Dân văn phòng khu Keangnam đi bộ gần 2km buổi trưa để tiết kiệm tiền ship

Có những “nỗi khổ” chỉ dân văn phòng Keangnam mới thấu!

LÀM Ở KEANGNAM CŨNG LO CHUYỆN ĂN UỐNG

Dân văn phòng khu Keangnam đi bộ gần 2km buổi trưa để tiết kiệm tiền ship - Ảnh 1

Thực tế giống như câu “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Và làm ở đâu thì cũng có những vấn đề của riêng nơi ấy. Ví dụ, nơi thì đi lại khó khăn nhưng bù lại, hàng quán bình dân nằm “bao vây” chỉ cần nhích vài bước chân là tới. Còn như dân văn phòng ở Keangnam thì… vấn đề hoàn toàn trái ngược

Dành cho những ai chưa biết, Keangnam Hanoi Landmark Tower là khu phức hợp sầm uất bậc nhất thủ đô với 2 mặt tiền quay ra đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ. Trong 3 tòa cao ốc thì 2 tháp cao 50 tầng là khách sạn và căn hộ chung cư. Còn tháp Keangnam Landmark cao 72 tầng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nổi tiếng như KPMG, pwc, FPT FIS, LG, Nissan, Shinhan Bank…

Vị trí của tòa Keangnam hơi đặc biệt vì nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch, xung quanh nếu không là tòa nhà thì toàn bãi đất bỏ trống. Lần đầu tới, nghe chúng tôi đặt vấn đề, chị Nguyễn Phương Thảo – lễ tân đã nói: “Nhà hàng ở đây chỉ chuyên phục vụ các bữa tiệc do sếp lớn đặt để đãi khách. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một quán gà rán hay cà phê, trà bánh view đẹp, nhưng còn những món ăn hằng ngày thì… hơi khó.”

Điều đó cũng có nghĩa, nếu bạn chỉ là một nhân viên bình thường, hoặc lương tính bằng nghìn đô đi chăng nữa mà không muốn ngày nào cũng phải chi vài trăm đến tiền triệu cho bữa trưa tại một trong các nhà hàng trên thì chắc chắn, đó vẫn là vấn đề cực kỳ nan giải.

Vậy tại sao không ship đồ ăn tới tận văn phòng? Quá nhiều dịch vụ đặt đồ ăn online cơ mà?

TIỀN SHIP ĐẮT BẰNG 2 SUẤT CƠM

Chúng tôi đã thử mở ứng dụng đặt đồ ăn lên tìm và thấy, trong vòng bán kính 2km chỉ có duy nhất một quán cơm văn phòng, hai nơi bán bún bò và một vài quán đồ ăn vặt như trà sữa, bánh tráng trộn. Còn một số địa chỉ khác, cơm chỉ được bán kèm cùng với những món chính như gà hay sushi.

Thêm nữa, trung bình một phần ăn cũng được bán với giá từ 45.000 đồng – 50.000 đồng. Tiền ship giờ bình thường có thể dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng. Nhưng vào giờ cao điểm ban trưa sẽ cần trả thêm phí dịch vụ khoảng 10.000 đồng – 15.000 đồng nữa. Cộng dồn vào thì phí vận chuyển phải lên tới 25.000 – 35.000 đồng, xấp xỉ gần 1 suất ăn.

Đó là vấn đề giá cả, còn chưa bàn chất lượng suất ăn. Lướt qua phần bình luận trên app đặt đồ, chúng tôi đã bắt gặp không ít lời than vãn của khách hàng chuyện phần ăn không đầy đặn. Với sức ăn của hội chị em thì tạm ổn, còn với các anh thì được khuyên phải “gấp đôi canxi” mới đủ no.

Đọc đến đây, thể nào hội văn phòng phía Hồ Tùng Mậu hay Trần Quốc Hoàn cũng tính gợi ý cho dân tình bên này mấy quán rẻ mà ngon cho coi. Nhưng đó là khi họ được freeship vì khoảng cách ngắn hơn 2km.

