Bí kíp đối phó trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn
Băn khoăn không biết ứng phó thế nào trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn? Hãy tham khảo bài viết này để chinh phục nhà tuyển dụng nhé!
Trước khi đi phỏng vấn, chắc chắn dù ít hay nhiều thì ai cũng phải trải qua cảm giác lo âu, thấp thỏm, không biết mình sẽ được hỏi những gì và bản thân sẽ đối phó ra sao trước những câu hỏi của nhà tuyể dụng khi phỏng vấn.
Đừng quá lo lắng, bạn hãy luyện tập trước một số câu hỏi thông dụng ở nhà, bên cạnh đó phải lên ý tưởng trước cho những điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, tố chất của bản thân để tránh bị lúng túng hay nói lan man khi đưa ra câu trả lời. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra cho bạn một số nhóm câu hỏi khó nhằn của nhà tuyển dụng, đồng thời gợi ý cách trả lời cũng như cách ứng xử phù hợp.
Những câu hỏi mang tính hóc búa, khó nhằn
Nhóm câu hỏi tại sao
Tại sao bạn nghỉ ở công ty cũ, tại sao bạn chọn công ty chúng tôi, tại sao chúng tôi lại nên tuyển dụng bạn, tại sao bạn lại làm nghề này…? Đây là những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn khiến ứng viên đau đầu. Lời khuyên cho bạn trước những câu hỏi hóc búa này nên trả lời một cách tự tin và trung thực nhất. Nếu như bạn nói không đúng sự thật, sau khi được tuyển dụng và công ty thì sớm muộn nhà tuyển dụng cũng phát hiện ra điều đó mà thôi. Như vậy lúc ấy họ sẽ nhìn bạn bằng một con mắt khác, có thể đánh giá bạn là một người không trung thực, chẳng đáng tin cậy một chút nào.
Nhóm câu hỏi về tiền lương
Tiền lương ở công ty cũ của bạn là bao nhiêu, bạn muốn mức lương bao nhiêu cho công việc hiện tại. Đây là một vấn đề khá tế nhị nhưng cũng rất quan trọng đối với cá nhân bạn và người phỏng vấn, bởi chỉ khi tìm được tiếng nói chung thì mới có kết quả, còn ví dụ như mức lương bạn đòi hỏi quá cao, nhà tuyển dụng lại muốn trả thấp hơn thì coi như buổi phỏng vấn hôm đó trở nên vô nghĩa. Để có một câu trả lời hay cho những câu hỏi này, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, tham khảo mức lương trung bình của ngành bạn đang làm để từ đó đưa ra yêu cầu phù hợp. Bạn có thể đề cập thẳng thắn con số mà bạn mong muốn, để tránh những việc không hài lòng sau này.
Nhóm câu hỏi xa rời thực tại
Trong nhóm này thì những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn thường hay bắt đầu với cụm từ giả dụ, nếu như, hay là bạn sẽ thế nào trong mấy năm tới, bạn sẽ lên chức gì sau 3 năm nữa… Cách tốt nhất để trả lời cho những câu hỏi này là không nên trả lời một cách quá chi tiết, cặn kẽ về một vấn đề nào đó, bởi đó là chuyện của tương lai, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra, hoặc nếu bạn nói quá khoa trương, nhưng đến khoảng thời gian đó lại chẳng làm được gì thì lại quá bẽ bàng rồi! Chính vì thế, thay vì trả lời cặn kẽ thì bạn hãy nói về những vấn đề chung chung như bạn đặt ra mục tiêu nghề nghiệp và bạn sẽ cố gắng hoàn thành chúng theo đúng thời hạn đã định.
