Cách viết CV Ngành Kế Toán/Kiểm Toán cho người ít kinh nghiệm
Cách viết CV Ngành Kế Toán/Kiểm Toán cần tỉ mỉ, rõ ràng như khi bạn làm báo cáo về tài chính. Bên cạnh đó cần bổ sung các yếu tố về kỹ năng để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Kế toán và kiểm toán là 2 nghề khác biệt. Tuy nhiên, cách viết CV Ngành Kế Toán/Kiểm Toán lại tương đối giống nhau vì chúng cùng lĩnh vực, thậm chí có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho những người chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm viết được CV xin việc kiểm toán, kế toán một cách hoàn hảo nhất; giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao ngay cả khi bạn mới tốt nghiệp.
Quan hệ giữa ngành Kiểm toán, Kế toán
Điểm giống nhau
Nghề kiểm toán và kế toán đều thuộc lĩnh vực tài chính. Hai nghề này đều làm việc dựa trên các số liệu để đưa ra kết quả báo cáo về tình hình tài chính, kiểm kê tài sản doanh nghiệp. Nói chung, kiểm toán sinh ra từ cái gốc kế toán, kiểm toán phản ánh kết quả làm việc của kế toán.
Điểm khác nhau
Nếu như kế toán là nghề tiếp nhận, xử lý và đánh giá, phân tích và ghi chép các số liệu chi tiết về tài chính của doanh nghiệp thì kiểm toán lại có nhiệm vụ kiểm tra, xác minh tính trung thực của số liệu đó nhằm đưa ra ý kiến, kiến nghị đề xuất để điều chỉnh hoạt động kế toán được rõ ràng, chính xác hơn, đảm bảo thông tin, số liệu đó tuân thủ các chuẩn mực và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Báo cáo của kế toán nếu có báo cáo của kiểm toán đi cùng sẽ có giá trị hơn nhiều, tăng độ tin tưởng và phản ánh khá rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do dựa vào số liệu kế toán nên báo cáo của kiểm toán cũng chỉ tương đối chính xác.
Tình trạng lao động ngành Kiểm toán/Kế toán hiện nay
Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế – thương mại, các công ty, doanh nghiệp được thành lập rất nhiều, hoạt động kinh doanh mạnh mẽ. Kéo theo đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Kế toán/ Kiểm toán tăng cao.
Cả hai nghề này đều có môi trường làm việc chung trong các phòng ban, bộ phận tài chính của công ty, doanh nghiệp. Nghề kiểm toán còn là một phần cực kỳ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập, nhằm quản lý tài chính của Nhà nước một cách minh bạch nhất, hạn chế tình trạng tham nhũng.
Nghề Kiểm toán/Kế toán dễ dàng được trọng dụng vào các vị trí tốt trong doanh nghiệp, nhận mức lương thưởng, hậu đãi cao. Với các kế toán viên có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên, các công ty phải trả cho họ từ 5 triệu – 7 triệu đồng trở lên; đối với kiểm toán có kinh nghiệm tương đương, mức lương từ 7 triệu – 10 triệu đồng; với kiểm toán Nhà nước, các khoản hậu đãi không dưới 10 triệu đồng.
Ứng viên ít kinh nghiệm vẫn có thể tự tin viết CV xin việc ngành Kế Toán/Kiểm Toán
Đối với các kiểm toán viên, kế toán viên có thâm niên nhiều năm, họ xin việc rất dễ dàng, thậm chí các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa chào đón họ về làm việc. Tuy nhiên, đối với những sinh viên ngành này mới ra trường hoặc người ít kinh nghiệm lại rất khó tìm được việc làm hoặc công việc lương thấp. Vì thế, muốn tìm được việc làm như ý, ứng viên cần học được cách viết CV Ngành Kế Toán/Kiểm Toán để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay từ lần đầu tiên.
Tỉ lệ chọi xin việc ngành này là khá cao, vì thế nếu CV của bạn mờ nhạt thì đừng mong nhà tuyển dụng để mắt tới. Cũng như nhiều ngành khác, ứng viên cần nắm vững kỹ năng viết CV (sơ yếu lý lịch) để nhà tuyển dụng thấy được năng lực của bạn và đánh giá xem bạn có đáp ứng được công việc của họ hay không.
Thông thường, một CV nghề Kiểm toán/ Kế toán cần có: Giới thiệu chung về bản thân, Mục tiêu nghề nghiệp, Trình độ, bằng cấp, Kinh nghiệm chuyên môn, Kỹ năng và các thông tin bổ sung khác. Vì ngành này phải có trình độ chuyên môn chính xác tuyệt đối nên trong phần CV, bạn phải nhấn mạnh vào bằng cấp và kinh nghiệm thực tập, làm việc của mình dù cho có ít ỏi đi chăng nữa.
Cách viết CV Ngành Kế Toán/Kiểm Toán cho người ít kinh nghiệm
1. Giới thiệu bản thân
Phần mô tả về bạn là yếu tố quyết định xem nhà tuyển dụng có muốn thuê bạn hay không. Mở đầu một CV chán ngắn sẽ biến sơ yếu lý lịch trở thành tờ giấy nháp. Vì thế, hãy tóm tắt bản thân bạn một cách ấn tượng và dễ hiểu nhất.
Phần giới thiệu về bản thân chỉ nên mô tả ngắn gọn các thông tin: Tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email liên hệ (sử dụng tên email chuyên nghiệp, tránh dùng những cái tên mù mờ, khó hiểu), vị trí ứng tuyển và sử dụng ảnh chụp chính diện, rõ mặt, lịch sự.
