Các thương hiệu xa xỉ phẩm vẫn “hốt bạc” bất chấp rủi ro suy thoái
Tại những cửa hàng xa xỉ phẩm, doanh số vẫn tiếp tục tăng cao mặc dù ở những nơi này, giá một đôi giày thể thao có thể lên tới 1.200 USD, một chiếc ôtô thể thao có thể có giá trị 300.000 USD.
Giá thực phẩm, xăng và chi phí đi lại đã tăng vọt trong năm qua, nhưng những người giàu có dường như vẫn chưa cảm nhận được điều này.
Tại những cửa hàng xa xỉ phẩm, doanh số vẫn tiếp tục tăng cao mặc dù ở những nơi này, giá một đôi giày thể thao có thể lên tới 1.200 USD, một chiếc ôtô thể thao có thể có giá trị 300.000 USD.
“Bộ đệm” của sự giàu có
Các công ty phục vụ giới siêu giàu, bao gồm Ferrari và những tập đoàn mẹ của Dior, Louis Vuitton và Versace, đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng cao hoặc lần lượt nâng dự báo lợi nhuận của họ. Nhận định khả quan này vẫn được đưa ra bất chấp những lo ngại về suy thoái vẫn bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu.
Ở một bối cảnh khác, Walmart, Best Buy, Gap và một số tập đoàn khác đã hạ triển vọng tài chính của họ, do lo ngại về xu hướng suy giảm chi tiêu của những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát.
Các chuyên gia cho biết trong quá khứ khi một cuộc suy thoái kinh tế xảy ra, hàng xa xỉ luôn là phân khúc ghi nhận sự bùng nổ, bởi người giàu thường là người cuối cùng cảm nhận được những ảnh hưởng của suy thoái, nhờ vào “bộ đệm” mà sự giàu có tột độ mang lại cho họ.
Trong số những người này, việc tiếp tục mua sắm đồ đắt tiền trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn cũng là một cách để thể hiện địa vị của họ.
Milton Pedraza, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Luxury Institute, một công ty nghiên cứu thị trường và quản lý kinh doanh, cho biết: “Biểu tượng quyền lực là yếu tố quan trọng đối với những người cực kỳ giàu có.”
Ví dụ, Louis Vuitton (LV) bán một đôi giày thể thao với giá 1.230 USD và một chiếc túi có giá 2.370 USD. Công ty mẹ của LV là LVMH, tập đoàn cũng sở hữu các thương hiệu cao cấp như Christian Dior, Fendi và Givenchy, đã báo cáo doanh thu trong nửa đầu năm 2022 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước lên 36,7 tỷ euro (37,8 tỷ USD).
Tại Versace, nơi giá một đôi giày hoặc áo sơ mi có cổ có thể dễ dàng lên tới 1.000 USD, doanh thu hàng quý đã tăng gần 30% so với một năm trước đó, lên 275 triệu USD, nếu không tính đến các biến động tiền tệ. Tương tự công ty mẹ Capri Holdings, công ty cũng sở hữu các nhãn hiệu Michael Kors và Jimmy Choo, cho biết doanh thu tổng thể của họ đã tăng 15% lên 1,36 tỷ USD trong giai đoạn này.
Bất chấp những bất ổn kinh tế vĩ mô, Giám đốc điều hành John Idol của Capri Holdings cho biết công ty vẫn tự tin vào các mục tiêu dài hạn của mình vì “khả năng phục hồi đã được chứng minh đối với ngành công nghiệp xa xỉ.”
Ông nói: “Không ai trong chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra trong nửa cuối năm với người tiêu dùng, nhưng có vẻ như ngành công nghiệp xa xỉ đang phát triển khá mạnh mẽ và khá lành mạnh.”
Đầu tháng này, nhà sản xuất siêu xe của Italy (Ferrari cũng đã nâng kỳ vọng lợi nhuận cho năm sau, sau khi ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 1,29 tỷ euro (1,33 tỷ USD) trong quý 2/2022.
Theo công ty cung cấp các dịch vụ về ôtô Car and Driver, phiên bản xe lai sạc điện của chiếc Ferrari 296 GTB 2022 có giá khởi điểm 322.000 USD/chiếc, trong khi Ferrari 812 GTS 2022 có giá khoảng 600.000 USD/chiếc. Ngay cả những chiếc Ferrari đã qua sử dụng cũng được bán với giá hàng trăm nghìn USD.
Bên ngoài thế giới xa xỉ phẩm, một số công ty cũng đang hướng tới việc đưa ra các tùy chọn đắt tiền hơn khi cung cấp dịch vụ của họ. Ví dụ, hãng hàng không Delta Air Lines đã ghi nhận sự phục hồi doanh thu mạnh mẽ hơn trong các mảng dịch vụ như hạng thương gia và hạng phổ thông cao cấp, so với các loại vé khách khác của hãng.
Chênh lệch giàu nghèo tăng cao
Amrita Banta, Giám đốc điều hành của Agility Research & Strategy, công ty chuyên phân tích về những người tiêu dùng giàu có, cho biết, mặc dù ngành công nghiệp xa xỉ luôn có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhưng đại dịch lại đang làm nới rộng sự chênh lệch giàu nghèo.
Bà Banta nói: “Thu nhập khả dụng của hầu hết người tiêu dùng giàu có và giá trị tài sản ròng của họ tăng cao vì chi tiêu cho việc đi lại sụt giảm.”
Bên cạnh đó, thế giới đã ghi nhận một sự thay đổi văn hóa lớn kể từ cuộc suy thoái năm 2008. Người tiêu dùng có tài sản ngày nay cảm thấy ít có lỗi hơn khi chi tiêu chậm lại và cho rằng họ có quyền chi tiêu của cải của mình.
Theo Giám đốc đốc điều hành của Agility Research & Strategy, điều này xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi sự giàu có ngày càng tăng.
Các công ty xa xỉ phẩm có thể nhận thấy sự sụt giảm chi tiêu đối với 80% số khách hàng của họ, những người được xếp loại “gần như giàu có,” Giám đốc điều hành Pedraza thuộc Luxury Institute cho biết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những người tiêu dùng này thường chỉ chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng.
Thay vào đó, các thương hiệu xa xỉ phẩm thường chỉ dựa vào 20% khách hàng của họ – những “thượng đế” rất giàu và siêu giàu – để thúc đẩy phần lớn doanh số bán hàng.
Ông nói: “Tính chất khách hàng và giá trị hàng bán đã giúp các thương hiệu cao cấp trở nên siêu kiên cường trước khó khăn. Họ sẽ không ‘miễn dịch,’ nhưng họ siêu kiên cường”./.
Nguồn: Theo TTXVN