Thông minh nhưng giao tiếp kém cỏi, ứng viên dễ bị nhà tuyển dụng đánh trượt ngay lập tức nếu vô tình nói trúng 13 câu này
Nếu không muốn nhà tuyển dụng tụt cảm hứng, thậm chí đánh rớt thì ứng viên tốt nhất nên tránh nói những câu sau đây trong buổi phỏng vấn.
Để trở thành nhân viên trong công ty, các ứng viên đều phải trải qua buổi phỏng vấn cùng bộ phận nhân sự và lãnh đạo. Khi đó ngoài trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thì bản lĩnh ứng xử là một trong những thước đo quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực có phù hợp với công việc sắp tới hay không.
Trong buổi phỏng vấn, có những vấn đề mà ứng viên cần tỉ mỉ chia sẻ, tuy nhiên lại có những câu nói mà nhất định không được đề cập. Ngoài việc khiến bộ phận nhận sự cảm thấy khó chịu mà còn thể hiện bản thân là người không có kỹ năng giao tiếp, không khéo còn bị nhà tuyển dụng đánh giá chỉ số EQ thấp trong việc điều tiết cảm xúc, thiếu khả năng thấu hiểu người khác.
Sau đây là 13 câu ứng viên nhất định không thể nói với nhà tuyển dụng nếu muốn đậu phỏng vấn.
“Tôi cảm thấy hoang mang”
Hãy ghi nhớ ngay cả khi bạn thực sự lo lắng hơn bao giờ hết, nhưng đừng nói gì bởi vì không có công ty nào đi thuê một nhân viên thiếu tự tin.
“Tôi muốn hỏi về tiền lương, thưởng và phụ cấp”
Đừng thảo luận về vấn đề tiền lương khi bắt đầu cuộc phỏng vấn. Chuyện thảo luận về tiền bạn nên để đến cuối buổi trao đổi.
“Hạn chế lớn nhất của tôi là…”
Trừ khi bị hỏi về điểm yếu, nếu không ứng viên nên tránh nói về khuyết điểm. Một câu trả lời thông minh chính là kèm theo hướng khắc phục để nhà tuyển dụng thấy được sự quyết tâm, cố gắng của bản thân.
“Tôi thực sự rất cần công việc này”
Đừng tỏ ra quá ham muốn khi công việc là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Thậm chí nhà tuyển dụng có thể coi sự tuyệt vọng này là một điểm yếu, vì khó khăn nên mới ứng tuyển vào đây.
“Sếp cũ của tôi rất tệ”
Không nên chỉ trích quản lý, sếp và đồng nghiệp cũ trong buổi phỏng vấn. Cho dù lỗi sai thuộc về họ thì khi qua công ty mới, không ai muốn ngồi nghe than thở từ bạn.
“Tôi muốn…”
Tránh để các cuộc nói chuyện xoay quanh nhu cầu của bạn. Đây là thời gian để thảo luận về các yêu cầu của công ty và những gì bạn có thể làm để giúp họ đạt được mục tiêu trong tương lai.
“Khi nào cuộc phỏng vấn kết thúc”
Đừng để người phỏng vấn có ấn tượng rằng bạn đang vội, hoặc bạn phải đi nơi khác để phỏng vấn, như thế sẽ khiến họ mất hứng thú ngay lập tức. Cuộc phỏng vấn có thể dài hay ngắn tuỳ thuộc vào nội dung, cách nói chuyện từ chính bạn.
“Tôi thích những khoản trợ cấp mà công ty hỗ trợ”
Đừng cho thấy bạn yêu thích bao nhiêu tiền trợ cấp phúc lợi của công ty. Điều này sẽ khiến người phỏng vấn nghĩ rằng bạn quan tâm đến những lợi ích này hơn là đóng góp cho công việc
“Tôi không muốn trả lời câu hỏi này”
Trừ khi người phỏng vấn đặt câu hỏi về quyền riêng tư cá nhân, hoặc những điều khiến bạn cảm thấy rất khó chịu, bạn nên trả lời câu hỏi của họ mới đúng phép lịch sự.
“Có bao nhiêu ngày nghỉ có lương trong năm đầu tiên đi làm”
Nếu không muốn để lại ấn tượng rằng bạn có kế hoạch tránh nhiều giờ làm việc hơn khi nghỉ ốm và nhận lương, thì tốt nhất đừng hỏi câu tương tự. Việc này sẽ được thông báo trong hợp đồng lao động chính thức.
“Sử dụng ngôn ngữ teen hoặc đệm thêm tiếng lóng chửi thề”
Đừng sử dụng những từ chửi thề hoặc tiếng lóng để thể hiện rằng bạn là người cá tính, có chất riêng, điều này sẽ chỉ khiến bạn để lại ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng.
“Tôi đang ly hôn/ tôi đang mang thai/ tôi đang trải qua giai đoạn rất khó khăn”
Đây là những vấn đề riêng tư mà chính bạn nên tự giải quyết. Đừng mang ra để lấy lòng thương hại từ nhà tuyển dụng, trong khi họ chỉ quan tâm đến hiệu suất cùng giá trị làm việc mà bạn mang lại thôi.
“Tôi không có câu nào để hỏi”
Khi được hỏi liệu có thắc mắc gì về công ty không, bạn hãy trả lời câu hỏi này chứ đừng từ chối hay trả lời qua loa. Nếu bỏ qua sẽ khiến nhà tuyển dụng cho rằng, bạn không hề chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, hoặc tệ hơn là không quan tâm đến công việc.
Nguồn: theo kênh 14