Sampling là gì – Tìm hiểu về xu hướng Sampling mới [2020]
Sampling là gì? Nó là hình thức phát sản phẩm mẫu cho khách hàng dùng thử. Và nó được coi là một “chiêu bài” marketing sản phẩm rất hiệu quả!
Sampling là gì?
“Sampling” dịch ra tiếng Việt là việc phát sản phẩm mẫu cho khách hàng dùng thử. Nhân viên của các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ giới thiệu và đưa sản phẩm trực tiếp đến tay khách hàng, khách sẽ dùng thử sản phẩm và cho nhân viên biết cảm nhận của họ. Đây được coi là một hình thức marketing khôn khéo bởi nhờ vào cách làm này mà doanh nghiệp có thể trực tiếp tiếp nhận phản hồi của khách hàng về sản phẩm mà họ sản xuất.
Phát sản phẩm mẫu là loại hình marketing rất được các doanh nghiệp ưa chuộng. Họ thường xuyên áp dụng “chiêu thức” này để quảng bá sản phẩm. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều không ít lần bắt gặp kiểu tiếp thị sản phẩm này qua hình ảnh những cô gái PG đứng trong siêu thị, trung tâm thương mại tặng sản phẩm miễn phí cho khách hoặc những chiếc xe đẩy bắt mắt đứng ở những góc phố đông người để mời khách dùng thử/nếm thử sản phẩm của công ty họ.
Sampling được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: viễn thông; FMCG – Fast Moving Consumer Goods (nhóm hàng tiêu dùng nhanh, gồm các loại hàng tiêu dùng như: đồ ăn, đồ uống, mỹ phẩm, thuốc lá, xăng dầu…) và nhiều lĩnh vực khác.
➤➤ Xem thêm: PG là gì? Tổng hợp những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn PG
Các hình thức Sampling phổ biến
Tiếp nối phần định nghĩa sampling là gì, chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu về các hình thức sampling phổ biến nhất hiện nay. Sampling thường được chia thành 2 loại chính, đó là:
Face to face
Đây là kiểu sampling phổ biến nhất. Nhân viên bán hàng/tiếp thị của các công ty sẽ dựng quầy ở các địa điểm ngoài trời hoặc khuôn viên của những nơi đông người như: siêu thị, trường học, bệnh viện… để thu hút khách. Họ sẽ trực tiếp mời chào và gửi hàng mẫu đến tận tay khách hàng rồi thu thập ý kiến đánh giá của khách.
Face to face cũng được đánh giá là hình thức sampling hiệu quả nhất bởi vì nhân viên bán hàng tiếp xúc được với nhiều đối tượng khách hàng, trong đó có rất nhiều khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp đang tìm kiếm.
Door to door
Hình thức này cũng tương đối phổ biến nhưng không được đánh giá cao như Face to Face bởi nó khá tốn kém (doanh nghiệp phải chi trả tiền xăng xe và các chi phí liên quan khác cho nhân viên) và tốn nhiều công sức (do nhân viên phải đi gõ cửa từng nhà để mời chào khách dùng thử sản phẩm).
Với hình thức này, doanh nghiệp cũng cần tiến hành đào tạo nhân viên bài bản và khắt khe hơn nhưng hiệu quả đem lại lại không lớn. Việc gõ cửa nhà riêng của khách có thể gây cho họ sự khó chịu, không gian riêng tư của mỗi người thường không hoan nghênh “kẻ lạ mặt”. Và hình thức Door to Door cũng không giúp nhân viên tiếp thị tiếp xúc được với nhiều khách hàng như Face to Face, cũng vì thế mà họ dễ xác định sai đối tượng khách hàng tiềm năng.
Những địa điểm có thể thực hiện Sampling
Bạn muốn hình thức sampling đem lại hiệu quả tối ưu thì bạn phải biết đâu là địa điểm thích hợp nhất để tiến hành phát hàng mẫu, hàng dùng thử cho khách. Dưới đây là một số địa điểm gợi ý để bạn tham khảo:
- Chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa: Đây là nơi sampling cực kỳ hiệu quả, bạn có thể phát bất kỳ mặt hàng nào và họ đều đón nhận nhiệt tình bởi đây là nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Dĩ nhiên, bạn phải xin phép chủ địa điểm ấy để nhận về sự hỗ trợ cần thiết của họ
- Nhà hàng, quán ăn, quán cafe: Nếu nhiệm vụ của bạn là phát mẫu dùng thử của các mặt hàng như đồ uống hay thuốc lá… thì đây chính là nơi bạn nên chọn để mời chào khách.
- Chung cư, tòa nhà văn phòng: Đây là nơi tập trung rất đông người – một địa điểm lý tưởng để bạn tiếp thị đủ loại sản phẩm từ đồ ăn, đồ uống đến đồ dùng, mỹ phẩm… Bạn cần lưu ý trước khi dựng quầy thì phải có được sự đồng ý của ban quản lý tòa nhà và lực lượng bảo vệ tòa nhà nhé!
