Parody là gì và sức mạnh của parody trong quảng bá thương hiệu
Bạn xem nhiều clip gán mác “parody” nhưng liệu đã nắm được parody là gì chưa? Hãy theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu rõ hơn về loại hình giải trí này nhé!
Parody là gì?
“Parody” là một từ tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng La-tinh. Theo như cách định nghĩa trong từ điển thì nó có nghĩa là “phóng tác”, “nhái lại”, “bắt chước lại một cách hài hước” (động từ) hoặc “văn – thơ theo phong cách nhại lại”, “trò bắt chước hài hước để châm biếm” (danh từ). Trong đời sống hiện đại, chúng ta hiểu “Parody” là một dạng video ngắn (thời lượng chỉ khoảng 5 – 10 phút) với nội dung “chế” theo một video gốc theo một cách hài hước hoặc châm biếm. Mục đích của nó là để giải trí, để mang lại niềm vui cho người xem chứ không mang tính chất nghiêm túc.
Parody ra đời lần đầu tiên ở Mỹ và dần dần đã phát triển thành một nhánh của nền công nghiệp giải trí của xứ Cờ Hoa nói riêng và cả thế giới nói chung. Vài năm trở lại đây, nó đã trở thành loại hình giải trí rất được giới trẻ ưa chuộng. Nhiều sản phẩm parody còn có lượt xem cao gấp nhiều lần bản gốc, đem đến một khoản thu cao đến bất ngờ cho ekip dựng phim. Ví dụ điển hình có thể kể đến là series truyền hình “Scary Movie” cực kỳ ăn khách ở Mỹ hay ở Việt Nam, chúng ta cũng có các “ông hoàng”, “bà hoàng” nhạc chế như Vanh Leg, Hậu Hoàng…
Loại hình phóng tác này cũng cực kỳ đa dạng về mặt thể loại, những người làm parody có thể chọn các đối tượng như: nhạc, phim, TV show, meme… Không chỉ mang tính chất giải trí cao mà parody còn là một công cụ hỗ trợ siêu hữu ích cho chiến dịch marketing của các doanh nghiệp. Chỉ cần lồng ghép nội dung quảng cáo một cách khéo léo thì các clip parody thực sự có thể giúp nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp. Tỷ lệ tương tác với người dùng cực kỳ cao và lượng Reach cũng tương đối “khủng”.
► Tìm hiểu thêm: Slogan là gì – Phân biệt slogan với tagline trong thương hiệu
Các thể loại parody phổ biến hiện nay
Nối tiếp phần định nghĩa parody là gì, chúng ta hãy cùng khám phá xem parody được phân ra thành những loại nào nhé!
Parody phóng tác nhạc
Parody “chế” nhạc là loại parody phổ biến nhất hiện nay, được nhiều celeb hoặc influencer lựa chọn. Loại hình này có nhiều ưu điểm, thứ nhất nó dễ thực hiện bởi bạn đã có sẵn beat nhạc của MV gốc, bạn chỉ cần sử dụng óc sáng tạo và khiếu hài hước để “chế” lời sao cho nó trở nên thú vị là được. Ngoài ra, nếu bạn khôn ngoan chọn đúng những MV nhạc đang hot thì lượt view cho sản phẩm của bạn có thể tăng “vèo vèo” đến chóng mặt và bạn sẽ thu về được một số tiền không hề nhỏ nhờ vào nó.
Những tên tuổi đã tạo dựng được thành công với thể loại phóng tác nhạc này ở Việt Nam bao gồm các influencer như: Hậu Hoàng, Vanh Leg, Thắng “cuội”… hoặc các diễn viên hài như: BB Trần, Huỳnh Lập… Lấy ví dụ, cô nàng Hậu Hoàng mỗi lần ra parody mới là lại khiến dân tình “mê mệt”. Lượng view cho các sản phẩm của cô gái trẻ này luôn ở mức “khủng”: “Chị em cây khế” – 90.000.000 lượt xem, “Bạch Tuyết chuyện Hậu Hoàng sắp kể” – 77.000.000 lượt xem, “Sức mạnh của Sao Đỏ” – 169.000.000 lượt xem, “Những chị đại học đường” – 146.000.000 lượt xem…
Một ví dụ khác là chàng diễn viên BB Trần. Anh chàng cũng thường xuyên tung ra các sản phẩm parody “chế” lại nhiều MV ca nhạc hott như “Đi đu đưa đi”, “Để mị nói cho mà nghe”, “Chuyện tình tôi”, “Như lời đồn”, “Bùa Yêu”. Lượt view của các bản parody của BB trần cũng “khủng” chẳng kém gì bản gốc: “Đi đu đưa đi” – 12.000.000 lượt xem, “Để mị nói cho mà nghe” – 18.000.000 lượt xem, “Như lời đồn” – trên 9.000.000 lượt xem, “Bùa Yêu” – gần 10.000.000 lượt xem…
Parody phóng tác phim
Parody phóng tác phim cũng là một thể loại parody tương đối phổ biến hiện nay. Với loại hình này, ekip dựng phim cũng như các diễn viên cần đầu tư và chăm chút rất nhiều vào tạo hình nhân vật, kịch bản… Họ sẽ dựa trên nguyên mẫu từ một bộ phim nào đó nổi tiếng để tạo ra bản parody của riêng mình.
