CV xin việc Kế toán cả người mới ra trường lẫn có kinh nghiệm đều cần
Viết CV xin việc Kế toán cũng như CV trong các ngành nghề khác, không khó nhưng đòi hỏi người xin việc phải làm nổi bật được các ý chính. Viết CV sao cho nhà tuyển dụng đọc không bỏ sót 1 chữ nào là cả 1 nghệ thuật.
Kế toán là vị trí “nòng cốt” trong các công ty, doanh nghiệp thuộc bất cứ lĩnh vực nào. Chính vì thế, nghề này luôn được các bạn trẻ ưa chuộng. Khi ra trường, làm sao để viết CV xin việc Kế toán bắt mắt, cuốn hút, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích.
CV xin việc là gì?
CV là dạng viết tắt của cụm từ “Curriculum Vitae”, là hồ sơ cung cấp những thông tin về trình độ học vấn, bằng cấp, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng công việc của ứng viên khi đi xin việc làm.
CV xin việc Kế toán là giấy tờ quan trọng trong bộ hồ sơ xin việc lĩnh vực Kế toán – 1 trong những ngành nghề luôn “hot” ở nước ta.
CV xin việc Kế toán chuẩn
Tương tự các ngành nghề khác, CV xin việc ngành Kế toán cũng có 5 mục cơ bản, trọng tâm:
Thông tin cá nhân
Bạn cần cung cấp chính xác một số thông tin bắt buộc về bản thân như:
- Họ tên đầy đủ
- Ngày tháng năm sinh
- Số điện thoại
- Địa chỉ
Ngoài ra, hãy dán kèm 1 bức ảnh chân dung rõ mặt, không cần quá nghiêm túc, có thể biểu cảm hơi tươi tắn, thân thiện để nhà tuyển dụng dễ nhận ra bạn giữa hàng trăm, nghìn ứng viên.
Trình độ, bằng cấp
- Bạn tốt nghiệp chuyên ngành nào? Trường Đại học hay Cao đẳng? Loại bằng tốt nghiệp? Điểm tốt nghiệp là bao nhiêu?
- Hãy liệt kê rõ ràng, kể cả những văn bằng, chứng chỉ có liên quan.
- Bằng cấp chính quy, ưu tú được đánh giá khá quan trọng với lĩnh vực Kế toán. Theo quy định của luật Kế toán Việt Nam, cá nhân muốn hành nghề kế toán phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề do nhà nước hay các cơ quan có thẩm quyền cấp.
Kinh nghiệm làm việc
- Đây chính là phần quan trọng nhất trong 1 CV ở bất cứ ngành nghề nào chứ không riêng ngành Kế toán. Mục này nên viết càng dài càng tốt nhưng cũng phải cực kì mạch lạc. Không nên kể lể dài dòng như 1 bài văn vì nó sẽ tạo cảm giác rối rắm, tâm lý ngại đọc.
- Hãy gạch đầu dòng, liệt kê những công việc bạn đã trải nghiệm theo mốc thời gian mới nhất trở về trước, đầy đủ tên công ty, chức vụ, chuyên môn, vị trí, thời gian cụ thể bắt đầu ‐ kết thúc. Chú ý, chỉ chọn ra những công việc có liên quan tới vị trí đang ứng tuyển nhất.
- Với người sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể viết về khoảng thời gian đi thực tập, tham gia khoá học nâng cao, đào tạo nghiệp vụ, làm nhân viên thu ngân, bán hàng,…
- Nếu có thành tựu, giải thưởng hay kết quả công việc nổi bật nào, bạn có thể liệt kê luôn ở phần này.
Kĩ năng công việc
Sở hữu kiến thức chuyên môn cao thôi chưa đủ, nghề kế toán yêu cầu bạn có thêm nhiều kỹ năng bổ trợ mới mong hoàn thành xuất sắc khối lượng công việc được giao.
- Kỹ năng tin học văn phòng: Không phải bàn cãi thêm, các chương trình tin học văn phòng cơ bản như Word, Excel, Powerpoint chính là trợ thủ đắc lực cho công việc kế toán.
- Kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm HTKK (hỗ trợ kê khai), phần mềm kế toán Misa, Fast, phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP,…
- Kỹ năng ngoại ngữ: tiêu biểu là tiếng Anh – chìa khóa để trở thành 1 kế toán viên chuyên nghiệp, kế toán viên quốc tế giữa thời buổi các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Ngoài 3 kỹ năng thiết yếu trên, loạt kĩ năng sau đây cũng quan trọng không kém bởi chúng chính là những công việc tiêu biểu của 1 kế toán viên:
- Lập, phân tích, trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế
- Kỹ năng thống kê, phân tích tài chính, quản trị tài chính doanh nghiệp
- Kê khai, khai báo thuế, xử lý các trường hợp phát sinh
- Xử lý hóa đơn chứng từ đầu ra, đầu vào
- Lập bảng lương, tính lương, các khoản bảo hiểm
- Hạch toán sổ sách
- Quản lý các khoản vay, giao dịch ngân hàng
- Lên dự toán, theo dõi, kiểm soát việc thực hiện các định mức thu chi
- Tập hợp chi phí, tính giá thành
- Lên kế hoạch dòng tiền và kế hoạch thanh toán
- Tổng hợp báo cáo kết quả kinh doanh theo tháng, quý, năm
- Thu thập chứng từ, hóa đơn giá trị gia tăng
- Kiểm tra, đảm bảo tính pháp lý, hợp lý, chính xác của chứng từ
- Cân đối thuế giá trị gia tăng, cân đối doanh thu, chi phí
- Thực hiện đúng đủ, kịp thời các báo cáo với cơ quan thuế
- Hạch toán các nghiệp vụ thuế, hoàn thiện chứng từ, sổ sách hợp lý, hợp lệ
…
Ngoài ra, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao nếu bạn có thêm những kỹ năng sau trong CV: giao tiếp, ngoại giao, thuyết trình, phân tích, tổng hợp, đưa ra quyết định, lên kế hoạch, sắp xếp, tổ chức, thuyết phục, đàm phán, làm việc nhóm, quản lý thời gian, lãnh đạo, đào tạo, giải quyết vấn đề, nói trước đám đông, nghiên cứu…
Mục tiêu nghề nghiệp
Phần này được coi như “chuyên mục quảng cáo” về bản thân, giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Mục này sẽ khiến họ thấy rằng bạn là người làm việc có phương hướng, kế hoạch, đam mê, có chí tiến thủ, nhiệt huyết, sự cầu tiến. Bạn nên đề cập những gì mà bạn đang hướng đến thành các mục rõ ràng:
- Mục tiêu ngắn hạn
- Mục tiêu dài hạn
Ví dụ như: Tôi mong muốn:
- Tìm được môi trường làm việc phù hợp trong lĩnh vực kế toán để phát huy kiến thức tôi đã được học. (đối với sinh viên mới ra trường)
- Làm việc ổn định, lâu dài trong 1 môi trường chuyên nghiệp, chế độ phúc lợi xã hội tốt. (đối với người đã có kinh nghiệm)
- Phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực kế toán, trở thành 1 kế toán giỏi và chuyên nghiệp.
- Thi chứng chỉ kế toán trưởng để nâng cao thêm kiến thức, chuyên môn.
Ghi điểm với mục “Thông tin bổ sung”
Thông thường, với các ngành nghề khác, bạn có thể thêm mục “Sở thích cá nhân” vào CV nhưng với ngành Kế toán, mục này được cho là không quá cần thiết.
Thay vào đó, bạn có thể tổng hợp những thông tin bên lề về bản thân trong 1 mục và đặt tiêu đề là “Thông tin bổ sung”.
Tại đây, bạn có thể khéo léo “đánh bóng” chính mình, diễn giải 1 chút về sở thích, thế mạnh, điểm yếu và tính cách nhưng nên ghi nhớ, tất cả đều phải là những yếu tố có liên quan tới công việc kế toán mà bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ như, bạn có thể miêu tả bản thân dựa trên những phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cần có của 1 kế toán viên:
- Trung thực, thật thà, cẩn thận, kiên nhẫn
- Hoạt bát, nhiệt tình, năng động, sáng tạo
- Yêu thích các con số, chịu được áp lực cao, có tinh thần trách nhiệm, cầu tiến
- Ham học hỏi, cập nhật (thông tin liên quan đến thuế, chính sách, điều luật…)
- Nhạy bén, linh hoạt
Lưu ý khi viết CV xin việc
Nhà tuyển dụng chỉ dành ra 1-2 phút, thậm chí là đọc lướt qua rất nhanh 1 bản CV nên nếu không biết cách tạo ấn tượng đặc biệt, CV của bạn rất dễ bị bỏ qua. Khi viết CV nói chung và CV xin việc ngành Kế toán nói riêng, tuyệt đối không được:
- Trình bày bố cục rườm rà, rối mắt
- Viết dài dòng như “văn xuôi”
- Sắp xếp sai trật tự thông tin
- Sai chính tả – lỗi tối kị nhất trong các văn bản trang trọng, viết tắt
- Phần Kinh nghiệm làm việc quá ngắn
- Không nêu ra được kỹ năng nào
- Sử dụng những từ ngữ khoe khoang, sáo rỗng
- Email không nghiêm túc
- Sử dụng 1 CV “chung chung” để ứng tuyển cho nhiều vị trí khác nhau (không có thuật ngữ chuyên ngành)
Trên đây là hướng dẫn viết CV xin việc Kế toán xúc tích nhưng vẫn đầy đủ thông tin. Hy vọng, với bản CV này, bạn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng và tìm cho mình được công việc kế toán ưng ý.