Lần đầu tiên trên sóng Shark Tank, nhà sáng lập đề nghị bán 100% công ty
Các Shark đều không khỏi ngạc nhiên về đề nghị này của founder.
Trong tập mới nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 5, founder Nguyễn Trung Hiếu đã giới thiệu về thương hiệu nhà hàng +84 của anh. Đây là cửa hàng Việt tại Hàn Quốc, được thành lập từ tháng 2/2016 với mục tiêu đưa món ăn chuẩn vị Việt Nam tới Hàn Quốc.
Quán phục vụ đa dạng các món đặc trưng của 3 vùng miền tại Việt Nam. Các món ăn đã được chuẩn vị, công thức hoá để tối ưu tốc độ, 2 nhân viên bán được 20 triệu đồng/ngày. Theo nhà sáng lập, trong 2 năm gần đây, +84 đã chứng minh được độ an toàn và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu này đã được xuất hiện ở nhiều đài truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc như KBS, TVN, trong đó có cả các chương trình đặc biệt nổi tiếng về ẩm thực.
+84 hiện có 2 cơ sở: 1 tại phố cổ Insadong (tương tự phố cổ Hà Nội) và 1 tại phố Itaewon (tương tự phố Bùi Viện). Chi nhánh tại Insadong có doanh thu dao động từ 240 – 580 triệu đồng/tháng, mục tiêu đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi tháng là khả thi. Tình hình kinh doanh tại chi nhánh Itaewon cũng tương tự.
Bài thuyết trình vẫn bình thường cho đến khi nhà sáng lập Trung Hiếu cho biết “đến đây để bán thương hiệu với giá 15 tỷ cho 100% cổ phần”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank Việt Nam có một startup đề nghị bán luôn 100% công ty.
Các Shark đều không khỏi ngạc nhiên về đề nghị của founder. Shark Hưng thắc mắc: “Em bán như thế này thì có cam kết gì để tạo lợi nhuận như dự kiến không?”.
Trả lời câu hỏi này, Trung Hiếu cho biết anh có nhiều mối quan hệ tại Hàn Quốc và các bạn trẻ tại đây sẵn sàng hợp tác với các “cá mập”. Còn bản thân Trung Hiếu sẽ đồng hành cùng các Shark trong thời gian đầu với vai trò cố vấn, tư vấn.
Riêng Trung Hiếu vẫn ở Hàn Quốc nhưng muốn theo đuổi con đường riêng. Anh cho rằng thương vụ này sẽ phù hợp với “cá mập” nào có nhu cầu tiến vào thị trường Hàn Quốc.
Nói đến đây, Shark Hưng nhanh chóng chốt: “Tôi không có nhu cầu vào Hàn Quốc. Tôi không đầu tư”. Shark Hưng cho biết vấn đề nằm ở việc sẽ không có ai giúp duy trì lợi nhuận cam kết nếu như founder rời Hàn Quốc về Việt Nam. Thông thường ở những thương vụ tương tự, toàn bộ nguồn lực nhân sự, tài sản được giữ nguyên, nhà sáng lập sẽ cam kết đồng hành tiếp tục 1-2 năm và cam kết không tham gia vào một doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp. Trong khi đó, Trung Hiếu không đưa ra được phương án khả thi.
Shark Liên cũng tỏ ra khó hiểu với mục đích bán cả thương hiệu của Trung Hiếu. “Không thể nào bạn chuyển nhượng 100%. Chúng tôi đầu tư, đương nhiên chúng tôi phải tính rất kỹ, cặn kẽ, không thể nào dư tiền đến mức độ đưa ra 15 tỉ để lấy hai quán của bạn mà không nhìn thấy nó ở đâu cả. Bạn phải đặt mình vào chúng tôi”, Shark Liên nêu vấn đề và cũng quyết định không đầu tư.
Shark Hùng Anh thắc mắc: “Bạn đến đây mục tiêu của bạn là bán tài sản. Tôi tưởng tôi nghe nhầm đó. Bạn nói bạn bán đứt quán đó, sau đó bạn giao cho chúng tôi, rồi tôi biết làm gì với chúng đây?”. Và rồi cuối cùng, Shark Hùng Anh quyết định không mua lại quán này của Trung Hiếu.
Các Shark còn lại sau đó cũng lần lượt lắc đầu tư chối.
Shark Bình đưa ra lời khuyên: “Với cái này em nên lên chương trình… Shark Tank Hàn Quốc sẽ phù hợp. Có khi em “trôi” ngay”.
Nguồn: theo nhịp sống kinh tế