Bản phóng tác này sẽ mới lạ hơn, nhiều chi tiết hài hước và gây cười hơn. Việt Nam có rất nhiều người trẻ làm rất tốt thể loại này, điển hình là Huỳnh Lập và nhóm DamTV của anh chàng. DamTV đã làm ra rất nhiều bộ phim parody khiến khán giả phải “ôm bụng cười” khi xem, gồm có: “Chầu Hoan Cua Chống” (phỏng theo bộ phim Trung Quốc “Hoàn Châu Cách Cách”), “Cô dâu 1800 tuổi” (phỏng theo bộ phim Ấn Độ “Cô dâu 8 tuổi”), “Bỗng dưng nổi loạn, Hot boy muốn khóc” (phỏng theo 2 bộ phim Việt Nam từng rất hot là “Bỗng dưng muốn khóc” và “Hot boy nổi loạn”)…
Parody mô phỏng show truyền hình
Thể loại parody mô phỏng show truyền hình cũng rất được khán giả yêu thích. Thể loại này sẽ “nhái” theo các chương trình đang hot trên sóng truyền hình. Người tạo nội dung cho thể loại phóng tác này phải làm cho video của mình trở nên hài hước nhưng vẫn phải giữ được một chút tinh thần của chương trình gốc. Một số ví dụ điển hình cho thể loại này có thể kể đến là: “Ai là trọc phú” (bản gốc là “Ai là triệu phú”), “Giọng hát thiệt” (bản gốc là “Giọng hát Việt)…
Parody lồng tiếng
Parody lồng tiếng được nhận xét là loại parody dễ làm nhất bởi vì người thực hiện chỉ việc tắt tiếng của các MV ca nhạc, bộ phim… rồi ghép giọng lồng tiếng của mình vào là xong. Đó là ưu điểm của loại phóng tác này, tuy nhiên người làm parody lồng tiếng cũng gặp phải cái khó đó là phảo lồng tiếng sao cho thật tự nhiên mà vẫn có thể khiến khán giả cười chảy nước mắt. Điều này không hề dễ chút nào! Một vài cá nhân/kênh đã làm tốt khá tốt thể loại này, điển hình là channel Youtube của Duy Khiêm Ngố – anh chàng thường xuyên lồng tiếng theo kiểu hài hước cho các bộ phim cung đấu Trung Quốc, hoạt hình của Disney… và được khán giả đón nhận nhiệt liệt.
Parody mô phỏng meme
Loại parody này mới chỉ xuất hiện một thời gian ngắn nhưng lại thu được sự yêu thích lớn từ phía người xem. Nội dung của nó chỉ đơn giản là người xuất hiện trong video sẽ mô phỏng lại các icon, sticker vui nhộn trên các ứng dụng mạng xã hội. Chỉ những người có tính cách “tăng động”, “lầy lội”, không sợ bêu xấu bản thân mới hợp làm loại parody này bởi đôi khi họ sẽ phải bắt chước theo những icon cực kỳ “trái ngoáy”. Và lại một lần nữa, chúng ta phải nhắc đến tên cô nàng Hậu Hoàng bởi cô gái này đã từng thực hiện loại phóng tác này và được khán giả ủng hộ nhiệt liệt. Cô nàng đã có hẳn một series mang tên “Stickers in real life” cực kỳ hài hước và “lầy lội” khiến ai xem cũng không thể nhịn được cười!
► Tham khảo thêm: Imdb là gì? Vai trò của imdb trong phim điện ảnh truyền hình
Parody có tầm quan trọng thế nào trong quảng bá thương hiệu?
Parody không chỉ mang lại giá trị về mặt giải trí, mang lại niềm vui và tiếng cười cho người xem mà nó còn có vai trò quan trọng trong mảng quảng bá thương hiệu. Các sản phẩm phóng tác thường “hút” lượng người xem rất lớn và đây chính là lợi thế tuyệt vời mà các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ. Nó sẽ giúp nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu, khiến các chiến dịch marketing – truyền thông của các doanh nghiệp/nhãn hàng đạt được hiệu quả như ý, thậm chí vượt xa sự mong đợi của họ.
Hiểu được tầm quan trọng của hình thức parody đối với việc quảng bá thương hiệu nên các brand lớn thường “bắt tay” với các celeb, influencer nổi tiếng để tạo ra các clip parody. Một gương mặt thường xuyên được các thương hiệu lựa chọn đó là anh chàng diễn viên Huỳnh Lập. Phải nói rằng anh chàng thực sự vô cùng tài năng, vừa đem đến những clip vừa hài hước, độc đáo, có ý nghĩa mà vẫn lồng ghép khéo léo màn quảng bá cho các thương hiệu một cách tinh tế, không gây phản cảm.
► Tìm hiểu thêm: Band là gì và tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp
Khán giả ghét nhất là đang xem video hay mà bị chèn quảng cáo vào nhưng với các clip của Huỳnh Lập thì họ không thể nào ghét được. Các video clip quảng cáo cho các sản phẩm của các thương hiệu lớn như: Tea Plus (“Bùa ăn”), mì Nissin (“The Cup”)… đều cực kỳ cuốn hút và khiến khán giả xem một cách thích thú mãi không thôi! Nhờ các clip quảng cáo tinh tế mà vẫn đủ hài hước của anh chàng mà khán giả cũng hào hứng với các sản phẩm mà Huỳnh Lập quảng bá.
Các clip parody của những celeb, influencer như Huỳnh Lập đã mang về hiệu quả đúng như các nhãn hàng mong muốn. Đây là một “nước đi” thông minh và cực kỳ sáng suốt! Thông qua các sản phẩm phóng tác này, các doanh nghiệp đã tiếp cận được với khách hàng thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần… và thành công giới thiệu sản phẩm đến cho họ. Đó chính là những thành công bước đầu mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được!
Qua bài viết trên đây, News.timviec đã giúp bạn phân tích khái niệm parody là gì, các loại parody phổ biến, tầm quan trọng của nó đối với việc quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp… Hi vọng rằng những thông tin này sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong công việc và cuộc sống!
► Tham khảo: Streamer là gì và cách họ kiếm tiền để thu về [THU NHẬP KHỦNG]