Kiếm tiền từ YouTube: Bát nháo thông tin, hậu quả khó lường
Sản xuất các video nhảm nhí, bạo lực là chiêu trò thường thấy trong “nghề YouTuber” khi lượng view là tiêu chí hàng đầu. Từ đó, YouTube vô tình trở nên khó kiểm soát.
Theo luật hiện hành, sáng tạo nội dung trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội (streamer, Youtuber, TikToker…) chưa được xem là một ngành nghề, hiện nay chưa có quy định, quản lý hay đào tạo nghề phù hợp. Cũng chính vì lẽ đó nên các YouTuber muốn sáng tạo gì thì sáng tạo, miễn là đáp ứng được thị hiếu của người xem.
Mạng ảo, hậu quả thật
Ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, nhiều buổi livestream “bóc phốt giới nghệ sĩ” của bà trên nền tảng mạng xã hội ghi nhận hơn 225.000 người theo dõi nhưng các thông tin không được kiểm chứng, ngôn từ mang tính công kích cá nhân.
Lợi dụng chức năng livestream, trong 2 năm, ekip của bà Hằng đã thu thập, sử dụng trái phép và đưa lên mạng xã hội rất nhiều thông tin về tài khoản ngân hàng, thông tin đời tư của nhiều cá nhân, tổ chức.
Trước hiệu ứng Nguyễn Phương Hằng, nhiều YouTuber “ăn” theo cũng thường đăng tải các clip “bóc phốt”, tấn công nghệ sĩ hoặc những người có quan điểm đối lập như Điền Võ Vlog, Lang Thang Đường Phố, Chuyện Đời Thường,… Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. Tiêu biểu, ngày 15/4, Công an TP.HCM đã làm việc với ông Võ Minh Điền, chủ kênh Youtube “Điền Võ Vlog” và nhiều người khác liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng.
Trước đó, được biết đến với hình tượng “giang hồ mạng”, Ngô Bá Khá (hay Khá “Bảnh”) gắn liền với nhiều hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật. Khá cùng với một số thanh niên liên tiếp đăng tải những nội dung gây sốc như dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc, đốt xe máy… Các clip này thu hút hàng triệu lượt xem và lan truyền một cách chóng mặt.
Sau đó, Khá “Bảnh” bị bắt vì tội đánh bạc và phải thi hành án 10 năm 6 tháng tù.
Đồng thời, vào tháng 2/2019, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi yêu cầu tới nhà cung cấp dịch vụ Youtube đề nghị khóa, tắt chức năng kiếm tiền kênh Youtube của Khá “Bảnh”. Kênh có những nội dung gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ; bản thân Khá “Bảnh” đã bị cơ quan pháp luật xử lý về những hành vi vi phạm pháp luật…
Đây cũng là lý do để Youtube không thể để kênh này tiếp tục tồn tại, cổ xúy cho những hành vi, lối sống không lành mạnh của đối tượng đã vi phạm pháp luật Việt Nam.
Vòng lẩn quẩn sai thì phạt, phạt rồi lại sai
Trước đó vào tháng 4/2021, do không cung cấp được bằng chứng chứng minh cho phát ngôn UBND tỉnh Bình Thuận bao che cho ông Võ Hoàng Yên hành nghề, bà Nguyễn Phương Hằng bị xử phạt 7,5 triệu đồng.
Tháng 3/2021, cơ quan chức năng phạt hành chính 7,5 triệu đồng YouTuber Thơ Nguyễn vì những nội dung không lành mạnh trên kênh của cô. Mức phạt hành chính này, không đủ răn đe so với thu nhập khủng và độ nổi tiếng mà Youtube mang lại. Đóng kênh Thơ Nguyễn lại mọc lên kênh Thơ Lơ Mơ, tiếp tục đăng tải những video clip câu view tương tự.
Trên thực tế, rất nhiều YouTuber hằng ngày vẫn đang đầu độc người xem bằng nội dung vô bổ. Nếu không được phát hiện và kịp thời lxử lý, ẩn họa từ những tư tưởng độc hại luôn rình rập người xem, đặc biệt là các em nhỏ.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư Tp.HCM) cho biết Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ tháng 4 năm 2020 (đã được sửa đổi bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).
Cụ thể đối với các sai phạm trên nền tảng này, Điều 101 NĐ số 15/2020/NĐ-CP có quy định rõ ràng các hành vi vi phạm và mức xử phạt hành chính tương ứng. Theo đó, chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Trường hợp “cá nhân” có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Thế nhưng, các mức phạt này dường như không thấm vào đâu khi nhiều YouTuber sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ, đem về cho họ lợi nhuận hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa ra dự thảo sửa đổi vào năm 2021, trong đó đề xuất chỉ các mạng đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến, hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Từ đó, Bộ TT&TT yêu cầu các trang cá nhân, các kênh khai báo thông tin để được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Đồng thời, các tài khoản trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin cá nhân.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý nào cho sự hoạt động bát nháo của YouTube để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền riêng tư mỗi cá nhân.
Sản xuất nội dung YouTuber cần được xem như sản phẩm kinh doanh, cần phải có giới hạn những gì được làm, những gì không được làm. Nếu vi phạm các quy định phải chịu xử các chế tài của pháp luật vi các kênh YouTube nhiều đối tượng người xem khác nhau, trong đó có cả trẻ em.
Vì vậy, bên cạnh chính sách cộng đồng của YouTube, nội dung video clip cần được kiểm định, đánh giá chất lượng của cơ quan chức năng.
Để xây dựng một cộng đồng YouTube sạch, ngoài việc cần một cơ chế quản lý nội dung tốt hơn, trước hết người xem cũng cần mạnh tay “quay lưng” với những nội dung vô bổ, độc hại.
Nguồn: Theo tạp chí sở hữu trí tuệ và sáng tạo