- Trường học: Hãy chọn cổng trường để phát hàng mẫu như: thức ăn, đồ uống, mỹ phẩm, game… bởi đó là những thứ giới trẻ cực kỳ quan tâm
- Bệnh viện, thẩm mỹ viện, trung tâm thể dục, phòng tập gym: Những địa điểm này rất phù hợp để quảng bá, tiếp thị các sản phẩm liên quan đến thực phẩm chức năng, đồ ăn – đồ uống giúp giảm cân, các sản phẩm làm đẹp…
- Event, triển lãm, hội chợ: Đây là nơi thích hợp để bạn chào mời đủ mọi mặt hàng bởi bản thân các event, hội chợ cũng đã bày bán nhiều loại hàng hóa và tập trung rất đông người tham gia. Dĩ nhiên, bạn phải nhận được sự đồng ý của người tổ chức event, hội chợ… thì mới có thể tiến hành phát hàng dùng thử cho khách.
➤➤ Tham khảo thêm: Department store là gì? Sự khác biệt với Shopping Mall?
Có phải Sampling đã hết thời?
Vào thời điểm cách đây vài chục năm, hình thức sampling được người tiêu dùng hưởng ứng nhiệt liệt. Ai cũng hào hứng bởi được nhận và dùng sản phẩm miễn phí. Tuy nhiên vài năm gần đây, tình hình đã đổi khác rất nhiều. Khách hàng không còn dễ dãi như xưa, không còn quá hào hứng với những thứ gọi là “miễn phí”. Họ dần cảm thấy nhàm chán với hình thức sampling này bởi nó không có nhiều thay đổi sau chừng ấy năm.
Không ít người nhận hàng dùng thử chỉ vì nể nhân viên cứ tiếp thị liên tục rồi mang về nhà mà chẳng hề dùng tới, đến lúc hết hạn thì vứt đi. Rồi nhiều người thậm chí còn không nhận hàng dùng thử khi được tiếp thị vì đơn giản là họ “không có nhu cầu”. Người tiêu dùng dường như đã chán nản với một “món ăn” cũ, sau bao năm không có sự thay đổi. Cũng vì vậy mà hình thức sampling không còn hiệu quả như trong quá khứ nữa. Vậy phải chăng Sampling đã lỗi thời?
Câu trả lời là không hẳn! Sampling có thể “già cỗi” nhưng không “lỗi thời”. Bằng chứng là nó vẫn tồn tại dù thời hoàng kim đã qua, nó vẫn chứng minh được giá trị của mình. Để sampling không còn “lay lắt như ngọn đèn trước gió” thì các nhà quản trị doanh nghiệp, những nhân tài trong ngành marketing phải đầu tư “chất xám” nhiều hơn để thổi một làn gió mới vào nó. Để nó vừa phát huy được giá trị của mình mà lại không khiến người tiêu dùng cảm thấy nhàm chán.
➤➤ Xem thêm: Promotion là gì? Những thông có thể bạn cần biết về Promotion
Xu hướng Sampling mới – Online Sampling
Như chúng ta đã đề cập ở trên, Sampling dần trở nên lỗi thời và nhàm chán đối với người tiêu dùng. Vì vậy, nó cần được cải tiến, được “thay da đổi thịt” để tiếp tục phát huy giá trị của mình. Vài năm trở lại đây, sampling thực sự đã được cải biên và ra mắt trong một phiên bản mới hơn, thú vị hơn đó là Online Sampling. Cùng tìm hiểu về nó nhé!
Online Sampling là gì?
Online sampling là hình thức phát mẫu dùng thử cho khách hàng thông qua việc đăng ký trước trên Internet. Những ai có nhu cầu nhận hàng dùng thử thì sẽ truy cập vào một đường link được cung cấp bởi nhãn hàng ấy và tiến hành đăng ký để nhận hàng như ý muốn. Online sampling được đánh giá là một sự thay đổi thông minh bởi nó đã tận dụng được thế mạnh công nghệ – điều mà doanh nghiệp nào cũng nên áp dụng trong thời đại 4.0 này.
Với hình thức này, các doanh nghiệp sẽ thu được nhiều hồ sơ khách hàng. Họ nắm được độ tuổi, công việc, sở thích… của khách hàng và từ đó dễ dàng xác định được nhóm khách hàng tiềm năng – những người thực sự có nhu cầu mua và sử dụng sản phẩm. Việc quảng bá và bán sản phẩm cũng vì thế mà thu được hiệu quả cao hơn.
Ví dụ
Một vài ví dụ điển hình cho hình thức Online sampling mà chúng tôi có thể liệt kê đó là: FreeBies (trang web Freebies.com), StartSampling Inc (Website startsampling.com và startsamplinginc.com)… Các trang web trực tuyến đều có lượng người dùng lớn và lượt ghé thăm cao. Có thể nói chúng rất được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng!
Trên đây là những thông tin về Sampling mà News.timviec.com.vn muốn chia sẻ đến bạn! Chúng tôi đã giúp bạn lý giải Sampling là gì, các hình thức sampling, những địa điểm thích hợp để thực hiện sampling… và đặc biệt hơn cả là cung cấp cho bạn thêm thông tin về online sampling. Hi vọng đây chính là những thông tin mà bạn đang tìm kiếm cho công việc marketing của mình!