Người hướng nội khi làm quảng cáo sẽ như thế nào?

Nhân sự agency tự tin bộc lộ bản thân là người hướng nội, doanh nghiệp hưởng lợi

Người hướng nội khi làm quảng cáo sẽ như thế nào? - Ảnh 1

Mới đây, công ty Merchant Machine đã phát hành danh sách 15 công việc phù hợp nhất với người hướng nội: đứng đầu là “Nhà vật lý và nhà thiên văn học”, tiếp theo là “nhân viên vận hành máy móc”. Đặc thù của những ngành nghề này là chủ yếu làm việc độc lập, tập trung cao, ít trao đổi. Vì vậy nên người tham gia khảo sát cho rằng chúng sẽ phù hợp với nhân sự hướng nội.

Tuy nhiên, vào năm 2021, Tạp chí Harvard Business Review lại cho rằng ngành nghề quảng cáo nên có nhiều nhân sự hướng nội hơn, với lý do “họ thể hiện tốt trong các công việc liên quan đến sáng tạo”. Trong một thế giới mà người tiêu dùng có quá nhiều thương hiệu, nhà bán lẻ và sản phẩm để lựa chọn, cách duy nhất để tiếp cận họ là nắm bắt được tâm lý, thói quen và sở thích. Đây được cho là những “lợi thế” của người hướng nội – những cá nhân dành nhiều thời gian để khám phá, tìm hiểu thế giới nội tâm bên trong của con người.

Thực hư chuyện người hướng nội làm quảng cáo là gì? Advertising Vietnam đã cùng phỏng vấn với các nhân sự đang làm việc tại Dentsu McGarryBowen Vietnam, Golden Communication Group, Mango Digital, MediaCom Việt Nam, T&A Ogilvy Chiic Digital Agency để bóc tách vấn đề và giúp nhiều người hiểu sâu hơn về cách những người hướng nội “nhút nhát, thụ động, ít nói” làm việc trong môi trường quảng cáo.

Hướng nội không phải là khiếm khuyết trong ngành quảng cáo

Hướng nội – hướng ngoại là những thuật ngữ được giới thiệu bởi nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung (thường được gọi là Carl Jung). Theo ông, người hướng ngoại (extrovert) có xu hướng thể hiện qua các hành vi, hoạt động tràn đầy năng lượng. Trong khi đó, người hướng nội (introvert) thường thể hiện hành vi kín đáo hơn. Họ thích ở một mình hơn là những nơi đông người. Đồng thời, họ có xu hướng sống kín đáo, khiến những người xung quanh khó có thể đoán được chính xác tâm tư của họ.

Khi nhắc đến cụm từ “introvert – người hướng nội”, mọi người có xu hướng nghĩ theo hướng tiêu cực, nặng nề, do đó khiến những người hướng nội ngại chia sẻ và thể hiện bản thân. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Ông Adam Henderson, Chuyên gia phát triển tổ chức và gắn kết nhân viên chia sẻ trên LinkedIn rằng công nghệ đã tạo điều kiện cho mọi người truy cập thông tin dễ dàng hơn, khiến họ dần thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến việc tự tin là chính mình trở nên dễ dàng hơn với tất cả mọi người, đặc biệt là người hướng nội. Anh Gia Bảo – Copywriter tại Mango Digital cho rằng công nghệ phát triển đã khiến thông tin về các nhóm tính cách MBTI dễ tiếp cận hơn, giúp mọi người dễ dàng xác định mình thuộc tính cách nào. “Từ đó, chúng ta cởi mở hơn về việc bộc lộ bản thân là một người hướng nội, vì cơ bản hướng nội chẳng có gì là xấu cả“.

Theo chị Thảo Như – Strategic Planner tại Chiic Digital Agency, xu hướng tự nhận mình là introvert xuất phát từ hai nguyên nhân chính. “Thứ nhất, những người nổi tiếng công khai mình là người hướng nội và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của bản tính hướng nội (ví dụ như nhà vật lý Albert Einstein, nhà văn J.K. Rowling,…) khiến cho những người khác tin rằng hướng nội vẫn có thể thành công, từ đó họ có động lực thể hiện bản thân mình. Thứ hai, xã hội đang ngày càng cởi mở hơn đối với người hướng nội. Cụ thể, trong một môi trường với tốc độ làm việc nhanh như agency, mọi người hầu như không đánh giá gì khi bạn là người hướng nội, quan trọng là năng lực hoàn thành công việc của bạn như thế nào”, chị chia sẻ. Chị Ngọc Thanh, Integrated Planner tại MediaCom Vietnam cũng đồng ý rằng: “Mọi người sẵn sàng thể hiện cái tôi của bản thân, đồng thời chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. ‘Introvert’ không còn được xem là một tính cách không tốt nữa mà hơn thế, họ sở hữu nhiều ưu điểm rất riêng.

