Thu nhập bấp bênh, freelancer ‘quay xe’, trở lại văn phòng
Tròn một năm rưỡi làm tự do, Thu Phương (24 tuổi, Hà Nội) chọn quay về cuộc sống công sở. Cô học cách làm quen lại với guồng quay vội vàng mỗi sáng cho kịp giờ chấm công
“Để có nguồn thu nhập ổn định” là câu trả lời của Thu Phương khi được hỏi về lý do đằng sau quyết định này.
Từng trải nghiệm cả hai hình thức làm việc và rút ra được điểm cộng, trừ ở mỗi loại, Phương chia sẻ với Zing rằng mình thích làm freelancer hơn nhưng thừa nhận làm nhân viên văn phòng đem lại cho cô khá nhiều lợi ích. Cô để ngỏ khả năng trong tương lai quay lại làm tự do song khẳng định ưu tiên hiện tại vẫn là chốn công sở.
Giống với Thu Phương, nhiều bạn trẻ cũng “quay xe”, từ làm tự do chuyển qua gắn bó với một chỗ cụ thể.
Mức lương văn phòng hấp dẫn hơn, có thêm các quyền lợi khi làm cho doanh nghiệp, dễ tạo dựng các mối quan hệ là những yếu tố tác động chính cho lựa chọn này.
Thu nhập lên xuống
Tháng 8/2020, do công ty khi đó thay đổi định hướng, Phương nghỉ việc. Được người quen giới thiệu vị trí sản xuất nội dung (content) theo đơn đặt hàng và có thể làm tại nhà, cô trở thành freelancer sau 6 tháng làm cố định.
Ban đầu, không phải chuyên môn, thứ Phương vướng mắc nhiều nhất là giờ giấc làm việc. “Thời gian không gò bó nhưng cũng không tạo cảm giác thúc ép hoàn thành. Mình từng chậm deadline vì thế”, cô kể lại.
Theo cô gái 24 tuổi, mối quan hệ khi làm freelance rất quan trọng. Đây cũng là nguyên do thúc đẩy cô đi làm văn phòng trở lại vào đầu năm nay.
“Bản thân mình không có nhiều mối khách hàng nên đầu việc về tay không đều đặn, nguồn thu mỗi tháng bấp bênh theo. Mặt khác, các khoản như bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân cũng phải tự xử lý, mất nhiều thời gian vì không nắm rõ quy định”, cô chia sẻ.
Tương tự, Ngọc Ánh (sinh năm 1998, TP.HCM) cũng nhận định thu nhập là lý do chính khiến cô quay lại làm công sở khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn.
Dù số tiền kiếm được trong giai đoạn làm tự do ở mức ổn, nhất là đặt trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, song “tháng thì kiếm bội, tháng gần như không có gì” vì số lượng lúc lên lúc xuống.
Trước đó, Ánh trải qua 2 công việc văn phòng. Nơi môi trường không phù hợp, nơi không đảm bảo các quyền lợi cơ bản như bảo hiểm xã hội hoặc trả thêm lương khi tăng ca.
Trong lúc ở nhà vì dịch bệnh, cô tận dụng cơ hội chuyển sang làm freelancer mảng content và quản lý cửa hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Việc chuyển hướng này vừa để thay đổi, vừa là khoảng nghỉ giữa chừng trong sự nghiệp.
“Mình cũng muốn tìm công việc toàn thời gian ổn định theo tư tưởng của phụ huynh, nhưng những nơi mình từng trải nghiệm không đáp ứng kỳ vọng.
Ngoài yếu tố khách quan, những cuộc họp dài lê thê, đồng nghiệp không hỗ trợ mà tìm cách chỉ trích, bêu xấu nhau khiến mình rất mệt mỏi”, Ánh nói.
Trong khi đó, Ánh nhận thấy làm freelancer ít phải đau đầu về thái độ của sếp, đồng nghiệp mà chỉ tập trung hướng tới kết quả công việc đã nhận. Chuyện ăn uống, đi lại cũng thoải mái hơn.
Tuy vậy, khi làm tự do, Ánh thường khó quản lý thời gian, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, hoảng loạn vì “deadline dí”. Hiện, cô làm nhân viên marketing tại một hệ thống chuyên hàng siêu thị ngoại nhập và thấy hài lòng với công việc này.
“Về điểm cộng, nếu tìm được công ty tốt thì hợp đồng, chế độ lương thưởng, bảo hiểm cũng rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, có cái vui là mỗi sáng, mình cũng lao ra đường đi làm như số đông, tạo cảm giác hối hả, hòa nhịp và công việc văn phòng thường mang tính ổn định, lâu dài”.
Thích nghi lại với văn phòng
Yêu thích làm truyền thông, marketing trong mảng dịch vụ khách sạn, Linh Nguyễn (25 tuổi, Hà Nội) quay về chốn công sở sau 10 tháng làm freelancer (tháng 5/2021 đến tháng 3/2022).
