Giải quyết chế độ thai sản cho lao động khi công ty nợ BHXH
Giải quyết chế độ thai sản cho lao động khi công ty đang nợ tiền BHXH sẽ được hướng dẫn chi tiết trong bài viết sau
Trong 1 doanh nghiệp hiện đang nợ tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2020 đến nay và đang có 1 lao động nghỉ thai sản đủ điều kiện để hưởng chế độ này. Doanh nghiệp quyết định làm công văn gửi cơ quan bảo hiểm địa phương đề nghị đóng tiền cho nhân viên theo khoản 72, điều 1, quyết định 505/QĐ – BHXH nhằm giải quyết chế độ thai sản.
Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm địa phương nơi lao động sinh sống lại không chấp nhận với lý do chỉ áp dụng cho trường hợp chốt sổ BHXH chứ không áp dụng cho trường hợp nghỉ; hưởng các chế độ về thai sản.
Để có cách tính bảo hiểm thai sản cho lao động trong trường hợp này, cơ quan bảo hiểm có quy định như sau:
Căn cứ Điểm 1.2 Khoản 72 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Đồng thời tại Công văn số 3440/BHXH-QLT ngày 5/12/2017 của BHXH TP Hà Nội về việc đóng đủ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp để giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn, BHXH TP Hà Nội hướng dẫn thực hiện tách đóng cho người lao động đối với đơn vị nợ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cụ thể như sau:
- Đơn vị doanh nghiệp nộp tiền phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp. Trong đó bao gồm cả lãi suất phạt trong việc chậm đóng cho nhân viên. Bộ phận kế toán cần phải liên hệ với cán bộ quản lý phụ trách để được hỗ trợ.
- Lập danh sách lao động đề nghị đóng trước bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc có kèm danh sách đề nghị tách đóng dựa theo căn cứ hồ sơ thanh toán chế độ.
- Nộp hồ sơ thanh toán chế độ bảo hiểm kèm theo danh sách đề nghị gửi tới cơ quan chức năng tại nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết về cách tính bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Với trường hợp trên, công ty không cung cấp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm của nhân viên nên cơ quan chức năng chưa có cơ sở để trả lời chính xác. Vì thế, doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan BHXH tại nơ cơ quan đang đóng cho lao động để có thể được hướng dẫn chi tiết.