Quy định chế độ nâng bậc lương thường xuyên mới nhất [UPDATE]
Quy định về chế độ nâng bậc lương thường xuyên dành cho người lao động mới nhất. Các trường hợp người lao động bị kéo dài thời hạn xét nâng bậc lương là gì? Theo dõi bài viết để được giải đáp nhé!
Có thể bạn quan tâm:
Tìm hiểu về chế độ nâng bậc lương thường xuyên
Quy định về chế độ nâng bậc lương
Có 2 chế độ nâng bậc lương bao gồm:
- Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
- Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn
Điều kiện thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên
Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:
- Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương
Trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH
- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về BHXH
- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị
Tìm hiểu thêm: Ngạch công chức là gì? Thông tin cần nắm rõ về ngạch công chức
Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương
- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định
- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài điểm
Lưu ý: Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không gồm ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng. |
Những tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đủ điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và qua đánh giá đạt đủ 02 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
Đối với cán bộ công chức
- Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên
- Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức
Đối với viên chức và người lao động
- Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên
- Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức
Tin liên quan: Cán bộ là gì? Cách phân biệt cán bộ, công chức, viên chức
Trường hợp bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên
Trong thời gian giữ bậc lương hiện giữ, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định:
Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp:
- Cán bộ bị kỷ luật cách chức
- Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức
- Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức
Kéo dài 6 tháng đối với các trường hợp:
- Cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo
- Viên chức và NLĐ bị kỷ luật cảnh cáo
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng
Kéo dài 3 tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách
Nâng bậc lương trước thời hạn
Trường hợp được nâng bậc lương trước thời hạn
Có 2 trường hợp được hưởng chế độ nâng bậc lương thường xuyên trước thời hạn. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được xét nâng bậc lương trước thời hạn trong các trường hợp sau:
- Do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao
- Có thông báo nghỉ hưu
Điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn
Những điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn dành cho người lao động mới nhất.
Đối với trường hợp lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao:
- Lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản
- Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh
- Đạt đủ các tiêu chuẩn
- Tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên
Đối với trường hợp có thông báo nghỉ hưu:
- Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh
- Trong thời gian giữ bậc đạt đủ các tiêu chuẩn sau:
+ Đối với cán bộ, công chức: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
+ Đối với viên chức: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
- Kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.
THAM KHẢO – Mẫu quyết định khen thưởng chuẩn cho các đơn vị, doanh nghiệp
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ không được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ 02 lần liên tiếp trong cùng ngạch lương hoặc cùng chức danh.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu, thì chỉ được chọn một trong hai chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hoặc nâng bậc lương trước thời hạn do có thông báo nghỉ hưu.
Lưu ý khi đề xuất tăng lương
Tăng lương là vấn đề được người lao động quan tâm khi làm việc theo hợp đồng lao động, không ai muốn năng lực và thành quả của mình bị đánh giá thấp và không được trả lương tương xứng nhưng phải căn cứ vào nhiều vấn đề để việc đề nghị có hiệu quả và được sếp chấp thuận.
Dưới đây là nội dung hướng dẫn các quy định của pháp luật về vấn đề tiền lương theo Bộ luật lao động 2019 sắp có hiệu lực tới đây mà người lao động cần chú ý khi đề nghị tăng lương:
Căn cứ và năng lực, hiệu quả công việc
Điều 90 Bộ luật lao động 2019 quy định: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Hướng dẫn BLLĐ 2019 tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn về hình thức trả lương thì:
– Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động
– Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
– Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Đối với từng công việc khác nhau, trường hợp người lao động thấy hiệu quả, năng suất mà mức lương hiện tại vẫn còn thấp thì có thể đề xuất tăng lương.
Theo quy định hiện hành thì: Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.”
Chế độ nâng bậc, nâng lương
Chế độ nâng bậc, nâng lương là nội dung chủ phải có trong hợp đồng lao động khi hai bên ký kết hợp đồng nên khi mức tiền lương hiện tại không còn phù hợp người lao động có thể thỏa thuận nâng bậc, nâng lương theo nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Mức lương theo chức danh, công việc không thấp hơn mức lương tối thiểu
Về nguyên tắc lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động. Hiện nay lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, hiện tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, chưa quy định lương tối thiểu theo giờ. Chuyển sang thực hiện nghiên cứu tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm thích hợp của năm 2021, dự kiến quý III/2021.
Trường hợp chính phủ thống nhất chưa thực hiện tăng lương tối thiểu thì người lao động cần xem mức lương hiện hành đã đúng theo luật định hay chưa cụ thể như sau:
Mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2020 | Mức lương tối thiểu của người đã qua học nghề, đào tạo nghề từ 1/1/2020 | |
Vùng 1 | 4.420.000 đồng/tháng | 4.729.400 đồng/tháng |
Vùng 2 | 3.920.000 đồng/tháng | 4.194.400 đồng/tháng |
Vùng 3 | 3.430.000 đồng/tháng | 3.670.100 đồng/tháng |
Vùng 4 | 3.070.000 đồng/tháng | 3.284.900 đồng/tháng |
Như vậy, người lao động cần xem lại mức lương hiện hưởng của mình và các nguyên tắc áp dụng được quy định tại Nghị định 90 để có những yêu cầu phù hợp đồng thời bảo vệ lợi ích của mình.
Công chức không được nhận khoản thu nhập ngoài lương
Theo Quyết định 2276/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, sẽ thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động:
– Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.
Giảm tối đa các Ban quản lý dự án; kiên quyết hợp nhất, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra.
Căn cứ vào kết quả thực hiện đề án tinh giản biên chế, các bộ, ngành, địa phương xác định tỷ lệ giảm số biên chế năm 2021 cho phù hợp, đảm bảo mục tiêu năm 2021 giảm 10% biên chế công chức và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với biên chế được giao năm 2015 theo Nghị quyết 39/NQ-TW về tinh giản biên chế; các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm cho phù hợp.
Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề; thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
– Tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp theo Nghị quyết 635/2019/UBTVQH14 hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
– Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng suất lao động theo Nghị quyết 27-NQ/TW và Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 04/02/2020 về giải pháp tăng năng suất lao động quốc gia.
– Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt cho với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân. Xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Nguồn: Người Lao Động