Theo Linh, quyết định này có lợi cho hướng phát triển của cô. Du lịch mở cửa trở lại sau dịch bệnh, ngành khách sạn hồi phục dần và nhu cầu nhân sự tăng, mở ra nhiều cơ hội. Hơn nữa, lĩnh vực của cô đòi hỏi nhân viên đi làm trực tiếp, khó có thể “work from home”.
Cô gái 25 tuổi chia sẻ muốn đưa mình vào một khuôn khổ nề nếp hơn vì nhận thấy khả năng quản lý thời gian, kỷ luật bản thân chưa thật sự tốt.
Đây là điều mà môi trường văn phòng có thể giúp cô cải thiện.
Bên cạnh những quyền lợi và ưu đãi mà làm freelancer không có, Linh còn học hỏi thêm được từ bộ máy tổ chức, cách thức vận hành, xây dựng các mối quan hệ xã hội với đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng hay cụ thể hơn là có lộ trình thăng tiến.
Ban đầu, vấn đề lớn nhất khi trở lại làm giờ hành chính là học lại cách sắp xếp, xử lý các đầu việc trong khung giờ cố định, từ sáng đến chiều.
“Công việc vốn thiên về sáng tạo nên việc ngồi một chỗ ở công ty nhiều khi khá gò bò và nhàm chán, khiến mình cũng mất thời gian để làm quen, thích nghi lại”, cô cho hay.
Trước đó, Linh coi mục đích chính khi làm freelancer là để rèn luyện, khám phá thêm kỹ năng của bản thân, không phải “nguồn” kiếm tiền chính hay trở thành định hướng lâu dài.
“Mình tích lũy khá nhiều kinh nghiệm từ những ‘job’ ngắn hạn trước đó. Tuy nhiên, chuyển qua freelance hoàn toàn có nhược điểm lớn là việc giao tiếp với khách hàng gặp nhiều trở ngại, nhất là với những bên tỉ mỉ và khó tính. Điều này dễ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công việc”, Linh nói.
Ngoài ra, ở góc độ cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân, làm freelance có phần “không tốt cho sức khỏe” vì giờ giấc lung tung, thói quen sinh hoạt bị ảnh hưởng theo.
“Hiện tại, mình vẫn nhận các ‘job’ freelance phù hợp với sở thích và nhu cầu phát triển. Nhưng cũng tùy thuộc vào khối lượng của công việc chính, mình sẽ cân nhắc có nhận hay không để đảm bảo chất lượng của cả hai”, cô nói thêm.
Cân bằng cả hai
Nhận thức những cái “được”, “mất” khi làm văn phòng và freelancer nên Đinh Anh (sinh năm 1994) lựa chọn hình thức phù hợp nhất cho bản thân. Cụ thể, anh hiện là nhân viên marketing, truyền thông sự kiện cho một công ty ở Hà Nội, làm việc giờ hành chính và được nghỉ cuối tuần.
Trừ khoảng thời gian cuối năm bận rộn, từ đầu năm đến hè, Đinh Anh thường nhận thêm làm freelance bên ngoài như thiết kế, chụp ảnh, biên kịch/đạo diễn hay chỉnh sửa video. Một năm, anh thường nhận 2-4 “job” nhỏ lẻ như vậy.
“Mình thấy nếu chỉ làm freelancer thì hơi thiếu tính ổn định, thu nhập lúc cao lúc thấp và công việc lúc có lúc không, nhiều khi phụ thuộc vào mối quan hệ. Freelancer fulltime cũng bị gò bó bởi deadline và yêu cầu vô lý từ khách.
Còn chỉ đi làm văn phòng thì ổn định về lương, được hưởng không gian làm việc và một số phúc lợi khác nhưng lại bị áp lực từ sếp, ‘drama’ với đồng nghiệp nên nhiều người cũng có thể cảm thấy stress”.
Trước đây, Đinh Anh từng muốn chuyển sang làm freelancer toàn thời gian khi cảm thấy bí bách ở công ty cũ. Tuy nhiên cuối cùng, anh vẫn cân nhắc và không lựa chọn mạo hiểm.
“Ngoài các nhược điểm trên, một lý do khác là mình sợ bản thân lười biếng khi không có thời gian làm việc cố định và lười nhận ‘job’ nữa”, anh chia sẻ.
Với lựa chọn hiện tại, Đinh Anh chỉ nhận thêm việc vào thời gian rảnh đồng thời sẽ nói trước với khách rằng đang có công việc fulltime, chỉ có thể làm vào buổi tối hoặc cuối tuần. Khách nào đồng ý sẽ hợp tác, còn ai cần gấp có thể tìm đơn vị khác. Tất nhiên, khi bận việc chính ở công ty, anh sẽ từ chối mọi lời đề nghị làm thêm.
“Đôi lúc mình cũng gặp khó khăn khi đang ‘chạy’ freelance nhưng lại bận việc chính. Khi đó, mình đành cố gắng tăng ca buổi đêm để hoàn thành, cố gắng không ảnh hưởng đến cả hai bên”, Đinh Anh chia sẻ.
Nguồn: Theo Zingnews