Mua bảo hiểm xã hội có cần không khi lao động có bảo hiểm nhân thọ
Mua bảo hiểm xã hội khi đã có bảo hiểm nhân thọ là tùy thuộc vào khả năng cũng như nhu cầu của người lao động.
Trong trường hợp lao động ký hợp đồng 3 tháng với 1 doanh nghiệp tại Hà Nội. Sau khi đã hết thời hạn 3 tháng hợp đồng và nghỉ việc nhưng lại bị cơ quan BHXH yêu cầu truy thu khoản bảo hiểm vì đã ký hợp đồng lao động 3 tháng. Như vậy có đúng với quy định pháp luật không? Và nếu lao động không mua bảo hiểm xã hội vì đã có bảo hiểm nhân thọ liệu có được không?
Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo Khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1/1/2018).
Như vậy, kể từ 1/1/2018, quy định hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc.
Đối với việc không mua bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đã có bảo hiểm nhân thọ là tùy vào điều kiện, nhu cầu của người lao động. Mặc dù vậy, giữa 2 loại hình bảo hiểm này vẫn có sự khác nhau về mục đích, điều kiện, phí tham gia, quyền lợi người thụ hưởng như sau:
- Về mục đích: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích là sinh lời. Khoản lãi trong bảo hiểm nhân thọ chính là số tiền người tham gia sẽ nhận được khi công ty bảo hiểm ký hợp đồng đem tiền đi đầu tư và có lợi nhuận.
- Về quyền lợi: Tiền đóng vào Quỹ BHXH sẽ được điều chỉnh dựa theo chỉ số CPI từng năm được chính phủ công bố. Với BHNT, tiền đóng vào sẽ được tính theo lãi suất của thị trường tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất này không được phép cao hơn lãi của các ngân hàng thương mại.
- Về điều kiện, mức phí tham gia: Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó bảo hiểm nhân thọ đặt ra điều kiện khá khắt khe về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Người đang tham gia BHXH khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH. Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ có quy định khá phức tạp để trả tiền tử tuất cho người thụ hưởng nếu không may chết hoặc bị thương tật do bất cứ lý do nào. Trong đó doanh nghiệp không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp:
- Chết do tự tử trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên;
- Chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng.
Khi người hưởng qua đời nếu có BHXH. Người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được hưởng theo hợp đồng đã ký giữa khách hàng và công ty bảo hiểm
Một ưu điểm vượt trội khác của BHXH so với bảo hiểm nhân thọ đó là khoản lương lưu. Đây được coi như một sự đảm bảo quyền lợi khi về già. Người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh…
Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Cách tính tiền thất nghiệp chuẩn nhất
Như vậy, người lao động có thể cân nhắc việc tiếp tục mua bảo hiểm xã hội trong khi đã có bảo hiểm nhân thọ theo hình thức tự nguyện hay không.