Đơn độc khi làm việc tại nhà còn đồng nghiệp đến văn phòng
Nhiều nhân viên từ xa cảm thấy bản thân trở thành người ngoài cuộc khi không thể tham gia những hoạt động đang diễn ra tại công ty. Tuy nhiên, họ ít có khả năng khắc phục điều đó.
Ryan Ermey (sống tại Mỹ) bắt đầu làm việc tại CNBC vào tháng 9/2020. Giống như những người khác trong nhóm, anh cũng làm việc từ xa.
Ermey tương tác với các đồng nghiệp của mình qua Slack và Zoom, công việc được xử lý một cách nhịp nhàng.
Tuy nhiên, đến đầu năm nay, khi tình hình dịch bệnh dần ổn hơn, mô hình văn phòng vật lý dần thay đổi để thích nghi với những xu hướng thịnh hành. Ermey cũng chuyển sang một vị trí khác, có người quản lý và những đồng đội mới.
Đối với nhân viên, NBCUniversal yêu cầu tất cả quay trở lại công ty 3 ngày/tuần. Nhóm của anh cũng nằm trong số những người phải thực hiện quy định này.
Thế nhưng, Ermey sống ở Washington, DC, cách nơi chỗ làm, nằm tại khu trung tâm Manhattan (New York), khoảng 370 km.
Vì vấn đề di chuyển đi lại khó khăn, bộ phận nhân sự cho phép anh tiếp tục “work from home” mặc dù các đồng nghiệp đã trở lại làm việc trực tiếp.
Khi văn phòng trở nên đông đúc, sôi động như xưa, Ermey thấy mình giống như một người ngoài cuộc. Mọi người trò chuyện về các hoạt động diễn ra ở “quả táo lớn”, còn anh thì luôn im lặng nghe tất cả bàn tán.
“Khi cả ban họp, chỉ có mình tôi xuất hiện trên màn hình TV khổng lồ”, anh than thở.
Ermey không phải là trường hợp duy nhất cảm thấy đơn độc khi đi làm.
Theo dữ liệu từ trang web Monster, hơn một nửa người lao động vẫn đang làm việc hoàn toàn từ xa và 54% trong số họ chưa bao giờ gặp mặt đồng nghiệp của mình.
“Nỗi sợ hãi được biểu hiện một cách rõ ràng. Thực tế, ai cũng muốn hòa nhập và được đối xử công bằng với những cộng sự khác. Sự lạc lõng trong công việc khiến tâm trí của nhân viên bị xao nhãng”, Stacie Haller, một chuyên gia nghề nghiệp tại Resume Builder, cho biết.
Nhiều người trong lĩnh vực nhân sự cho rằng nếu đang cảm thấy lo lắng việc bản thân trở nên mất kết nối với phòng ban, giải pháp hàng đầu là dành thời gian để gặp trực tiếp các thành viên khác và cấp trên.
Theo Vicki Salemi, làm việc tại Monster, nhân viên có thể đề xuất với sếp tổ chức một chuyến đi gắn kết mọi người với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên cùng các đồng nghiệp tận hưởng các cuộc vui ngoài công việc cũng mang lại hiệu quả không kém.
“Có thể hẹn ai đó trò chuyện, đi ăn uống, cà phê một ngày/tuần. Ngoài ra, bạn cũng nên kết nối với những người không trực tiếp làm việc cùng. Đây có thể là cách tốt để tìm bạn thân trong công sở. Điều quan trọng là phải có một người luôn thông báo cho bạn về những gì đang diễn ra ở công ty”, Salemi chia sẻ với CNBC.
Đối với quản lý, Salemi nghĩ rằng người lao động nên hỏi rõ con đường thăng tiến với tư cách là một nhân viên từ xa và nêu ra việc muốn được xem xét tăng lương, lên vị trí mới như những đồng nghiệp khác.
Theo khảo sát của nhà kinh tế học Nicholas Bloom của Đại học Stanford, gần 80% dân công sở nói rằng họ thích làm việc ở nhà ít nhất một ngày/tuần. Nhưng các nhà quản lý e ngại điều đó khiến họ không đo lường được năng suất của cấp dưới.
Một cuộc thăm dò của Microsoft trên 20.000 người từ 11 quốc gia cũng chỉ ra rằng trên thực tế, mọi người làm việc nhiều hơn khi kết nối từ xa nhưng các sếp vẫn hoài nghi về độ hiệu quả của nhân viên.
Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hy vọng môi trường công sở có thể quay lại thời điểm trước 2019: tất cả nhân viên đến giờ lên công ty và vào làm việc.
Tuy nhiên, điều này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi vai trò của văn phòng vật lý đã không còn phù hợp 100% với những xu hướng trong tương lai.
Nguồn: Zingnews