Chúng tôi đã thử chọn quán cơm nằm ở cuối đoạn Hồ Tùng Mậu – Mai Dịch mà dân Keangnam ca ngợi. Một suất cơm thịt kho tàu có giá 32.000 đồng. Giờ bình thường, phí ship và dịch vụ cho 3,9km vào khoảng 31.000 đồng. Còn cứ 11 rưỡi hay 12 giờ trưa cần đặt thì tổng số tiền cho phí vận chuyển, ít nhất cũng phải 60.000 đồng. Chẳng thế mà khi hỏi nhanh một bạn trai xuống nhận đồ, tôi nhận được câu trả lời: “Phí vận chuyển từ cửa hàng ra đây hơn cả 2 suất cơm. Có vài hôm thèm quá mình vẫn phải mua, nhưng xót lắm. Ngày nào cũng mong có nhiều đồng nghiệp đặt cùng để chia cho đỡ”.

Chung quy lại, đồ ăn ở quanh quanh khu này đã ít lựa chọn, lại còn chưa đáp ứng được nhu cầu của dân văn phòng. Nhưng nếu đặt quán ngon, rẻ mà ở quá xa thì tiền phí vận chuyển bù vào cũng cao ngang ngửa.

Quả thật, trong những buổi trưa có mặt ở trước sảnh Keangnam, chúng tôi cũng thấy các tài xế công nghệ xuất hiện. Tuy nhiên, lượng người đặt ship đồ ăn trưa không quá nhiều, thường chỉ lác đác 1 suất, hoặc 3-5 suất 1 đợt giao hàng.

Mang cơm nhà tới công sở

“Ngày đầu tiên đến nhận việc, mình đã đi khắp tòa nhà 72 tầng, tốn hơn 1 tiếng đồng hồ mà không tìm được quán nào bán cơm thường. Cuối cùng, mình đành phải vào ăn cơm gà trộn kim chi. Kể từ đó, vợ mình đều chuẩn bị cơm ở nhà cho mang đi. Đến giờ trưa chỉ cần cắm nóng lại rồi ra khu sinh hoạt chung ăn nhanh còn đi nghỉ.”, gia nhập LG đã 2 năm nhưng số lần N.T.Đ phải mua đồ ăn trưa chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Gần một năm thực tập ở KPMG nhưng chỉ vào những dịp đặc biệt, Phương Anh mới được thưởng thức đồ ăn ngoài, hoặc là đồ bán ở căng tin công ty: “Các chị làm cùng em ở đây lý giải, vì chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho nhân công cao nên dù có là nhà ăn của công ty thì giá thành vẫn cao gấp 4 lần đồ ăn ở ngoài, đắt gần bằng 1 ngày công. Thế nên nếu không được mời, hoặc phải gặp gỡ đối tác thì hầu hết mọi người đều nấu cơm rồi mang tới căng tin ngồi ăn thôi. À, có quầy đồ uống thì chúng em được công ty chi trả.”

Nhưng một phần lớn “cư dân” làm việc ở Keangnam đều có chung hoàn cảnh vào mỗi ngày đi làm, đó là…

CHẤP NHẬN “HÀNH QUÂN” GẦN 2KM GIỮA TRƯA ĐỂ TÌM QUÁN BÌNH DÂN

Cứ khoảng gần 12 giờ trưa là đoạn đường từ sảnh tòa nhà ra tới đường Phạm Hùng lại nhộn nhịp hơn cả. Đó là bởi sự xuất hiện của các “đội quân” nhân viên văn phòng. Từ sảnh chính tòa nhà Keangnam, người thì đội mũ, người cầm ô, cũng có người “đội cả trời nắng”, cùng nhau băng băng đi sang bên đường, hướng về khu nhà đối diện.

Tất cả cùng rẽ vào một con ngõ, vượt qua những quán ăn bên cạnh công trường. Và có theo chân các “thổ địa văn phòng” ở đây chúng tôi mới biết, hóa ra, nằm sâu bên trong khu đô thị Mễ Trì Hạ lại có một “khu ẩm thực mini”.

Vừa trò chuyện, vừa cùng các đồng nghiệp di chuyển tới quán cơm quen thuộc, hôm nay anh Nguyễn Xuân Thái gọi cơm rang thịt quay. Chị nhân viên nhanh nhẹn xếp chỗ cho khách rồi chạy vào bên trong báo cho quầy chế biến.

