Nhân viên kế toán nghìn đô làm quán nước lương 3 triệu do ngấm đòn khủng hoảng
Từng là nhân viên kế toán từng sở hữu mức lương nghìn đô đáng mơ ước. Nhưng sau thời gian ngấm đòn do khủng hoảng về dịch bệnh, cuộc sống của Trần Khánh Linh đã thay đổi hoàn toàn.
Trần Khánh Linh (26 tuổi, Hà Nội) là nhân viên kế toán của một công ty dịch vụ hàng không. Từ quê lên thành phố lập nghiệp cuối năm 2019, cô gái 9x may mắn tìm được công việc mình yêu thích, vừa đúng chuyên ngành, vừa có thu nhập tương đối ổn định.
Tháng 12/2019, Linh trở thành nhân viên chính thức của công ty với mức lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng kèm các phụ phí liên quan. Nhờ sự linh hoạt của công việc cùng với các khoản thu nhập khác nhau, cô có thể kiếm được thu nhập đáng mơ ước so với bạn bè cùng trang lứa.
Nhưng thời hoàng kim chưa kéo dài dài được lâu, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến Linh phải tìm đủ mọi cách sống qua ngày. Không chỉ thu nhập, thói quen sinh hoạt đều đã không còn như trước chỉ sau 1 tháng.
“Nhận lương xong, mang trả tiền phòng rồi thấy mình không còn gì trong tay”
Công ty của Khánh Linh làm chuyên về dịch vụ hàng không. Trước khi chịu tác động của khủng hoảng, mỗi ngày phòng chờ này đón khoảng 1000 lượt khách ra vào, mỗi tháng khoảng hơn 30.000 lượt khách. Tuy nhiên, con số này ngay lập tức giảm khoảng 90% xuống còn 900 lượt khách/tháng kể từ sau tháng 4/2020.
Đầu tháng 4, khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, toàn bộ các đường bay quốc tế, quốc nội đều đóng cửa, phòng chờ của công ty vẫn phải vận hành nhưng gần như không có bóng khác. Đây cũng chính là lúc đánh dấu bước chuyển mình không mong muốn của toàn bộ nhân viên. Trong đó có Linh
Lúc này công ty áp dụng chính sách cắt giảm nhân sự. Cụ thể, các nhân viên thay phiên nhau đi làm không lương, cứ 2 tháng không lương, rồi đến 2 tháng nhận lương chức danh. Bù lại, giải pháp “hỗ trợ thất nghiệp” duy nhất thời điểm đó là cắt giảm giờ làm (đi làm 2 buổi/tuần). Biện pháp này nhằm tạo điều kiện cho nhân viên có thời gian đi làm công việc khác để tăng kinh tế.
Bắt đầu đi làm không lương từ tháng 4, tháng 5/2020. Lúc bấy giờ, cô như bước một chân xuống vũng lầy, chân còn lại chới với lo cho cuộc sống bằng những đồng tiền tích cóp cuối cùng của mình. Từng là một cô gái tự chủ về tài chính với thu nhập cao, nay Linh loay hoay tìm đủ cách thích nghi với điều Linh chưa từng trải qua, cũng chưa từng nghĩ tới.
“Từ lương 10 – 20 triệu/tháng xuống 0 đồng, tại thời điểm đó với mình là một cú sốc” – Linh chia sẻ.
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, cô đã tiêu toàn bộ số tiền tích kiệm của mình từ trước đó. Ngoài tiền nhà, chi phí sinh hoạt đều phải cắt giảm Linh đã không ra đường, không gặp gỡ bạn bè, không có các khoản đầu tư để phát triển bản thân. Thức ăn cũng tận dụng tối đa đồ ăn ở quê gửi lên, miễn sao có thể tiết kiệm, ít nhất là để “sống sót” qua thời gian cách ly.
Xem thêm: Cả triệu lao động thất nghiệp, tìm việc tại đâu?