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Lỗi thường gặp của các ứng viên chính là viết CV một cách chung chung, không rõ ràng theo từng ngành. Bạn là ứng viên ngành Kế Kiểm, cần cho nhà tuyển dụng biết bạn tha thiết với nghề này, vì suy cho cùng đây là nghề khá “khô khan”.
Hãy cho nhà tuyển dụng thấy đam mê của bạn bằng việc sử dụng các cụm từ: “muốn phát triển kỹ năng phân tích”, “muốn học hỏi và nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ, phần mềm kế toán cao cấp của công ty”, “muốn cải thiện kỹ năng tính toán và toán học”, “bồi dưỡng khả năng suy luận, giải quyết vấn đề của bản thân”, “cống hiến những kiến thức bản thân học được cho công ty”,… Tóm lại, hãy cho họ biết bạn rất cầu thị với công việc.
3. Trình độ, bằng cấp
Vì bạn là ứng viên ít kinh nghiệm, vì thế bằng cấp bạn đưa ra rất quan trọng. Hãy nhấn mạnh vào những thành tích bạn có được trong phần này. Cùng với bằng cấp, nơi tốt nghiệp, hãy chỉ ra cụ thể những điều bạn học được trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Với công việc kế toán, kiểm toán, những kiến thức về luật thuế, tính toán, định khoản sẽ là những điểm mạnh giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Kiến thức chuyên môn được đưa vào CV càng nhiều, nhà tuyển dụng sẽ càng yên tâm về năng lực hoàn thành công việc dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, thông thạo tiếng Anh cũng phục vụ rất tốt cho quá trình làm việc của bạn. Vì thế, nếu bạn có các bằng cấp ngoại ngữ, chứng chỉ thực hành tiếng Anh thì hãy mang ra cho nhà tuyển dụng xem.
4. Kinh nghiệm làm việc
Với phần này, bạn sẽ khá lúng túng khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm. Đừng lo vì nhà tuyển dụng cũng đã biết bạn mới ra trường từ phần giới thiệu. Thay vì liệt kê những nơi làm việc, vị trí làm việc như các kế toán viên, kiểm toán viên dày dặn lâu năm, bạn hãy thể hiện những bài khóa luận, dự án nghiên cứu hay công ty bạn từng thực tập. Hãy kể về những hạch bản hạch toán hóa đơn, kê khai thuế, lập báo cáo tài chính,… bạn từng được hướng dẫn làm hoặc tự hoàn thiện khi thực tập, điều đó mang lại rất nhiều lợi ích.
Dù đây không phải là những nơi thể hiện được nhiều chuyên môn nhưng ít ra nó chứng tỏ bạn từng có kinh nghiệm làm việc. Tự đưa ra những gì bạn đã học hỏi được, trả lời xem kiến thức đó sẽ phục vụ được gì cho công việc bạn sắp làm, đó chính là kinh nghiệm của bạn. Những điều mới mẻ trong thời gian bạn học và thử đi làm đôi khi còn khiến nhà tuyển dụng thích thú hơn cả ngôn từ chuyên môn khô khan.
Ngoài ra, tiếng Anh chuyên ngành Kế Kiểm rất quan trọng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường ắt hẳn bạn cũng được học điều này. Nếu bạn là người đọc thông hiểu thạo ngoại ngữ, hãy “khoe” điều đó với nhà tuyển dụng. Còn trong trường hợp ngược lại, hãy cho họ biết bạn đang trong quá trình cố gắng hoàn thiện tiếng Anh của bản thân.
Nhấn mạnh kỹ năng trong CV Kiếm toán/Kế Toán
Nghề Kiểm toán/Kế toán nói riêng và ngành liên quan đến tài chính nói chung đều yêu cầu có kỹ năng về tính toán, linh hoạt với con số và tỉ mỉ trong quá trình làm việc. Chính vì thế, ứng viên nên làm nổi bật yếu tố này trong phần kỹ năng của mình.
Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn thông thạo những phần mềm, công cụ kế toán chuyên dụng nào hoặc ít nhất là bạn đã sử dụng nó bao giờ chưa. Thêm vào đó, nếu bạn đã tham gia các khóa học về kỹ năng làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế,… thì hãy mạnh dạn viết vào CV vì yếu tố này rất đắt giá.
Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm như sắp xếp quản lý công việc, kỹ năng phân tích, kỹ năng đưa ra quyết định, giao tiếp và kỹ năng thích ứng với môi trường mới, teamwork,… là yếu tố giúp người tuyển dụng đánh giá cao ứng viên ngành Kế Kiểm. Thường các nhà tuyển dụng ít khi nhìn vào bảng thành tích để đánh giá thực lực của bạn, vì thế hãy nhớ kỹ năng và kinh nghiệm mới là điều quan trọng.
Với những người ít kinh nghiệm, khi viết CV bạn không cần quá lo lắng. Luôn cho họ biết bạn hết mình và cầu thị, mong muốn được nhận công việc của họ. Cách viết CV Ngành Kế Toán/Kiểm Toán là mang những điểm mạnh của mình vào nhưng tuyệt đối đừng nên sử dụng giọng điệu khoe khoang, đặt cái tôi bản thân quá lớn sẽ khiến người đọc CV khó chịu. Muốn tìm được công việc, hãy học cách biến CV của bạn thành câu chuyện ai cũng muốn nghe. Chúc bạn thành công!
Hà Định
Nguồn: https://timviec.com.vn/