“Ngay ở khu trung tâm thương mại của tòa nhà cũng có quán ăn Hàn Quốc, nhưng tôi quen ăn cơm, phở truyền thống hơn. Chưa kể, bỏ ra hơn 300 ngàn cho 1 bữa trưa với cơm và đồ uống, lương của tôi còn phải tiết kiệm tiền để nuôi vợ con nữa chứ. Thả tôi đi bộ một chút, ăn đĩa cơm rang 40.000 đồng, yên tâm làm việc tới tối.”, anh Thái chia sẻ.

Thanh Bình, nhân viên IT: “Một ngày đã có hơn 8 tiếng ngồi phòng điều hòa ôm máy tính nên giữa giờ nghỉ như này tôi muốn đi bộ ra ngoài cho có không khí thiên nhiên một chút, tốn chừng 15 phút thôi mà. Ngồi dưới tán cây to nên cũng chẳng sợ nắng nôi.”.

Bên trong khu vực bếp có chừng 5 nhân viên, người thái thịt, người đảo cơm, người múc canh… Rất nhanh, các phần ăn được mang tới bàn cho mọi người. Còn phần nước chấm và nước uống đã được để sẵn, các thực khách tự do lấy theo nhu cầu.

Càng về trưa, lượng người ra vào quán càng đông, thế nhưng nhờ cách sắp xếp khoa học, cộng thêm mọi người xếp hàng ngay ngắn chờ tới lượt nên gần như không xảy ra tình trạng ùn tắc. Anh Đình Nam – nhân viên ngân hàng cho biết: “Đầu tháng nhận lương, team tôi sẽ rủ nhau đi ăn lẩu ở ngay trong tòa nhà, còn đâu những ngày khác chúng tôi đều có mặt ở đây. Quán vừa có cơm, vừa có phở mà món đắt nhất cũng chỉ 50.000 đồng.”

Đông đúc chẳng kém, nhìn sang kế bên, chúng tôi thấy chị bán nem nướng luôn tay xếp topping lên đĩa. Là “khách ruột” của quán, Minh Thuận cùng 2 người đồng nghiệp tự xếp bàn ghế, múc nước chấm trong lúc đợi đồ ăn chính ra: “Bữa trưa tôi rất ít khi ăn tinh bột, chỉ muốn một thứ gì mát mát, nhẹ bụng. Từ ngày hàng nem nướng mở tôi rất mừng”.

“Cứ bữa nào phân vân không biết ăn gì, tôi lại đi một mạch vào đây và gọi 1 suất đầy đủ có giá 35 nghìn. Đáng khen là ở đây có thể xin nước chấm và rau sống không giới hạn. Một tuần đi làm 6 ngày thì có đợt cả 6 ngày tôi có mặt ở đây vào tầm trưa.”, Thuận chia sẻ.

“Trong một lần đi ship nem cho khách trong Keangnam, chứng kiến mọi người đổ sang đường rất đông, chị đã đi theo và thấy ở đây mới chỉ có quán cơm, phở và bánh mì. Về nhà chị bàn bạc với ông xã rồi quyết định dọn hàng ra đây. Chị thường mở hàng từ lúc 10h30 và đến khoảng 13h30 là dọn, theo giờ của dân văn phòng thôi. Nhưng trộm vía, ngày vắng nhất chị cũng bán được tầm hơn 100 suất, còn đông thì gấp 2, gấp 3.”, chị D. – chủ quán tiết lộ.

“Ăn xong, thường thì hội chị em sẽ về nghỉ trưa trước, còn cánh đàn ông chúng tôi cứ thong thả làm cốc trà đá cho tỉnh táo là có thể bắt đầu công việc buổi chiều được rồi!”, anh Hoàng Đức

Có như vậy mới thấy được, hóa ra, làm việc ở đâu cũng có những nỗi khổ mà chỉ “người trong cuộc” mới hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải khâm phục cách ứng phó, thích nghi với hoàn cảnh của “đoàn quân” Keangnam nói riêng và dân văn phòng nói chung.

Nguồn: Thep Phụ nữ Việt Nam


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn

Tìm việc ngay

Tin mới nhất

Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Eyeplus Online

Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà Ngôi Sao, phố Dương Đình Nghệ, ô D32, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.