‘Mùa đông’ của giới công nghệ Trung Quốc đã đến
Nhân viên làm việc cho các công ty công nghệ vỡ mộng khi lĩnh vực này bị chính phủ Trung Quốc liên tục “nắn gân”.
Năm 2019, khi ứng tuyển vào làm việc tại ByteDance, công ty mẹ của TikTok, Aaron Wang (28 tuổi) cứ ngỡ đã tìm được công việc trong mơ của mình. Cô tham gia vào những dự án có quy mô lớn trên Douyin, được mọi người tôn trọng và làm việc trong một môi trường cởi mở và hòa nhập, điều rất hiếm có ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, ByteDance đột nhiên thông báo cắt giảm nhân sự, buộc cô nghỉ việc. Sau đó, Wang tìm công việc mới ở công ty thương mại điện tử JD.com. Trong quá trình phỏng vấn, người quản lý đã khẳng định với cô rằng công ty không có kế hoạch cắt giảm nhân sự thường xuyên.
Nhưng cũng chỉ trong 2 tuần sau, cô gái lại trở lại với tình cảnh thất nghiệp và chìm trong lo âu. “Rất khó để tìm việc trong thời đại bây giờ”, Wang chia sẻ với Rest of World.
Giấc mơ được làm việc cho các ông lớn công nghệ
Trong một thập kỷ trở lại đây, nhiều nhân sự trẻ, có trình độ cao ở Trung Quốc đua nhau làm việc cho các tập đoàn Internet như Alibaba, Tencent, Baidu, JD.com và ByteDance.
Làm việc tại các công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba từng là mơ ước của nhiều người trẻ Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.
Những công ty này cung cấp phúc lợi hấp dẫn như lương cao, thưởng nhiều, được xã hội trọng vọng và thậm chí là quyền lựa chọn cổ phiếu, giúp nhân viên giàu lên trong một đêm. Văn hóa làm việc ở đây cũng rất hấp dẫn khi có nhiều hoạt động teambuilding, chuyến du lịch, sự kiện âm nhạc khác nhau.
“Cả công nghệ và phúc lợi làm việc ở đây đều thuộc hàng top. Thậm chí, chiếc ghế tôi ngồi hàng ngày ở ByteDance còn có giá đến 740 USD”, Aaron Wang nhớ lại.
Do đó, trong nhiều năm nay, người dân Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho giáo dục của con cái với hy vọng sẽ được tham gia vào các công ty công nghệ. Những gia đình khá giả thậm chí còn sẵn sàng trả hàng trăm nghìn USD chỉ để con mình được học tại các trường thuộc Ivy League, sau đó hoàn thành giấc mơ làm việc cho những gã khổng lồ giới Internet của Trung Quốc.
Khủng hoảng ập đến
Song, những ngày tháng tươi đẹp đó đã sớm kết thúc. Giới công nghệ quốc gia tỷ dân giờ đây đang phải đối mặt với sự kiểm soát gắt gao từ chính phủ, ảnh hưởng của lệnh giãn cách do dịch Covid-19, vốn đầu tư và sức mua của người dùng cũng giảm mạnh.
Những ông lớn tại quốc gia tỷ dân như Alibaba và Tencent cũng phải đối diện với mức tăng trưởng doanh thu ảm đạm, phải cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Hai công ty này dự tính sa thải hơn 10.000 nhân viên trong năm nay. Trong khi đó, ByteDance đã cắt giảm hàng trăm nhân sự trong mảng game và công nghệ giáo dục.
Ngay cả trong những dịp lễ, Tết, nhân viên các công ty công nghệ cũng quay cuồng với công việc. Ảnh: Getty Images.
Điều này đã khiến nhiều nhân viên bị mất việc, rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Số ở lại lại phải đối diện với hàng giờ làm việc căng thẳng, lo lắng về tương lai có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. “Lần đầu tiên kể từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế lại xảy ra với quy mô lớn như vậy”, Xu Dandan, Giám đốc trang tuyển dụng công nghệ Lagou, chia sẻ.
Mộng tưởng tan vỡ
Theo Rest of World, “mùa đông” đã đến với các công ty Internet tại Trung Quốc và đe dọa thị trường nhân tài ở đây. Các nhân sự trẻ phân vân rằng liệu có nên làm việc tại các công ty công nghệ với chính sách làm thêm giờ và môi trường làm việc căng thẳng hay không.
Chia sẻ với Rest of World, nhiều nhân viên mảng công nghệ bị sa thải cho biết họ đã cảm thấy sốc, tức giận và mất lòng tin vào những công ty này. “Lệnh giãn cách đã đủ áp lực vậy mà tôi còn bị đuổi việc. Trước đây tôi còn ngây thơ tin vào hứa hẹn thăng chức của công ty nữa chứ”, một nhân viên làm việc tại công ty mạng xã hội Ximalaya tâm sự.
Mặt khác, khi chứng kiến đồng nghiệp của mình dần rời đi, những người ở lại cũng không khỏi cảm thấy áp lực. Có người cho biết họ làm việc kém hiệu quả hơn trước đây vì lo sợ dự án của họ rồi sẽ sớm bị hủy bỏ.
Với những nhân sự trẻ, họ cho rằng làm việc tại các hãng công nghệ lớn là đã bước một chân vào con đường thành công và sẵn sàng làm việc hết mình để đóng góp cho công ty. Vì thế, bị đuổi việc đã kết thúc giấc mơ của họ.
Theo Li Xiaotian, nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong, tham gia vào lĩnh vực Internet, các nhân viên đã lựa chọn một công việc có mức lương cao và cơ hội thăng tiến thay vì gắn bó cả đời trên ghế công sở.
Nhưng tình trạng ảm đạm của thị trường hiện nay, nhiều người cho rằng họ đã biến thành tầng lớp lao động tầm thường trong thị trường. “Nếu bị đuổi việc khỏi công ty của Jack Ma, bạn sẽ khó mà tìm được một công việc có mức lương tương tự”, ông Li nói.
Bị đuổi việc đôi khi lại mở ra cơ hội mới cho một số người. Ảnh: Rest of World.
Song, theo Rest of World, không phải ai cũng lo lắng trước những đợt sa thải nhân sự. Nhiều người đã bất mãn với chính sách làm việc tại các công ty Internet và mong muốn nghỉ việc từ lâu.
Năm 2019, văn hóa làm việc “996” (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) đã bị phản đối gay gắt. Cụ thể, văn hóa làm thêm giờ bị xem là nguyên nhân của nhiều cái chết do làm việc quá sức, dấy lên các cuộc thảo luận về quyền lao động và chiến dịch trực tuyến.
Nói với Rest of World, nhiều người cho biết họ bị bắt nạt bởi chính quản lý của mình. Lao động nữ phải còn phải cam kết không được mang thai trong thời gian làm việc ở công ty.
Do đó, với một số người, bị đuổi việc chính là cơ hội để họ rời khỏi ngành công nghiệp khắc nghiệt này. Một nhân viên giấu tên cho biết cô phải thường xuyên làm việc thâu đêm suốt sáng khi còn làm quản lý một công ty Internet nọ.
“Ngày sau khi nghỉ việc, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm, thậm chí còn giảm được 5 kg trong vòng một tháng sau đó nhờ lối sống lành mạnh hơn”, cô chia sẻ.
Nguồn: Zing