Cô gái tìm thấy “bí kíp” làm giàu từ chiếc quần jean cũ của chồng
Tận dụng phần vải quần jean cũ của chồng, Hồng Thắm may thành chiếc túi bao tử, bán với giá 400 nghìn đồng. Sau hơn 1 năm, Thắm trở thành chủ xưởng may túi tái chế, sản xuất gần 70 chiếc mỗi tháng.
Nguyễn Thị Hồng Thắm, 30 tuổi ở quận Tân Bình, TPHCM trước đây là một kế toán. Hai năm trước, chị quyết định bỏ việc, khởi nghiệp với công việc làm túi handmade. Ban đầu, chị Thắm thử nghiệm làm trên vật liệu gấm những không thành công. “Thấy chiếc quần jean cũ của chồng không dùng đến nhưng vải còn tốt, tôi cắt ra may thành chiếc túi bao tử rồi đăng lên mạng xã hội. Không ngờ sản phẩm tái chế được nhiều người hỏi mua. Tôi đã bán được chiếc túi với giá 400 nghìn đồng”, chị Thắm cho biết lý do phát triển công việc may túi bằng quần, áo jean cũ.
Trang phục jean là thứ mọi người, mọi nhà đều có nên chị Thắm dễ dàng tìm được vật liệu. Để may túi tái chế, chị thu gom quần áo jean cũ, giặt sạch, phân loại theo màu. Bước tiếp theo là rã các bộ phận của quần áo ra, lựa phần vải phù hợp, sau đó dựng dáng túi và may hoàn thiện.
Trước khi làm công việc này, chị Thắm không biết may vá cũng chưa từng kinh doanh. Tất cả những kỹ thuật sử dụng máy may, cắt rập, thiết kế đều do chị tự học trên mạng. “Tôi trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm nhờ vừa học vừa làm mỗi ngày, đồng thời nhận được nhiều sự góp ý của khách hàng để thay đổi, làm cho sản phẩm đẹp hơn”, chị Thắm nói.
Với tiêu chí tái chế vải jean cũ nhiều nhất có thể, chị Thắm không dùng thêm loại vải khác. Chỉ dùng thêm phụ liệu như dây kéo, móc khóa… để đáp ứng công năng của 1 chiếc túi.
Những phần mác trên áo quần chị cũng tận dụng đắp vào sản phẩm để trang trí. “Với một chiếc quần jean cũ, tôi sử dụng gần như toàn bộ để làm sản phẩm mới”, chị Thắm chia sẻ.
Chiếc túi bao tử được may từ nhiều mảnh vải nhỏ chắp ghép lại. Những sản phẩm như thế này đòi hỏi người thợ đầu tư thời gian và có mắt thẩm mỹ cao. Trung bình mỗi ngày chị Thắm làm được 1 chiếc túi.
Đây là chiếc balo có kích thước lớn nhất chị Thắm từng làm, giá bán hơn 1 triệu đồng. Khách đặt hàng ngoài việc mua sản phẩm làm sẵn cũng có thể đem quần jean cũ đến để chị Thắm may túi. Khi đó giá sản phẩm sẽ được giảm.
Tuy là túi tái chế từ quần áo cũ nhưng chị Thắm luôn đổi mới, sáng tạo nhiều mẫu mã, hợp thời trang, đáp ứng thị hiếu khách hàng.
Đây là những chiếc túi được chị Thắm làm từ vải được cắt ra từ chiếc váy cũ của mình. Hình ảnh những chiếc túi tái chế khi đưa lên mạng xã hội đã nhận được hàng nghìn lượt thích.
Hiện tại, chị Thắm thuê căn phòng nhỏ gần nhà làm xưởng, tuyển thêm 1 người phụ việc. Mỗi tháng cho ra khoảng 60 – 70 chiếc túi. Giá từ 300 – 700 nghìn đồng.
Mới đây, chị Thắm còn mở một workshop cho những người yêu thích tái chế đồ jean với chủ đề làm túi điện thoại. “Vừa làm theo đam mê, vừa kiếm tiền được và có chút ảnh hưởng tới cộng đồng, mình cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Cảm ơn những khách hàng đầu tiên đã ủng hộ mình, dù sản phẩm lúc bấy giờ chưa hoàn hảo. Nhờ sự góp ý của khách mình mới trưởng thành, tự tin vào tay nghề hơn”, chị Thắm bày tỏ.
Nguồn: Dân trí