Ấn tượng đầu tiên về cụm từ “người hướng nội” đối với nhiều người là những cá nhân trầm tính, ít hoặc kém giao tiếp, ít tham gia các hoạt động xã hội,… Chị Duyên Huỳnh – Associate Creative Director tại Dentsu McGarryBowen Vietnam cho biết: “Người hướng nội không có nghĩa là trầm tính, ít giao tiếp hoặc kém giao tiếp. Họ vẫn sẽ tham gia những hoạt động giao tiếp xã hội như bao người bình thường, thậm chí giao tiếp rất giỏi bởi vì thế giới của người sống nội tâm cực kỳ phong phú. Họ dành nhiều thời gian để nuôi dưỡng ‘nội dung’ của mình từ bên trong, cho nên thế giới đó có nhiều cung bậc, câu chuyện và màu sắc hơn mọi người nghĩ.

Chị Mai Khanh – Senior Account Manager tin rằng “hướng nội” nghĩa là tập trung xử lý những thông tin và xúc cảm từ bên trong. Những người hướng nội tuy bề ngoài có thể tỏ ra lặng lẽ, thậm chí là hơi khó gần nhưng họ có rất nhiều ưu điểm như cẩn thận suy nghĩ, đánh giá trước khi phản ứng, khiến những nhận định và phân tích của họ vô cùng sâu sắc. Họ không phải kém giao tiếp mà là giao tiếp một cách cẩn trọng. Họ không thiếu tự tin hay sợ đám đông, chỉ là họ cảm thấy thoải mái hơn với những mối quan hệ theo chiều sâu và những cuộc hội thoại có ít người tham gia. “Bản thân mình nhận thấy những người hướng nội thường rất tự tin và chủ động trong công việc. Họ có lối suy nghĩ rất sâu sắc và chi tiết“, anh Minh Trí – Creative Content Executive tại Golden Communication Group nhận định.

Người hướng nội sẽ đảm nhận công việc gì trong thế giới quảng cáo?

Theo chia sẻ từ các nhân sự, những người hướng nội thường đảm nhận những vị trí như Planner, Performance hoặc sáng tạo nội dung. Thế nhưng điều đó không có nghĩa những người hướng nội không thể đảm đương các vị trí còn lại. Một Account hướng nội với những đức tính cẩn trọng, suy tính đến nhiều tình huống khác nhau để đề xuất cách giải quyết cho cả đồng nghiệp và khách hàng sẽ là một “át chủ bài” của công ty. Chị Thảo Như chia sẻ rằng, những người hướng nội trong công ty chị thường là nhân viên của phòng Media – chuyên chụp và chỉnh sửa ảnh, video; phòng Performance – chuyên theo dõi hiệu suất của các chiến dịch trên những nền tảng mạng xã hội; một số bạn ở các vị trí sáng tạo như Content Writer hay Designer cũng là người hướng nội.

Tuy nhiên, anh An Nguyễn, Senior Copywriter tại T&A Ogilvy lại cho biết, tính cách không phải là yếu tố quyết định vị trí công việc: “Không có giới hạn nào cho người hướng nội hay hướng ngoại. Nhiều người hướng nội vẫn có thể sales rất tốt đấy thôi.

Một nghiên cứu đánh giá hiệu suất có sự góp mặt của hơn 900 CEO được đăng tải trên Tạp chí Harvard Business Review tiết lộ những người hướng nội liên tục gây bất ngờ cho các nhà đầu tư. Nhiều CEO và Giám đốc đều là người hướng nội nhưng họ vẫn có thể vui vẻ bắt tay, trò chuyện cùng khách hàng. Thậm chí, nhiều người hướng nội còn có khả năng đạt được hiệu quả cao hơn người hướng ngoại đến 25%. “Người hướng nội đôi khi là những ‘chân nhân bất lộ tướng’. Họ nói ít, suy nghĩ nhiều nên họ có độ sâu, độ ‘chín’ nhất định trong những nhận định“, chị Duyên Huỳnh cho biết.

