Layout là gì – 5 nguyên tắc thiết lập bố cục designer nên áp dụng
Layout là gì là câu hỏi của nhiều bạn trẻ mới bước chân vào ngành thiết kế đồ họa. Bài viết này sẽ tiết lộ cho bạn khái niệm, tầm quan trọng của nó cũng như những nguyên tắc nên áp dụng để có được layout đẹp.
Layout là gì?
Layout (bố cục) trong ngành thiết kế đồ họa có thể được giải thích đơn giản là cách mà người thiết kế đồ họa sắp xếp các nội dung hay chi tiết mà họ muốn đưa vào sản phẩm của họ, ví dụ như hình ảnh, văn bản, các hiệu ứng đồ họa,… nhằm phục vụ cho một mục đích sử dụng cụ thể mà vẫn mang tính thẩm mỹ cao.
Bố cục giúp làm nên ấn tượng trực quan đầu tiên ngay khi người nhìn đưa mắt vào sản phẩm đồ họa và giúp người nhìn có thể dễ dàng nắm bắt những nội dung hay thông điệp mà sản phẩm đó muốn truyền tải. Chính vì lý do này mà một sản phẩm đồ họa có bố cục hợp lý với nội dung và mục đích sử dụng sẽ lôi cuốn được nhiều người nhìn, người xem hơn.
►► Xem thêm: Nghề Graphic Design (Thiết kế đồ họa) là gì? Hướng đi nào cho Designer yêu nghề?
Tầm quan trọng của bố cục trong thiết kế đồ họa
Sau khi tìm hiểu layout là gì, bạn cần biết về tầm quan trọng của layout (bố cục) trong công việc thiết kế đồ họa.
Bố cục chính là trung tâm của một sản phẩm thiết kế đồ họa và thậm chí còn quan trọng hơn cả nội dung. Việc lựa chọn và soạn nội dung cho thiết kế là rất quan trọng, nhưng nếu bạn không thể sắp xếp các nội dung đó theo một bố cục hợp lý cùng với các chi tiết và hiệu ứng minh họa, sản phẩm đồ họa của bạn sẽ không bao giờ thành công.
Điều quan trọng nhất của bố cục chính là những hiệu quả trực quan mà bố cục tốt sẽ mang lại cho một sản phẩm đồ họa. Lấy thiết kế logo và tên nhãn hiệu làm ví dụ. Mọi logo và nhãn hiệu đều có những yêu cầu chung là đơn giản, độc đáo, tạo ấn tượng mạnh và dễ nhớ, dễ nhận ra. Để có thể đạt được những yêu cầu trên, sau khi có được ý tưởng về nội dung, người thiết kế phải đưa những ý tưởng đó vào một bố cục hợp lý.
Đối với mảng thiết kế bìa sách, tạp chí hay tờ rơi, áp phích quảng cáo, bố cục lại càng quan trong hơn vì cách bài trí bố cục, sử dụng màu sắc mới là những yếu tố tạo ấn tượng để kích thích trí tò mò của khách hàng tiềm năng.
Bố cục cũng giúp củng cố và hỗ trợ truyền tải nội dung của sản phẩm bằng cách tạo cảm giác cho người nhìn, người xem. Ví dụ, các sản phẩm mang tính công việc cần có tính lịch sự và chuyên nghiệp cao như catalog, bài báo, ấn phẩm phục vụ cho giáo dục thường có bố cục đơn giản, thẳng hàng để người đọc có thể dễ dàng nắm bắt nội dung. Các sản phẩm như poster, banner quảng cáo, bìa sách báo,… thường sử dụng bố cục phá cách và mang tính nghệ thuật hơn.
Các sản phẩm đồ họa đặc thù như thiết kế website, giao diện người dùng (UI) cho máy tính, điện thoại thông minh hay các màn hình hiển thị của thiết bị điện tử phải thỏa mãn cả hai điều kiện: đơn giản, dễ nhìn, dễ sử dụng và mang tính thẩm mỹ cao.
Bố cục cũng giúp người thiết kế chia phần nội dung và nhấn mạnh những thông tin quan trọng. Những nội dung cốt lõi có thể được đặt ở ngay trung tâm để “đập” thẳng vào mắt người nhìn còn những lưu ý, thông tin bổ sung có thể được đặt ở một khu vực riêng, tách biệt với khối nội dung chính để người đọc dễ để ý và tìm thấy hơn.
Các yếu tố làm nên layout là gì?
Công việc sắp xếp bố cục cho một sản phẩm đồ họa không chỉ đơn giản là xác định vị trí của các chi tiết trong thiết kế mà còn phải cân nhắc đến rất nhiều các yếu tố có ảnh hưởng đến bố cục. Chúng là các yếu tố như: màu sắc, đường kẻ, texture, hình khối, không gian… Cùng tìm hiểu kỹ về chúng nhé!
