‘Drama’ công sở: Những ‘kịch bản’ chơi xấu vượt tưởng tượng

Một dạo, chị Thủy nghe vài người đồng nghiệp hỏi han cũng như thắc mắc “con trai chị có tự kỷ đâu nhỉ”. Sau này mới vỡ lẽ…

Nói xấu, chơi xấu ở công sở không phải là chuyện lạ, chuyện mới nhưng đó là vấn đề luôn gây ảnh hưởng đến cá nhân và cả môi trường làm việc. Không ít người nghỉ việc, chuyển việc vì môi trường làm việc, đồng nghiệp quá toxic (độc hại) bắt đầu từ những trò chơi xấu, nói xấu.

‘Drama’ công sở: Những ‘kịch bản’ chơi xấu vượt tưởng tượng - Ảnh 1

Trong một tâm thế hăng say, nhiệt tình với công việc, đồng nghiệp, Mạnh Hải, 27 tuổi, nhân viên thiết kế ở TPHCM cũng trải qua cú sốc khi bị đồng nghiệp nói xấu, đặt điều đủ kiểu.

Không chỉ là những lời nói đầu môi mà Hải biết, có một số đồng nghiệp trong công ty còn lập hẳn group (nhóm) nói xấu mình và một số người khác. Họ nói nào là Hải nịnh bợ, nào là “ăn may” chứ không có năng lực… Chưa hết, họ còn phao tin ở công ty cũ Hải bị đuổi việc vì gian lận, ăn cắp mẫu thiết kế này kia.

Hải cũng từng có ý định làm rõ trắng đen mọi việc nhưng sau khi cân nhắc lại đã chọn không để tâm, can thiệp với những điều người khác nói sau lưng. Cậu nhận ra nguyên nhân sâu xa của việc này là do cậu được trả một mức lương cao hơn nhiều người cũ nên trở thành “cái gai” trong mắt nhiều người.

Không giữ được sự bình tâm, “phớt lờ” như Hải, chị Ngô Thu Thủy, nhân viên một công ty về giáo dục có trụ sở ở quận 1, TPHCM đã chọn con đường ra đi.

Cách đây gần hai năm, chị Thủy vướng vào một số sai sót nghiệp vụ nên bị công ty đề nghị chuyển về văn phòng ở Đồng Nai. Đó là một cú sốc với chị và chị xác định cố gắng xin ở lại TPHCM hoặc đổi chỗ làm.

Chị viết đơn trình bày về hoàn cảnh bản thân, gia đình, việc có con đang học ở thành phố nên rất khó khăn trong việc đi Đồng Nai. Chị cũng nói thêm việc con mình sức khỏe yếu…

Lá đơn này chị chỉ đưa cho người đồng nghiệp thân làm cùng nhau chục năm nay đọc để góp ý giúp xem ổn không. Sau đó, chị được xem xét, thêm cơ hội ở lại làm việc.

Nhưng kỳ lạ là sau đó, rất nhiều đồng nghiệp trong công ty hay hỏi thăm về việc bé nhà chị tự kỷ, thắc mắc có phải bé tự kỷ không… mà chị không hiểu vì sao.

Phải gần nửa năm sau, chị mới biết cô bạn thân cùng công ty đã rỉ tai nhiều người rằng “chị bịa ra việc con tự kỷ”, “lấy con ra mới được ở lại, mới chưa bị đuổi”… Thậm chí, người đồng nghiệp còn hùa với mọi người: “Sao lại nói con mình vậy nhỉ?”

Thông tin con nhỏ “sức khỏe yếu” đã được đồng nghiệp bóp sang thành vấn đề khác, biến chị thành một người mẹ khốn nạn, một người đồng nghiệp dối trá, bất chấp.

Chị Thủy chuyển việc vì không muốn tiếp tục làm chung với người đồng nghiệp đó. Hơn một năm sau, chị được biết người này bị sai thải vì chơi xấu một số người khác và các đồng nghiệp này đã không chọn cách im lặng như chị.

Gây “sóng gió” để khỏa lấp yếu kém, tự ti

Từng nghe, đọc về những “drama” chơi xấu đồng nghiệp ở công sở nhưng Đức Mạnh, làm việc ở một tập đoàn công nghệ, vẫn nghĩ đó chỉ là chuyện trên báo, trên phim. Cho đến một lần, chính anh bị đồng nghiệp cũng là anh em thân thiết “chơi” một cú trắng trợn…

Lần đó, Mạnh không biết lịch lãnh đạo tập đoàn có buổi đến trao đổi, gặp gỡ một số phòng ban. Hôm sau, anh và một số người bị khiển trách khá nặng nề vì không có mặt.

Khi Mạnh giải thích mình không nắm được thông tin thì anh cảm nhận nhiều người đang nhìn anh cười, như thể anh là kẻ nói dối.

Sau đó, Mạnh mới biết sự tình mình bị chơi xấu. Một đồng nghiệp là người anh cả rất thân thiết nói với các sếp ngay trong buổi gặp hôm đó là anh ta đã gọi điện báo cho Mạnh và một số người nữa nhưng những người này kêu “bận lắm”.

Mạnh nghe chỉ để biết thêm về một người anh, để nhắc mình có khi phải biết  giữ khoảng cách, đề phòng với người ngay bên cạnh mình.

Lý giải về những chuyện nói xấu, thị phi chốn công sở, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Tâm ở TPHCM nhận định, rất khó để hiểu hết về một con người. Một số người đi nói xấu, chơi xấu người khác cho thấy có thể chính họ đang tự ti với bản thân về tiền bạc, vị trí, hoàn cảnh hoặc học vấn…

Nói xấu, chơi xấu người khác thường đưa đến cho nhiều người cảm giác người khác cũng yếu kém, cảm giác mình có “quyền lực” trong tay. Chính họ cũng không nhận ra mình đang có vấn đề, mình đang xấu xí, mình đang độc hại.

Trong tình huống bị nói xấu, “chiêu trò” sau lưng, lời khuyên của chuyên gia là cân nhắc từng trường hợp để trao đổi được thẳng thắn với người “ném đá giấu tay” hoặc khi cần thiết thì đưa lên cấp trên…

Mỗi người sẽ có những cách ứng xử khác nhau tùy hoàn cảnh, tình huống. Có người chấp nhận “drama” như một phần của công việc nhưng có người sẵn sàng ra đi tìm môi trường, đồng nghiệp tích cực hơn.

Ngoài ra, theo bà Tâm, bất cứ ở môi trường nào, đặc biệt môi trường công sở, mỗi ngày đụng mặt nhau 8 tiếng, mỗi người cần học cách tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ, phong cách của người khác. Điều này giúp hạn chế việc mình trở thành thủ phạm của những drama công sở cũng như có cách ứng xử hợp lý khi mình là nạn nhân.

Nguồn: Theo dân trí


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn
Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Truyền thông Tầm Nhìn Cộng

Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà Ngôi Sao, phố Dương Đình Nghệ, ô D32, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.