngoại ngữ cũng nên nêu vào bản CV.
Tổng quan về sự nghiệp
Nêu 1 cách tóm tắt quá trình làm việc của bạn từ trước đến nay. Từng làm công ty nào, vị trí gì, chuyên môn của vị trí đó. Tránh việc bị rối, bạn nên liệt kê đúng theo trình tự thời gian. Nếu là sinh viên vừa ra trường, nhấn mạnh vào phần học lực, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm partime…
Kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và kỹ năng đạt được
Phần này quan trọng nhất của bản CV nên bạn phải thật sự viết kỹ càng. Thông qua mục này, nhà tuyển dụng mới quyết định có chọn bạn hay không nên trước tiên phải nêu ra hết tất cả kỹ năng, kinh nghiệm cho họ thấy. Hãy nói về năng lực đúng đặc thù chuyên ngành, thành tựu từng đạt được, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, tin học văn phòng… Lưu ý, muốn xin vào vị trí, lĩnh vực nào thì nên tập trung khoe kỹ năng lĩnh vực đó, dù viết dài dằng dặc nhưng trái ngành thì điều đó cũng chẳng giúp ích gì. Tuy nhiên, vẫn có thể thêm chúng vào phần bonus để làm phong phú thêm cho bản CV, nhà tuyển dụng cũng đánh giá được bạn là người đa năng, “nhạc gì cũng nhảy”, việc gì cũng làm.
Mục tiêu nghề nghiệp và sở thích cá nhân
Phần này có thể có hoặc không nhưng để bản CV đầy đủ, trọn vẹn và chuyên nghiệp hơn, bạn vẫn nên thêm vào. Nói ngắn gọn về dự định sắp tới, mục tiêu và kế hoạch trong tương lai, giúp nhà tuyển dụng đánh giá được tầm nhìn của bạn. Về sở thích thì chỉ viết đơn giản là những hoạt động giải trí ưa thích khi rảnh, không cần thiết và không nên tập trung vào phần này.
Nội dung chính là vậy, nhưng vị trí trình bày thì linh hoạt tùy ý thích. Nên để các thông tin hữu ích và phù hợp với công việc lên đầu, vị trí bắt mắt, dễ thấy nhất. Bản CV nên để nhiều không gian màu trắng, trình bày thoáng, không để chữ chen chúc nhau. Khi đã in ra bản cứng, sử dụng loại giấy in chất lượng.
1 bản CV trình bày đẹp mắt, hình thức hấp dẫn sẽ thu hút nhà tuyển dụng từ cái nhìn đầu tiên, tuy nhiên không phải bất cứ trường hợp nào bạn cũng sử dụng được nó. Nếu muốn ứng tuyển 1 vị trí trong các cơ quan nhà nước, mẫu CV đơn giản, truyền thống chắc chắn sẽ phù hợp hơn.
Cách viết CV xin việc chuẩn
CV xin việc chẳng khác nào “tấm lệnh bài” giúp bạn nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng và có được công việc mong muốn. Muốn được như vậy, bạn phải viết CV hiệu quả và ấn tượng! Cùng xem hướng dẫn cách viết CV chuẩn dưới đây nhé!
Cách viết CV xin việc bằng tiếng Việt
CV xin việc bằng tiếng Việt thường phải có đủ các mục chính sau:
- Thông tin liên hệ
- Mục tiêu nghề nghiệp
- Học vấn – Bằng cấp (chứng chỉ)
- Kinh nghiệm làm việc
- Thành tựu, giải thưởng…
- Kỹ năng
- Sở thích cá nhân
Đối với phần thông tin cá nhân, bạn phải ghi rõ ràng và cụ thể. Đối với phần mục tiêu nghề nghiệp, cần ghi rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân. Trong phần kinh nghiệm làm việc, hãy liệt kê đầy đủ những vị trí bạn từng làm mà bạn cho rằng nó có liên quan hoặc có thể phục vụ cho công việc bạn đang ứng tuyển. Đối với phần kỹ năng, hãy kể ra các kỹ năng bạn có và tự đánh giá bằng cách cho điểm theo thang điểm cụ thể. Phần thành tưu, giải thưởng… không nhất thiết phải có trong CV nhưng nếu có thì chúng sẽ là sự hỗ trợ rất tốt cho bạn, giúp bạn tỏa sáng hơn trong mắt nhà tuyển dụng
Cách viết CV xin việc bằng tiếng Anh
Viết CV bằng tiếng Anh không quá khó! Tương tự như CV tiếng Việt, một CV xin việc bằng tiếng Anh thường phải có đủ những mục sau:
- Personal details: Thông tin cá nhân (gồm có Date of birth, Gender, Email, Phone, Address…)
- Career Objective: Mục tiêu nghề nghiệp (ví dụ như: “Work in a young and dynamic environment where I can develop skills to contribute to the company. My goal is to become the Sales Manager in the next 5 years at your company”.)