Nhóm câu hỏi lạc đề
Tưởng rằng đi phỏng vấn xin việc thì những câu hỏi sẽ chỉ xoay quanh công việc, nhưng nhiều nhà tuyển dụng lại muốn thử tài phản ứng, phản xạ và thái độ của bạn nên đã đưa ra những câu hỏi chẳng có chút liên quan nào. Ví dụ như bạn thích màu gì, bạn yêu loài vật nào, loại cây nào mà bạn thích nhất?… Quả thật là ngoài tưởng tượng đúng không nào, tuy nhiên đừng quá lo lắng, hãy trả lời thật thà, bên cạnh đó bạn có thể khéo léo hơn một chút nếu đưa được lý do của sự lựa chọn đó. Bạn nên đưa ra câu trả lời là những con vật, loại cây có tính mạnh mẽ, cương trực, luôn khát khao vươn tới những đỉnh cao hay trước giông gió mà vẫn đứng vững… Đây mới là những điều mà những nhà tuyển dụng cần ở câu trả lời của bạn.
Cách đối phó với những câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng
Không sợ hãi
Với những câu hỏi mà bạn không lường trước được hay không có sẵn trong kịch bản của bạn thì bạn cũng đừng tỏ ra sợ hãi. Nếu mới chỉ có những câu hỏi như vậy mà bạn đã hoang mang thì nhà tuyển dụng sẽ không thể đánh giá cao bạn được, bởi họ đang thử xem ứng viên đối diện với những điều diễn ra không như mong đợi thế nào và bạn có khả năng suy nghĩ vượt ra khỏi mọi khuôn khổ hay không. Chính vì thế điều mà bạn cần là phải tự trấn an mình, tập trung trả lời đúng câu hỏi theo khả năng của mình.
Duy trì thái độ tích cực
Đôi khi những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn không liên quan đến công việc, bạn cảm thấy không vui và cho rằng có khi nào nhà tuyển dụng đang ‘chơi’ mình, muốn biến mình thành trò hề? Không hẳn như vậy đâu, bởi tất cả những câu hỏi của họ đều có lý do cả, chính vì vậy mà bạn đừng tỏ ra bất mãn, hãy cứ trả lời một cách thoải mái, vui vẻ nhưng vẫn giữ được thái độ nghiêm túc, duy trì thái độ tích cực này trong hết cả buổi phỏng vấn là bạn đã được đánh giá cao rồi.
Hỏi ngược lại
Trước những câu hỏi trong phạm vi quá rộng, hay bạn vẫn chưa hiểu hết về hàm ý thì bạn đừng ngại hỏi ngược lại, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn hỏi lại cặn kẽ sau đó trả lời đúng vấn đề, thay vì là không hiểu bản chất nhưng vẫn cố đưa ra câu nói bừa. Việc đặt ra câu hỏi ngược lại cho người phỏng vấn cũng là cơ hội để bạn có thêm chút thời gian để suy nghĩ, cân nhắc cho câu trả lời của mình.
Đề cao tố chất, kỹ năng của bản thân
Tùy vào công việc mà bạn đang ứng tuyển cần có những tố chất, kỹ năng nào thì bạn hãy nhấn mạnh và luôn xoay quanh những điều đó. Bạn luôn phải thể hiện sự tự tin với những điều vốn có ấy của mình, bởi chỉ khi bạn tự tin, nghĩ rằng mình có khả năng làm được thì mới thành công được. Nhà tuyển dụng cũng rất thích những người có đầy đủ tố chất, kỹ năng, đáp ứng được những yêu cầu của công việc. Như vậy bạn cần chuẩn bị trước những điểm mạnh của bản thân để thể hiện mình trước nhà tuyển dụng.
Như vậy, đọc hết bài viết này chắc hẳn bạn đã nắm được những chiêu để đối phó lại với những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn rồi. Hi vọng rằng với những thông tin hữu ích mà chúng tôi gợi ý, bạn sẽ có một buổi phỏng vấn hoàn hảo nhất, tràn đầy tự tin, mang lại cảm giác thoải mái cho cả bạn với người trực tiếp phỏng vấn, nhanh chóng tìm được công việc đúng như mong muốn của bản thân mình.