Đến tháng 5/2020, Linh tìm phòng trọ mới, thay vì ở một mình cô rủ thêm 2 – 3 người bạn ở chung để chia tiền phòng. Tiền phòng lúc này từ 3 triệu/tháng giảm xuống còn khoảng 1,5 triệu/tháng. Ngoài 2 buổi đi làm ở công ty, cô tìm được một công việc mới ở Thái Nguyên để lấp chỗ trống những ngày còn lại trong tuần, hàng ngày đi từ Hà Nội lên Thái Nguyên rồi lại từ Thái Nguyên về Hà Nội. Ở đây Linh nhận được mức lương 3 triệu đồng/tháng.
“Đó là giai đoạn rất khó khăn, và tình hình khó khăn chung nên mình thực sự trân trọng công việc của mình thời gian đó. Mình chấp nhận đi đi về về, chấp lượng mức lương không quá cao nhưng bù lại, mình vẫn tiếp tục được làm việc. Đó cũng là môi trường tốt để học hỏi, nâng cao kỹ năng về nghề kế toán” – Khánh Linh chia sẻ.
Sau đó, Linh tìm được một công việc mới ở gần nhà, lần này cô làm kiểm soát cho một quán nước nhỏ với thu nhập hơn 3 triệu/tháng, cùng một số nguồn thu khác Linh kiếm được khoảng hơn 4 triệu/tháng. Khi đã làm quen với cuộc sống “ít tiền” cô không còn tồn tại nhiều “cú sốc” như trước nữa.
Linh bình tĩnh chấp nhận cuộc sống, vẫn cố gắng duy trì 2 công việc cùng một lúc, 2 buổi/tuần ở công ty và những buổi còn lại trong tuần đi làm ở quán nước nhỏ. Mỗi ngày thức giấc, cô gái trẻ 26 tuổi vẫn miệt mài lao động đôi khi quên mất những con số mình sẽ nhận được vào cuối tháng.
“Làm gì cũng được, miễn đừng làm biếng”
Theo dự kiến, công ty Khánh Linh đang làm đến hết quý I năm 2021 mới có khả năng phục hồi trở lại. Khi được hỏi: “Bạn đã từng nghĩ về chuyện nghỉ việc chưa?”, Linh thẳng thắn trả lời: “Chưa bao giờ”.
Cô thừa nhận mình từng có giai đoạn khủng hoảng kinh hoàng về thu nhập do nghỉ việc không lương. Tuy nhiên, cô nhận ra rằng; không phải riêng mình mà vào thời điểm đó có rất nhiều người cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đôi khi còn tệ hơn cô rất nhiều.
Với Linh, khi đã lựa chọn gắn mình với một công việc và một công ty, Linh coi nơi đó như một “người bạn” và cô sẽ cùng đồng hành qua cả giai đoạn khó khăn và những khi huy hoàng.
“Quan trọng là phải luôn vận động. Làm gì cũng được, miễn đừng làm biếng” – Khánh Linh vui vẻ chia sẻ.
Từ một nhân viên văn phòng “việc nhẹ lương cao” đi làm ở môi trường văn minh, hiện đại. Mỗi ngày được gặp gỡ, tiếp xúc với hàng trăm khách thương gia, khách nước ngoài. Linh phút chốc trở thành cô gái không xu dính túi. Tuy vậy, thay vì ngồi yên chờ hết dịch, cô chạy vạy khắp nơi tìm việc, Linh không ngại khổ đi về trong ngày để lên tận Thái Nguyên làm thêm; sau đó chấp nhận làm ở quán nước nhỏ với mức lương ít ỏi vì nó gần nhà và có thời gian để duy trì công việc chính.
Xem thêm: Lao động thất nghiệp cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới
“Thực ra đây cũng là một cơ hội với mình. Mình được làm việc ở một môi trường mới, gặp gỡ những đối tượng mới. Mình biết thêm nhiều kỹ năng và được lắng nghe thêm nhiều câu chuyện. Có thể ngay từ đầu nó không phải một lựa chọn lý tưởng nhưng bây giờ mình thấy nó cũng không quá tệ”.
Nhờ có dịch bệnh, cô gái trẻ vốn nổi tiếng tiêu hoang trong hội bạn bè nay đã học được cách chi tiêu tiết kiệm, trân trọng những đồng tiền mình kiếm được và trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc của bản thân. Khó khăn có thể sẽ đến bất cứ lúc nào, nhưng lựa chọn đối diện với khó khăn ra sao lại là cách riêng của mỗi người.