- Education and Qualification: Bằng cấp và trình độ học vấn
- Work Experience: Kinh nghiệm làm việc
- Interests and Achievements: Thành tựu và sở thích cá nhân
- Skills: Kỹ năng (ví dụ như: communications skill, organizing skill…)
Cách viết CV xin việc cho sinh viên làm thêm
Bạn là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng lại muốn xin việc làm thêm? Vậy chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách viết CV xin việc part time nhé! Bạn cần lưu ý những điều sau:
+ Thông tin cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp:
Đối với phần thông tin cá nhân, hãy điền đầy đủ thông tin nhưng chú ý một số điều sau:
- Chọn ảnh đại diện rõ nét, không mờ nhòe; chọn ảnh nghiêm túc, không sử dụng ảnh selfie
- Tuyệt đối không quên ghi rõ email và số điện thoại đẻ nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn dễ dàng
Ở phần mục tiêu nghề nghiệp: Bạn vẫn còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, vì vậy bạn chỉ cần nói về mục tiêu ngắn hạn cùng những điều bạn muốn học hỏi, trau dồi trong tương lai gần
+ Học vấn: Ghi rõ tên trường và ngành mà bạn đang theo học
+ Kinh nghiệm làm việc: Liệt kê ra những công việc làm thêm bạn đã từng làm, lưu ý không cần kể lể dài dòng, hãy tập trung vào những công việc bạn cho rằng nó có sự liên quan với vị trí bạn đang ứng tuyển
+ Bằng cấp – Thành tựu: Bạn chưa ra trường, vì vậy chưa thể có bằng Đại học nhưng bạn có thể liệt kê một vài loại chứng chỉ bạn có như chứng chỉ tiếng Anh, tin học, kỹ năng mềm… chẳng hạn. Ở phần thành tựu, hãy ghi ra thành tích học tập hoặc những giải thưởng bạn đã đạt được
+ Kỹ năng: Điền vào CV những kỹ năng bạn có, chọn lọc những kỹ năng có thể giúp ích cho công việc bạn đang ứng tuyển
Cách viết CV xin việc cho sinh viên mới ra trường
Khác với sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên mới tốt nghiệp sẽ cần chú ý một điều khi viết CV:
- Thông tin cá nhân: Hãy đảm bảo yếu tố đầy đủ nhưng ngắn gọn, súc tích! Đừng để phần thông tin lan man, khiến nhà tuyển dụng không còn kiên nhẫn đọc tiếp
- Mục tiêu nghề nghiệp: Bạn đã tốt nghiệp, vì vậy hãy định hướng rõ ràng cho bản thân. Nói rõ về mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn, những dự định mà bạn sẽ thực hiện nếu được nhận vào làm ở vị trí công việc ấy
- Trình độ học vấn: Ghi rõ bằng cấp, chứng chỉ. Nếu điểm số trong quá trình học tập của bạn luôn ở mức xuất sắc thì bạn có thể liệt kê vào CV. Nếu bạn từng được học bổng hay giải thưởng thì cũng có thể bổ sung phần thông tin ấy vào CV
- Kinh nghiệm làm việc: Sinh viên mới ra trường thì chắc hẳn không có kinh nghiệm làm việc phong phú nhưng hãy liệt kê những công việc làm thêm của bạn vào nhé!
- Kỹ năng: Liệt kê các kỹ năng mà bạn cho là thích hợp với công việc mình đang ứng tuyển
Các lỗi tuyệt đối tránh khi viết CV xin việc
Nắm được cách viết CV xin việc rồi, vẫn phải lưu ý thêm những sai lầm nên tránh.
Lỗi chính tả
Điều tối kị khi viết CV là mắc lỗi chính tả. Bản CV rất ngắn, câu cú đơn giản mà còn để lỗi cơ bản như thế là rất khó chấp nhận, nhà tuyển dụng dễ mất hết thiện cảm và thậm chí bỏ qua luôn bản CV của bạn khi nhìn thấy lỗi này. Hãy kiểm tra lại CV cẩn thận trước về câu chữ, chính tả, dấu chấm câu, cách hành văn trước khi gửi đi nếu không muốn tự phá hỏng cơ hội.
Lỗi trình bày
Ngôn từ trong CV không dài dòng, lan man hay khoa trương, mà phải ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề. Độ dài của 1 bản CV chỉ nên giới hạn từ 1-2 trang A4. Sử dụng định dạng phông chữ dễ đọc, loại phông chữ đặc biệt chỉ làm khó cho nhà tuyển dụng trong việc đọc CV chứ không có tác dụng gì.
Lỗi dùng file PDF
Những ai đang tìm hiểu cách viết CV chuẩn nên chú ý rằng một vài nơi tuyển dụng không cài phần mềm đọc file PDF. Trừ khi có yêu cầu nộp CV xin việc dạng PDF, bạn nên nộp hồ sơ của bạn ở định dạng word (.doc hoặc .docx).
Kết
Người lao động muốn tìm việc mà lại coi thường tầm quan trọng của cách viết CV xin việc là hết sức sai lầm và phải thay đổi suy nghĩ ngay lập tức nếu không muốn thất nghiệp. Cơ hội việc làm hấp dẫn đôi khi không đến nhiều lần, việc chuẩn bị kỹ càng chu đáo 1 bản CV đẹp sẽ khiến nhiều công ty tốt để mắt đến, ngược lại nếu nộp bản CV hời hợp, thiếu sự đầu tư sẽ giết chết mọi cơ hội của bạn. Đọc kỹ bài viết này trước khi bắt tay vào viết để chuẩn hóa CV. Chúc bạn thành công!