- Các đường kẻ: Đường kẻ được sử dụng cho đa dạng các mục đích như kết nối các nội dung khác nhau, tạo ra các họa tiết trang trí hay nhấn mạnh cho một khối văn bản nào đó.
- Màu sắc: Màu sắc tăng tính sinh động cho thiết kế và giúp kích hoạt phản ứng cảm xúc từ người nhìn. Màu sắc luôn có liên hệ với các cảm xúc và tâm trạng khác nhau, chính vì vậy sử dụng màu sắc trong bố cục sẽ mang lại hiệu ứng rất mạnh mẽ.
- Texture: Texture, hay kết cấu bề mặt là cảm giác của người nhìn khi thấy một họa tiết hay hiệu ứng đồ họa nào đó với cấu trúc hay vật liệu làm nên hiệu ứng đó. Các cảm giác cứng, mềm, mịn màng hay gồ ghề, hay chất liệu như vải, gỗ, kim loại, đá,… có thể được nhận thức bằng mắt và tạo cảm giác cho người nhìn.
- Kích thước: Kích thước của các chi tiết và khối hoặc mang nội dung trong thiết kế có thể được sử dụng để nhấn mạnh, tạo sự liên kết hoặc tương phản cho các phần nội dung khác nhau.
- Hình khối: Hình khối sử dụng trong thiết kế giúp tạo ấn tượng, sự cuốn hút và làm nên các chi tiết minh họa hoặc trang trí hỗ trợ cho nội dung chính.
- Không gian: Không gian hay khoảng cách giữa các chi tiết trong thiết kế là rất quan trọng để có thể gộp hoặc phân tách các mang thông tin giống hoặc khác nhau. Các chi tiết kết hợp với giãn cách hợp lý có thể làm nên tổng thể thiết kế đồng nhất, dễ nhìn và không bị rời rạc.
- Value: Value chính là giá trị tương phản của màu sắc và độ sáng-tối của các chi tiết trong thiết kế. Sự tương phản về màu sắc và ánh sáng càng mạnh càng có giá trị cao trong việc nhấn mạnh và so sánh hai hay nhiều nội dung khác nhau.
►► Tham khảo thêm: Bí kíp viết CV xin việc thiết kế đồ họa hạ gục nhà tuyển dụng trong 3 giây
Những nguyên tắc cần tuân thủ khi thiết lập bố cục?
Khi thiết lập layout, designer nào cũng phải chú ý đến 5 nguyên tắc về Grid, tỉ lệ – điểm nhấn, tính cân bằng, nguyên tắc một phần ba và nguyên tắc số lẻ. Cụ thể như sau:
- Sử dụng lưới chia bố cục (Grid): Grid là một trong những công cụ cơ bản để hỗ trợ người thiết kế phân chia không gian và sắp xếp nội dung vào vị trí hợp lý. Sử dụng grid là cách tốt nhất để có một thiết kế gọn gàng, có tổ chức và có thẩm mỹ.
- Tỉ lệ và điểm nhấn: Người thiết kế phải xác định được một điểm trọng tâm mà người xem sẽ nhìn vào đầu tiên để đặt nội dung chính vào điểm đó. Điểm trọng tâm này được quyết định bằng cách bài trí các chi tiết trong thiết kế, kết hợp với kích thước và tỉ lệ giữa các chi tiết với nhau.
- Tính cân bằng: Người thiết kế phải có rất nhiều điều chỉnh về kích thước, khoảng giãn cách, vị trí các chi tiết để có được sự cân bằng cho thiết kế của họ. Một thiết kế có sự cân bằng là khi các chi tiết vừa vặn với không gian trong thiết kế, không có quá nhiều khoảng trống không cần thiết khiến thiết kế bị rời rạc và đơn điệu nhưng cũng không quá sát nhau làm rối mắt.
- Nguyên tắc “một phần ba”: Nguyên tắc này liên quan tới việc chia không gian của thiết kế ra thành các hàng và cột để xác định rõ vùng hoặc vị trí phù hợp cho nội dung chính và các chi tiết phụ, trang trí.
- Nguyên tắc “số lẻ”: Nguyên tắc này khuyến khích các nhà thiết kế đồ họa chia không gian trong thiết kế với số phần là số lẻ nhằm dễ dàng xác định không gian ở trung tâm cho nội dung chính và các nội dung phụ được sắp xếp xung quanh. Bố cục như vậy tuy đơn giản nhưng tạo được cảm giác tự nhiên và cân đối.
Qua bài viết này, News Timviec đã giúp bạn lý giải layout là gì và thu thập một số thông tin quan trọng khác. Hi vọng đây chính là những kiến thức mà bạn đang tìm kiếm!