Doanh nghiệp SME là gì? Phân biệt giữa SME và Start-up
Doanh nghiệp SME là gì? SME bao gồm những loại doanh nghiệp nào? Doanh nghiệp SME đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé.
Doanh nghiệp SME là gì?
SME hay SMEs là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Small and Medium Enterprise(s)”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ cả về vốn, doanh thu và sức lao động.
Việt Nam và các nước khác trên thế giới có định nghĩa riêng cũng như những quy định khác nhau về các loại doanh nghiệp SME, nhưng tựu chung lại SME vẫn gồm 3 loại doanh nghiệp chính, đó là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ở Mỹ, người ta không đưa ra các tiêu chí để phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn ở EU (Liên Minh Châu Âu), 1 doanh nghiệp vừa được xác định là doanh nghiệp có ít hơn 250 nhân viên, tương tự với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì con số sẽ là ít hơn 50 nhân viên và ít hơn 10 nhân viên.
Còn theo như tiêu chí của World Bank Group (Nhóm Ngân hàng Thế Giới), doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp sở hữu số lượng người lao động < 10 người. Tương tự, doanh nghiệp nhỏ sẽ có từ 10 đến dưới 200 người cùng với vốn đầu tư khoảng dưới 20 tỉ còn doanh nghiệp vừa sẽ có từ 200 – 300 lao động với vốn đầu tư từ 20 – 100 tỉ.
Phân loại doanh nghiệp SME
Sau khi đã nắm được khái niệm doanh nghiệp SME là gì, chúng ta chuyển sang phân loại các kiểu doanh nghiệp SME. Như đã đề cập ở trên thì thế giới chia SME thành 3 loại. Và ở Việt Nam, theo như Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, chúng ta cũng phân SME thành 3 loại: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
Doanh nghiệp siêu nhỏ
Trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ ở Việt Nam, doanh nghiệp siêu nhỏ thường được quy định là có ít hơn 10 người lao động tham gia BHXH và tổng doanh thu/năm < 10 tỷ VNĐ hoặc nguồn vốn < 3 tỷ VNĐ. Riêng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp-xây dựng thì số lao động < 10, tổng doanh thu < 3 tỷ VNĐ và nguồn vốn < 3 tỷ VNĐ.
Doanh nghiệp nhỏ
Trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ được quy định có số lao động tham gia BHXH là < 50 người, tổng doanh thu/năm < 100 tỷ VNĐ hoặc nguồn vốn < 50 tỷ VNĐ. Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp-xây dựng thì số lao động tham gia BHXH bình quân năm < 100 người, tổng doanh thu/năm < 50 tỷ VNĐ hoặc nguồn vốn < 20 tỷ VNĐ.
Doanh nghiệp vừa
Trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa được quy định có số lao động tham gia BHXH bình quân năm là < 100 người, tổng doanh thu/năm < 300 tỷ VNĐ hoặc nguồn vốn < 100 tỷ VNĐ. Còn đối với các doanh nghiệp vừa thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp-xây dựng thì số lao động tham gia BHXH bình quân năm < 200 người, tổng doanh thu/năm < 200 tỷ VNĐ hoặc nguồn vốn < 100 tỷ VNĐ.
► Xem thêm: Những kiến thức nghề nghiệp hữu ích được cập nhật mới nhất
Vai trò của doanh nghiệp SME
Tuy không phải doanh nghiệp quy mô nhưng các doanh nghiệp SME vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của nước ta cũng như thế giới. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ này đã tạo ra 80% lượng việc làm mớ ở các nền kinh tế mới nổi. Phần lớn người lao động có được công việc chính thức ở các nền kinh tế này đều là nhờ các doanh nghiệp SME trao cho họ cơ hội.
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn thức thời, biết đổi mới đúng lúc và chính họ đã thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME vẫn gặp khó khăn ở mảng thu hút vốn đầu tư.
