Những điều nhất định phải biết khi học làm đầu bếp
Hầu như 100% các học viên sau khi học làm đầu bếp đều tìm được công việc phù hợp. Đầu bếp là nghề thu hút giới trẻ bởi mức thu nhập ổn định, chỉ cần học ngắn hạn nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn không phải ai cũng làm được.
Khi đã quyết định học làm đầu bếp, bạn cần phải hiểu rõ hết được những đặc trưng của nghề bởi đây là một nghề đặc thù đòi hỏi người làm rất nhiều kỹ năng cũng như yếu tố để theo đuổi lâu dài.
Với nhiều người, nấu ăn là một niềm đam mê, việc sáng tạo ra những món ăn ngon, tỉ mỉ bày biện đồ ăn ngon miệng, đẹp mắt là một điều hạnh phúc. Điều mong ước và thành công lớn nhất với những người đầu bếp là mang lại cho thực khách những bữa ăn giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, thỏa mãn cả phần nhìn và khẩu vị của họ.
Công việc của một đầu bếp
Nấu ăn nghe có vẻ đơn giản nhưng để có thể đạt tới trình độ như một người đầu bếp thực thụ lại đòi hỏi bạn rất nhiều yếu tố. Đó là sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ, lòng nhiệt huyết muốn gắn bó với nghề.
Làm đầu bếp tức là bạn phải thành thạo từ những công việc đơn giản nhất như nhặt rau, rửa bát đến việc xây dựng thực đơn, ‘’điều hành’’ một bữa tiệc lớn hay quản lý cửa hàng, chuỗi nhà hàng,… Nhìn chung, khối lượng công việc lớn cũng là một phần tạo nên áp lực lớn với người đứng bếp, không ít người phải bỏ nghề từ 1,2 năm đầu tiên.
Một số công việc quan trọng mà bất cứ người đầu bếp nào cũng phải thành thạo có thể kể đến như:
- Chuẩn bị các nguyên liệu, dụng cụ, thiết bị nấu ăn phục vụ quá trình chế biến nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất. Thường xuyên đảm bảo vệ sinh các đồ dùng này và khu vực nấu ăn trước và sau khi bắt tay thực hiện món ăn.
- Với tất cả các nguyên liệu đều cần phải được đảm bảo vệ sinh thực phẩm, sạch sẽ, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu không dùng hết thì tiến hành bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo giữ nguyên được chất lượng và dinh dưỡng của thực phẩm.
- Tiến hành nấu ăn theo yêu cầu thực đơn (rán, luộc, quay, nướng, hấp, rim,…), cân đối lượng nguyên liệu và gia vị phù hợp. Sau khi kết thúc quá trình nấu ăn, bạn trình bày lên đĩa cho thật đẹp mắt.
- Trong trường hợp bạn là bếp trưởng, quản lý thì cần biết cách chỉ đạo, giám sát những nhân viên khác để đảm bảo hoạt động nấu ăn được hoàn thiện nhất.
Điều kiện và các vị trí làm việc
Đầu bếp thường làm việc theo ca, bao gồm cả cuối tuần và các ngày nghỉ lễ. Nhất là những giờ cao điểm trong ngày và các dịp lễ thì cường độ làm việc cực kì cao. Điều này đòi hỏi người đứng bếp phải chịu nhiều căng thẳng và bận rộn, áp lực cả về thể chất và thời gian, bị khách hàng ‘’mắng vốn’’ là chuyện hết sức bình thường.
Môi trường làm việc là trong khuôn viên bếp nên một trong những ‘’bệnh nghề nghiệp’’ mà đầu bếp phải chịu đựng là tình trạng ‘’ô nhiễm’’ khói, mùi, thường xuyên phải đứng đòi hỏi sức khỏe tốt.
Nếu như bạn là người đam mê nấu nướng, quyết tâm sẽ đi theo con đường này thì ngay từ khi tham gia lớp học làm đầu bếp nên xác định rõ định hướng của mình, điều này giúp bạn dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập ổn sau khi hoàn thành khóa học. Bởi đầu bếp có rất nhiều vị trí cho bạn lựa chọn, nhất là càng ở các khách sạn, nhà hàng lớn thì sự phân chia chuyên biệt càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Rất ít trường hợp một đầu bếp kiêm nấu nhiều món trong thực đơn mà họ sẽ chuyên về một món nhất định. Chẳng hạn như các món dân tộc như món Trung, món Nhật, món Hàn,… hoặc các đầu bếp chuyên về bánh nướng, bánh ngọt hoặc các đồ ăn tráng miệng,…
Do đó, ngay từ khi bắt đầu theo học, bạn nên cân nhắc về mong muốn tương lai sẽ làm việc ở đâu, mức thu nhập ra sao, đam mê của mình là gì,… Đây sẽ là nền tảng cơ bản giúp bạn có được định hướng đúng đắn cho bản thân, xác định đúng đường đi là bạn đã thành công được 50% rồi đấy!
