Những tố chất cần có để làm đầu bếp chuyên nghiệp
Muốn theo đuổi nghề đầu bếp, bạn cần có những tố chất cơ bản của người làm đầu bếp và rèn luyện những kỹ năng cần thiết để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp. Ngay sau đây, hãy cùng timviec.com.vn làm rõ vấn đề này nhé!
Không quá khó để trở thành đầu bếp, thế nhưng muốn làm đầu bếp chuyên nghiệp lại đòi hỏi cá nhân cần nhiều kỹ năng, chú trọng tố chất, phẩm chất nghề nghiệp hơn. Với một đầu bếp thông thường, muốn được đánh giá chuyên nghiệp, bạn cần rèn luyện để nâng cao trình độ, rèn giũa bản thân một cách toàn diện, phát triển những tố chất riêng.
Thấu hiểu công việc đầu bếp
Nếu đầu bếp thông thường có thể hiểu tổng quát về tính chất công việc, người làm đầu bếp chuyên nghiệp sẽ cần nắm vững tới từng chi tiết. Càng hiểu sâu về công việc tới đâu, bạn càng dễ trau dồi kiến thức, kỹ năng một cách tốt nhất, nhanh chóng nâng cấp thực lực và đẳng cấp cá nhân.
Ngoài những hoạt động phổ biến như nấu nướng, kiểm tra nguyên liệu, bạn cần có yêu cầu cao với chất lượng món ăn từ hương vị tới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người đầu bếp chuyên nghiệp cũng sẽ tự mình xây dựng quy trình nấu và phục vụ bài bản, tư vấn khách hàng cặn kẽ và có sự tiếp thu ý kiến, học hỏi không ngừng.
Những cá nhân mong muốn theo đuổi nghề đầu bếp cũng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để làm việc trong môi trường áp lực cao, sẵn sàng tinh thần xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tới khâu nấu nướng, phục vụ. Bạn cũng cần nắm được tình trạng hoạt động của hệ thống bếp nấu, tủ trữ đông,… và có nguyên tắc làm việc chuyên nghiệp.
Có kiến thức về ẩm thực
Bạn mong muốn trình độ làm bếp càng cao đồng nghĩa với việc vốn kiến thức ẩm thực càng lớn. Không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn nguyên liệu hay tiến hành nấu nướng, đầu bếp chuyên nghiệp còn cần trau dồi kiến thức về ẩm thực các vùng miền khác nhau, các quốc gia khác nhau và thực hành tốt các kỹ thuật đặc trưng trong ẩm thực của nơi đó.
Từ ẩm thực truyền thống tới hiện đại, đặc sắc trong nền ẩm thực của các đại phương, bạn đều có thể tìm hiểu qua phương tiện truyền thông hoặc trực tiếp tích lũy kinh nghiệm thông qua trải nghiệm thực tế. Những kiến thức này sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn tham gia các cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp, giúp bạn xây dựng vốn hiểu biết chuyên môn.
Kỹ năng làm bếp trình độ cao
Điểm khác biệt cơ bản giữa đầu bếp thông thường và đầu bếp chuyên nghiệp chính là trình độ. Đối với người chuyên nghiệp, đòi hỏi bạn cần có trình độ, kỹ thuật làm bếp cao cấp, ít nhất cũng đảm bảo được những yếu tố sau đây.
Kỹ thuật sử dụng dao
Từ cách bảo quản cho tới sử dụng, bạn cần áp dụng đúng nguyên tắc:
- Dùng dao tương ứng với từng loại nguyên liệu cần thái.
- Mài dao đúng phương pháp, đúng kỹ thuật.
- Thớt nào dao nấy, nắm được cách chọn thớt cho từng loại dao.
- Bảo quản dao cá nhân trong hộp chuyên dụng, dao làm bếp gắn tách biệt.
