Ông Nguyễn Đức Tài: “Logistics ở Việt Nam cực kỳ kém hiệu quả, rất tệ”
“Ai có sức mạnh xây dựng một công ty logistics tới nơi tới chốn ở Việt Nam chắc người đó sẽ thắng”, Chủ tịch Thế Giới Di Động nhận định.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã tổ chức họp nhà đầu tư tổng kết quý 1/2022. Tại buổi họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ về cách Bách Hóa Xanh vận hành mảng giao hàng và góc nhìn về ngành logistics của Việt Nam.
Theo ông Tài, hàng tiêu dùng thì khi mua online cần độ tin cậy và thời gian giao hàng nhanh. Một bà nội trợ khi hết dầu ăn, đặt mua online thì không thể đợi 3 ngày mới giao. “Chúng tôi ý thức ngành này khác rất nhiều so với mua một chiếc đầm, một đôi giày. Những cái đó có thể đợi 3 ngày, khi nào tiện thì giao, nhưng những đồ mà chúng tôi kinh doanh thì người ta không chấp nhận điều kiện giao hàng như vậy đâu“, Chủ tịch Thế Giới Di Động nói.
Thế Giới Di Động hiện nay đang chủ đích xây dựng một mô hình kinh doanh online khác biệt, đó là online với tính chính xác cao, hứa gì làm nấy. Nếu khách hàng nói rằng chỉ có thể nhận hàng từ 10h-12h, thì hàng sẽ được giao đúng vào thời gian đó.
Không những vậy, ông chủ Thế Giới Di Động còn hướng tới xây dựng dịch vụ giao hàng peer-to-peer, có nghĩa là 1 giao 1. Ví dụ, nếu khách hàng cần 1kg thịt rất gấp, thì trong vòng 60 phút, một bạn nhân viên giao hàng sẽ lấy hàng để giao thẳng tới nhà khách hàng, tức là giao hàng 1-1 để đảm bảo tốc độ.
Trả lời câu hỏi về khác biệt của dịch vụ giao hàng Bách Hóa Xanh, ông Tài cho biết, khác biệt nằm ở chỗ công ty không sử dụng dịch vụ giao hàng của bên thứ ba. Theo ông, dịch vụ giao hàng của bên thứ ba chỉ làm việc là cầm hàng và gom các đơn hàng, rồi đi giao, với mô hình là đi giao tuần tự, không có bất kỳ cam kết gì về thời gian giao hàng.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động có riêng một công ty con quản lý việc giao hàng cho Bách Hóa Xanh. Ở TPHCM, có 10 kho để lấy hàng giao online. Khi khách hàng đặt 1 đơn hàng, thì người ở kho gần đó lập tức đứng lên lấy đơn hàng. Nếu khách muốn lấy hàng 10h-12h sáng hôm sau, thì trước thời điểm đó việc chuẩn bị đơn hàng đã được diễn ra và hoàn tất.
Sau đó, có một đội ngũ sẽ đến kho để lấy hàng, và đội ngũ đó trực thuộc tập đoàn, chứ không phải bên thứ ba. Đội ngũ đó cầm 10 đơn hàng đi giao 1 vòng và chắc chắn trong 2 tiếng họ sẽ hoàn tất giao 10 đơn hàng đó. 10 kho chia cho hơn 20 quận huyện, thì mỗi kho chỉ phục vụ có 2 quận và sẽ đạt tốc độ yêu cầu.
Với mô hình này, ông Tài tự tin sau này, chính sách giao hàng peer-to-peer cũng sẽ rất đơn giản với mô hình mà ông đang xây dựng.
Nói về ngành logistics, ông Nguyễn Đức tài cho biết: “Logistics là một ước mơ”. Ước mơ của ông Tài là có ai đó làm logistics ngon lành để công ty ông có thể thuê và chỉ còn phải tập trung vào việc mua và bán, vì đó là sức mạnh của bán lẻ.
“Chúng tôi đã thử vài lần, và sắp tới không biết có nên nỗ lực tiếp hay không vì có những lùng bùng trong đó. Logistics là kho vận, từ quản lý hàng hóa đến vận tải hàng hóa từ điểm nhận cho đến điểm siêu thị. Ở Việt Nam, nói thì hay chứ chưa có ai làm được ra hồn. Tôi hy vọng có bạn nào làm được cái đó tương đối bài bản.
Tôi biết rằng ở nước ngoài, họ dựa vào bên thứ ba. Chúng tôi cũng đã đi sang Nhật, Châu Âu để trao đổi với những đối tác kinh doanh ngành của mình và đúng là họ dùng dịch vụ của bên thứ ba. Nhà cung cấp chỉ giao hàng đến kho thôi và kho đó do bên thứ ba quản lý. Bên thứ ba đó nhận lệnh giao hàng đến những shop và họ tự thu xếp lấy hàng, giao hàng, đảm bảo giờ giấc.
Đó là ước mơ tôi mong ở Việt Nam có ai đó làm được, nhưng đến nay tôi cảm thấy cũng chưa có ai có thể làm được. Chúng tôi mới chỉ làm một vài dịch vụ liên quan đến vận tải và sau vài ba tháng cảm thấy lỗi thời chúng tôi cũng đầu hàng. Chúng tôi nói với một người trong nghề: ‘Ông ở trong nghề mười mấy năm mà sao tôi làm 2-3 năm còn đi xa hơn ông cả khúc như vậy?’. Đó là những thứ đang diễn ra ở Việt Nam“.
Trong bối cảnh đó, Thế Giới Di Động đang không biết phải outsource cho ai, khi công ty không quá chuyên về logistics mà những thứ làm ra còn sâu sắc, chắc chắn hơn những doanh nghiệp trong ngành. “Tôi không hiểu tại sao thị trường vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng đó sau mấy chục năm như vậy“, ông Tài cảm thán.
Ông Tài khẳng định: “Logistics ở Việt Nam cực kỳ underdeveloped, cực kỳ kém hiệu quả, rất tệ hại“. Đây là cơ hội rất lớn cho những doanh nghiệp nào ở nước ngoài có sức mạnh về logistics. “Ai có sức mạnh xây dựng một công ty logistics tới nơi tới chốn ở Việt Nam chắc người đó sẽ thắng. Còn Thế Giới Di Động tập trung làm bán lẻ nên không dành thời gian cho lĩnh vực đó“, Chủ tịch Thế Giới Di Động kết luận.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế