Mức lương kế toán hiện nay và lộ trình thăng tiến trong ngành
Lương kế toán hiện nay là bao nhiêu? Lộ trình thăng tiến trong ngành như thế nào? Đây đều là những câu hỏi được rất nhiều sinh viên mới ra trường quan tâm. Để giải đáp cho những thắc mắc này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Kế toán lương bao nhiêu?
Theo thông tin tổng hợp từ các trang tuyển dụng lớn hiện nay thì mức lương của ngành kế toán khá ổn định. Đối với từng vị trí công việc khác nhau thì mức lương cũng sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
- Lương kế toán mới ra trường, chưa có kinh nghiệm sẽ rơi vào khoảng từ 5 – 8 triệu/ tháng. Nếu sở hữu khả năng ngoại ngữ tốt hoặc từng làm các công việc liên quan đến kế toán trước đó có thể nhận được mức thu nhập cao hơn, khoảng 7 – 9 triệu/ tháng.
- Lương kế toán đã có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên sẽ dao động từ 10 – 30 triệu/ tháng.
- Đối với vị trí cấp cao như kế toán trưởng, lương kế toán trưởng sẽ không dưới 30 triệu/ tháng. Đặc biệt, mức thu nhập này còn có thể cao hơn rất nhiều nếu người kế toán trưởng có năng lực tốt và làm việc ở một doanh nghiệp lớn sẽ nhận được đãi ngộ tốt, có thể l ên tới 100 triệu/ tháng.
Đặc biệt trong ngành này, các vị trí kiểm toán, dịch vụ thuế cho ngành Luật hoặc các Dịch vụ luật sẽ có khởi điểm thu nhập trung bình lớn nhất, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với thu nhập của các ngành thiết kế sáng tạo, kỹ thuật công nghệ cao và lĩnh vực quan hệ công chúng. Tuy nhiên nhìn bao quát thì lương kế toán doanh nghiệp cũng cao hơn so với mặt bằng chung của các sinh viên thuộc chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, đây không phải mức thu nhập cố định của một nhân viên kế toán mà con số này luôn có sự biến đổi, điều chỉnh thường xuyên dựa trên nhiều yếu tố khác liên quan trong công việc.
>> Xem thêm: Kế toán và những điều cần biết về nghề kế toán
Lộ trình thăng tiến trong ngành kế toán
Để có mức thu nhập tốt hơn, bất kỳ nhân viên kế toán nào cũng đặt ra cho mình những mục tiêu, phát triển bản thân để đạt tới những vị trí cao hơn trong ngành. Dưới đây là lộ trình thăng tiến cơ bản trong ngành kế toán bạn có thể tham khảo.
Nhân viên kế toán (Kế toán bán hàng, kế toán công nợ, kế toán thuế…) > Kế toán tổng hợp > Kế toán trưởng > Giám đốc tài chính, Chuyên gia kế toán.
Để đạt được các mốc vị trí công việc trên, thông thường bạn sẽ phải có thời gian làm việc đủ lâu trong nghề.
- Đối với Nhân viên kế toán cần 2 năm kinh nghiệm để vững nghiệp vụ chuyên môn.
- Đối với Kế toán tổng hợp cần 3 đến 6 năm kinh nghiệm.
- Đối với Kế toán trưởng cần 7 đến 10 năm kinh nghiệm.
- Đối với vị trí Giám đốc tài chính cần trên 10 năm kinh nghiệm.
Những yếu tố ảnh hưởng tới mức lương kế toán
Dù thu nhập trung bình của ngành kế toán hấp dẫn hơn so với nhiều ngành nghề khác do yêu cầu cao về kỹ năng và trình độ chuyên môn, nhưng không phải mọi người đều được đãi ngộ như nhau. Có rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng tới mức lương của kế toán như sau:
Kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ
Vì kế toán là một ngành đòi hỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ khắt khe nên yếu tố về kinh nghiệm đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn tới mức lương của người ứng tuyển. Những người sở hữu kinh nghiệm lâu năm thường có mức lương khởi điểm cao hơn, khoảng 7 – 8 triệu đồng mỗi tháng, so với sinh viên mới ra trường chỉ có mức lương khoảng 5-6 triệu/ tháng.
Bên cạnh đó, người có năng lực chuyên môn cao hơn, có nhiều thành tích hơn, kỹ năng nghiệp vụ tốt hơn sẽ có cơ hội được đề xuất mức lương cao hơn so với người chỉ có chuyên môn bình thường, không xuất sắc.
Tuy nhiên, kế toán là công việc lâu dài, có tính ổn định cao nên chỉ cần làm việc tốt, không phạm sai lầm nghiêm trọng dẫn tới những hậu quả khó cứu vãn và có thể sửa chữa thì ứng viên sẽ được tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc của mình. Sau đó, đãi ngộ và phụ cấp sẽ dần dần tăng lên tùy theo sự phát triển năng lực của mỗi người.
Khi tích lũy được bề dày kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ đến một mức nhất định, chúng ta có thể được thăng chức lên vị trí kế toán tổng hợp hoặc kế toán trưởng với trách nhiệm, nghĩa vụ lớn hơn, đồng nghĩa với việc nhận được mức lương cao hơn.
Vị trí và trách nhiệm mà kế toán phụ trách
Trong ngành nghề kế toán chia ra rất nhiều công việc, vị trí và trách nhiệm khác nhau, cần nhiều người đảm nhận (đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn). Do đó, nhân viên càng được giao phó nhiều nhiệm vụ lại càng có cơ hội nâng cao thu nhập của mình.
Ví dụ như: Lương kế toán nội bộ là 7 triệu đồng, trong khi lương kế toán tổng hợp là 8-9 triệu đồng, cao hơn do phải phụ trách nhiều công việc hơn.
Quy mô doanh nghiệp và tình hình tài chính
Quy mô của chính doanh nghiệp cũng sẽ quyết định một phần tới việc kế toán lương bao nhiêu. Trong đơn vị có bộ máy vận hành khổng lồ, chuyên nghiệp, với quy mô lớn thì đồng nghĩa với việc nhiệm vụ và trách nhiệm trên vai nhân viên kế toán sẽ lớn hơn.
Do đó, doanh nghiệp nhất định sẽ đưa ra mức thu nhập tốt hơn cho các nhân viên so với kế toán tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác. Thêm vào đó là điều kiện đãi ngộ, chế độ thưởng,… khi kế toán thực hiện tốt công việc, giúp tình hình tài chính của công ty phát triển thuận lợi cũng sẽ có sự khác biệt.
>> Tham khảo: Kế toán tiền lương là gì? Phạm vi công việc mà kế toán tiền lương cần biết
Địa điểm công tác
Rõ ràng một điều hiển nhiên rằng những doanh nghiệp tại các đô thị lớn như thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra mức lương ngành kế toán cao hơn các tỉnh thành khác, để đáp ứng được mức sống trung bình tại những khu vực này.
Vậy là với những thông tin quan trọng trong chuyên mục cẩm nang nghề nghiệp trên đây, chúng ta có thể dễ dàng hình dung được mức thu nhập trung bình của nghề kế toán và nắm được những yếu tố ảnh hưởng tới lương kế toán là gì.