Để các doanh nghiệp này có thể phát triển bền vững, nhiều quốc gia và các tổ chức kinh tế trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ thực hiện các chương trình giáo dục kinh doanh và nâng cao khả năng tiếp cận các khoản ưu đãi và vay vốn chính phủ của các doanh nghiệp này.
Phân biệt giữa SME và Start-up
SME và Start-up là 2 mô hình khác nhau nhưng vẫn có nhiều người nhầm lẫn về 2 loại hình kinh doanh này. Vậy chúng ta hãy cùng phân biệt điểm khác nhau giữa doanh nghiệp SME và Start-up nhé!
- Bản chất: SME là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn Start-up là thuật ngữ chỉ các công ty đang trong giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh. Các công ty Start-up thường hướng đến thị trường lớn ngay từ khi bắt đầu kinh doanh.
- Quy mô: SME có quy mô nhỏ, mức độ cạnh tranh của họ với các đối thủ lớn không cao. Có thể nói họ luôn ở trong vùng an toàn. Còn Start-up thì không như vậy, dù họ chỉ là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, mọi thứ còn khá bấp bênh, thành công cũng không ai dám nói trước nhưng mục tiêu của họ vẫn luôn hướng đến thị trường lớn. Chính vì vậy, họ không thể tránh khỏi việc phải cạnh tranh với các đối thủ lớn khi họ mở rộng thị trường kinh doanh.
- Chủ đầu tư: Các SME thường là các doanh nghiệp cá nhân hoặc gia đình. Các thành viên trong gia đình sẽ chính là người quản lý và như vậy các công ty SME ít có khả năng thu hút những quản lý từ bên ngoài. Họ cũng có thể không có kỹ năng quản lý và thiếu đi kiến thức chuyên môn.
Vì vậy khi muốn phát triển mạnh hơn, họ cần có phương án để thu hút những nhà quản lý chuyên nghiệp và có đầy đủ kiến thức chuyên môn. Còn các doanh nghiệp Start-up họ thường có xu hướng chia sẻ cổ phần cho những nhà đầu tư mạnh, họ coi đó là đòn bẩy để thúc đẩy doanh nghiệp của mình đột phá.
Những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp SME
Mỗi một mô hình kinh doanh khác nhau đều sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Đối với mô hình kinh doanh vừa và nhỏ cũng vậy, họ sẽ gặp phải những thuận lợi và khó khăn sau:
Thuận lợi
- Sự vận hành linh hoạt trước những biến đổi của thị trường
- Dễ dàng quản lý nhân sự, quản lý kinh doanh và thay đổi nhân viên nhanh chóng
- Vốn đầu tư không quá cao, khả năng thu hồi vốn nhanh.
Khó khăn
- Những doanh nghiệp nhỏ và vừa SME thường có ít vốn kinh doanh. Do không có nguồn vốn tốt nên sẽ khó khăn trong việc mở rộng quy mô và phát triển sản xuất. Điều này dẫn đến kết quả kinh doanh thấp, không tăng trưởng vượt trội.
- Chịu sự chèn ép, cạnh tranh từ các doanh nghiệp lớn trong ngành. Chưa tạo dựng được lòng tin của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ mà mình đang kinh doanh. Vì vậy các doanh nghiệp SME cần đầu tư và thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu.
- Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tại doanh nghiệp vừa và nhỏ bị đánh giá thấp hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
- Doanh nghiệp SME khó thu hút được các nhà quản lý giỏi. Điều này ảnh hưởng tới quá trình vận hành doanh nghiệp, gây nguy cơ phá sản do không quản lý được dòng tiền, nguồn lực và các chính sách phù hợp.
Trên đây là những thông tin hữu ích về SME, hi vọng người đọc đã hiểu rõ về khái niệm doanh nghiệp SME là gì cũng như các vấn đề xoanh quanh nó. Từ đó có định hướng và giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.
► Tìm hiểu: Những tin tức tìm việc mới nhất hiện nay giúp bạn tìm được công việc thích hợp nhất.