Khả năng nêm nếm
Đối với người làm đầu bếp, vị giác hay khả năng nêm nếm chính là tố chất giúp họ trở nên khác biệt, tạo ra được những món ăn mang tính bản sắc. Không chỉ nêm nếm vừa vị, người đầu bếp chuyên nghiệp còn biết cách điều chỉnh vị, nhạy cảm với mùi vị, thậm chí là dùng khứu giác để nhận biết hương vị trước khi dùng tới vị giác.
Để nâng cao khả năng này, bạn có thể tập ngửi, nếm, nhận biết từ 5 – 10 loại hương vị mỗi ngày và tăng dần lên. Khả năng phân biệt, nhận biết mùi vị sẽ góp phần nâng cao khả năng nêm nếm, giúp bạn tạo nên những món ăn đạt chuẩn.
Kỹ năng kiểm soát nhiệt độ
Cùng với khả năng nêm nếm, đầu bếp chuyên nghiệp cần có kỹ năng kiểm soát nhiệt độ. Trong nấu nướng, nhiệt độ chính là “thước đo”, là yếu tố quyết định sự thành bại của một món ăn. Bạn cần nắm được mức nhiệt lý tưởng của từng món nấu. Ví dụ, hải sản khi luộc và thịt bò khi áp chảo sẽ có mức nhiệt riêng để hương vị ngon nhất.
Với từng phương pháp nấu khác nhau, từ nướng, xào, chưng, hấp cho tới chiên, quay, luộc, hầm,… đều có những nhiệt độ lý tưởng khác nhau dành cho các món ăn khác nhau. Kiểm soát nhiệt độ món ăn cũng như kiểm soát cảm xúc khi nấu nướng sẽ giúp bạn làm được những món ăn hoàn hảo, có độ chín và hương vị hoàn hảo.
Có khả năng sáng tạo
Làm nên vị thế và danh tiếng của người đầu bếp trong giới ẩm thực chính là khả năng sáng tạo. Bạn có thể thành danh với những công thức món ăn mang đậm bản sắc cá nhân hay gây tiếng vang với khả năng nâng tầm món ăn vốn đã quen thuộc.
Giống như đầu bếp nổi danh Gordon Ramsay với món bò Wellington giúp ông dành được loạt sao Michelin hay nhắc tới đầu bếp huyền thoại Wolfgang Puck là nhắc tới món cá hồi xông khói, bạn có thể sáng tạo ra những món ăn thể hiện được cá tính riêng và chinh phục được thực khách bằng món ăn đó chính là thành công thực tế nhất.
Có khả năng lãnh đạo
Vai trò của đầu bếp, đặc biệt là bếp trưởng trong các nhà hàng, khách sạn đòi hỏi bạn phải có kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Không chỉ tạo ra liên kết giữa các nhân sự phòng bếp như phụ bếp, bếp phó,… người đầu bếp chuyên nghiệp lãnh đạo tốt sẽ xây dựng được đội ngũ nhân viên chất lượng, đảm bảo hiệu suất và hiệu quả công việc ở mức tối đa.
Ngoài ra, bạn cũng cần trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, rèn luyện sức khỏe, thể lực tốt để làm việc với cường độ cao, áp lực công việc lớn. Người đầu bếp cũng cần có đam mê và trách nhiệm với công việc mới có thể gắn bó dài lâu và phát triển xa hơn trong nghề.
Nghề đầu bếp vốn đã đòi hỏi nhiều kỹ năng, với những ai muốn làm nghề đầu bếp chuyên nghiệp càng cần có nhiều tố chất hơn nữa. Không những thế, người đầu bếp cũng cần liên tục học hỏi, khám phá những yếu tố mới để rèn giũa, nâng cao kỹ thuật, tay nghề, khẳng định được tên tuổi trong giới.
Tham khảo bài viết cùng chủ đề:
➨ Đầu bếp nấu ăn: Cần gì để thành Masterchef
➨ Cơ hội việc làm và mức lương ‘khủng’ của bếp trưởng
➨ Đầu bếp nổi tiếng cần gì để trở nên thành công?
Đông Phương