Tạp chí Harvard Business Review đã đưa ra ba nguyên nhân chính lý giải vì sao ngành marketing – quảng cáo nên có nhiều nhân sự hướng nội hơn:

  • Thứ nhất, ngày nay trên thế giới có rất nhiều thương hiệu, nhà bán lẻ và họ liên tục cho ra mắt sản phẩm mới. Từ đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Trong một thế giới mà người tiêu dùng nắm quyền chủ động, tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của thương hiệu, các nhà tiếp thị hướng nội có lợi thế hơn trong việc lắng nghe, nắm bắt tâm lý và thói quen của người dùng.
  • Thứ hai, các thương hiệu muốn trò chuyện và “lấy lòng” những người siêu tiêu dùng (superconsumer), tức những người có mức độ chi tiêu cao hơn khách hàng bình thường. Và hiển nhiên, những cuộc thảo luận sâu sắc, chi tiết là thế mạnh của người hướng nội.
  • Và cuối cùng, quảng cáo sẽ chuyển từ độc thoại của thương hiệu/marketer sang đối thoại giữa khách hàng và thương hiệu, thậm chí là độc thoại ngược – làm quảng cáo dưới góc nhìn của khách hàng. Tác giả Susan Cain đã viết trong quyển sách “Quiet” rằng khi người hướng ngoại quá hào hứng về một ý tưởng nào đó, họ sẽ vô tình đặt nhiều dấu ấn cá nhân vào tác phẩm khiến insight và giá trị của thương hiệu không thể trở nên nổi bật. Do đó, người hướng nội với xu hướng lắng nghe người khác sẽ có khả năng chạm sâu hơn vào insight của người dùng.

Tính cách không phải là yếu tố quyết định việc thăng tiến

Tại công ty của chị Thảo Như, nhân sự sẽ được thăng tiến khi có đủ năng lực và điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu suất công việc của mỗi người. Dù là người hướng nội hay hướng ngoại, nếu vận hành tốt công việc và có thể kết nối với mọi người, nhân sự hoàn toàn được cân nhắc đề bạc lên một vị trí cao hơn. Nhìn chung, hướng nội hay hướng ngoại thì cũng chỉ là tính cách và lối sống của một cá nhân. Điều này không thể phản ánh khả năng hay phong thái làm việc của họ.

Ở vai trò quản lý, chị Mai Khanh luôn tuân theo phương châm “Judge the work, not the person” (tạm dịch: Đánh giá công việc chứ không phải cá nhân người đó). Mỗi người đều mang những nét tính cách, những dấu ấn cá nhân riêng. Điều đó khiến môi trường agency trở nên năng động, đa màu sắc và cởi mở đón nhận sự khác biệt! Agency có nhiều vị trí không yêu cầu giao tiếp nhiều, tuy nhiên nhân sự nào sở hữu khả năng giao tiếp, đối ngoại tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn. Bản chất công việc sáng tạo cần nhiều sự trao đổi thông tin, brainstorm để đúc kết ý tưởng, vì thế chị Mai Khanh đưa ra đánh giá rằng: “Việc giao tiếp rất quan trọng trong một tổ chức, nhất là khi công việc yêu cầu sự thống nhất rõ ràng giữa các bộ phận như agency. Sự trao đổi, bàn luận giúp đảm bảo chất lượng công việc, trả lời đúng brief, góp phần mang lại hiệu quả truyền thông cho các chiến dịch.”

Từ chia sẻ của các nhân sự, có thể đúc kết được rằng để “sống sót” trong môi trường quảng cáo, người hướng nội cần:

  • Tích cực trao đổi thông tin khi cần thiết để đảm bảo tiến độ công việc, mang lại hiệu quả tốt cho các chiến dịch và quảng cáo của khách hàng
  • Tự cân đối cách làm việc và cảm xúc cá nhân để hòa nhập với môi trường làm việc
  • Nếu không thoải mái hoặc e dè khi phải dùng lời nói để trao đổi, nhân sự hướng nội vẫn có thể truyền đạt thông tin một cách rõ ràng thông qua các ứng dụng nhắn tin

Ngoài ra, để làm việc hiệu quả với người hướng nội, sự thấu hiểu phải đến từ cả người sử dụng lao động/người quản lý và nhân sự. Người hướng nội có xu hướng thích những không gian riêng tư, kín đáo nhưng không phải công ty nào cũng có thể chấp nhận điều này. Do đó, những nhà quản lý cũng cần tôn trọng sự khác biệt của người hướng nội và trao cho họ không gian và thời gian cần thiết để chủ động suy nghĩ, làm việc độc lập.

Xin cảm ơn các nhân sự tại các agency đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này và chia sẻ những góc nhìn thú vị về người hướng nội trong môi trường quảng cáo.

Nguồn: Advertising Vietnam


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn

Tìm việc ngay

Tin mới nhất

Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Eyeplus Online

Địa chỉ: Số 81, ngõ 68, đường Cầu Giấy, Tổ 05, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.