Phẩm chất, kỹ năng cần có của một người đầu bếp
Không phải ai cũng có thể theo nghề đầu bếp được, đây là sự thật. Thậm chí có những người mất tiền, mất thời gian, mất công sức theo học và làm nghề vẫn phải ‘’tự rời cuộc chơi’’ sớm bởi không phù hợp với nghề. Là một nghề không quan trọng bằng cấp nhưng kinh nghiệm và tố chất lại là yếu tố quyết định để giúp bạn thăng tiến hơn trong công việc, các đầu bếp tương lai cần đảm bảo một số yếu tố sau:
Kiến thức
Kiến thức về nấu ăn, về nguyên liệu, chế biến,… là điều cơ bản mà bất cứ người học nấu ăn nào cũng cần nắm rõ. Từ đơn giản đến phức tạp, toàn bộ thành quả của bạn khi đến với khách hàng đều cần phải được chỉn chu từ hình thức đến nội dung, đảm bảo ngon miệng, đẹp mắt trong mọi hoàn cảnh.
Chăm chỉ thực hành
Đầu bếp là nghề mang tính thực hành cao, càng thực hành nhiều càng giúp bạn ‘’lên tay’’ và chuyên nghiệp hơn. Để trở thành người đầu bếp giỏi, bất cứ ai cũng không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi ở nhiều nơi, nhiều quốc gia khác nhau, chịu khó thực hành để nâng cao tay nghề và có nhiều kinh nghiệm phục vụ công việc.
Kỹ năng
Kỹ năng nghề nghiệp là điều cực kì quan trọng với người đầu bếp, để có vị trí và nhanh chóng thăng tiến trong công việc. Người nấu ăn cần phải có khả năng sáng tạo (trình bày món ăn đẹp mắt, nghĩ ra các công thức mới), kỹ năng quản lý (với các bếp trưởng để tuyển dụng, đào tạo được nhân viên giỏi), kỹ năng tổ chức (phân chia, sắp xếp công việc đồng thời bổ nhiệm công việc cho từng người), kỹ năng lập kế hoạch (lên thực đơn phục vụ thực khách) đồng thời cũng cần phải biết quản lý tài chính để cân đối chi tiêu, kiểm soát chi phí…
Khả năng
Như trên đã nói, nếu muốn theo nghề đầu bếp mà thiếu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ thì bạn sẽ rất nhanh nản chí, thậm chí phải bỏ việc vì không chịu được áp lực. Thiếu lòng yêu nghề cũng là lí do cản trở sự thành công của bạn. Là một nghề đòi hỏi sự chỉn chu, đẹp từ nội dung đến chất lượng, sự khéo léo, gu thẩm mỹ sẽ là lợi thế rất lớn.
Học đầu bếp mất bao lâu
Đặc thù là nghề thiên về thực hành nên đa số các học viên học làm đầu bếp chỉ cần đi học ngắn hạn chừng 3 – 6 tháng là có thể đi làm ngay. Nếu muốn học chuyên sâu thì tiếp tục bổ sung phương pháp mới để nâng cao tay nghề, đồng thời không bị tụt hậu so với nghề.
Nhìn chung, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, khách sạn, nhà hàng nên nhu cầu nhân lực về đầu bếp, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đang rất ‘’khát’’.
Nếu như bạn đam mê thực sự với công việc nấu ăn, có tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi thì việc làm đầu bếp thực sự là con đường rất tiềm năng trong tương lai. Thậm chí, với kinh nghiệm tích lũy được sau một thời gian làm nghề đầu bếp, bạn hoàn toàn có thể tự kinh doanh riêng, xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.
Khám phá ngay các chủ đề:
➣ Học phí học nấu ăn là bao nhiêu? Cơ sở nào dạy nghề đầu bếp nào uy tín?
➣ Học nấu ăn ở TPHCM: Danh sách các trung tâm đào tạo uy tín nhất
➣ 4 lý do khiến các bạn trẻ theo học nấu ăn chuyên nghiệp
Hà Trần