Bị “ma cũ” bắt nạt và các cách tiếp chiêu của “ma mới” chốn công sở
“Ma cũ bắt nạt ma mới” là một thành ngữ chỉ việc nhân viên mới vào làm bị các nhân viên cũ bắt nạt bằng lời nói hay các hành vi bài xích. Đây là một vấn nạn đáng lên án tại nơi công sở.
Trải nghiệm bị bắt nạt
Bạn Tuấn Anh (sinh viên Đại học Greenwich Việt Nam) đã từng làm việc bán thời gian tại một cửa hàng bán giày nổi tiếng chia sẻ: “Mình vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy.
Khi mới nhận việc làm, mình không được anh chủ cửa hàng hay các bạn nhân viên cũ hướng dẫn gì cả. Mình chỉ được đưa cho một tờ giá niêm yết của sản phẩm, rồi phải tự dùng kỹ năng để tư vấn cho khách.
Sau khi làm việc đến ngày thứ ba, đang trong ca tối thì anh chủ giao việc kiểm kho và viết sổ sách cho mình làm rồi cùng các bạn nhân viên cũ đi ra ngoài. Trong khi đó 9h tối là giờ tan ca của mình nhưng mình gọi điện cho chủ liên tục thì anh không nghe máy”.
Cuối cùng, Tuấn Anh đã phải ở lại cửa hàng cho đến tận gần 12h đêm thì mới thấy anh chủ và các bạn nhân viên cũ cùng đi về cửa hàng. Đến khi biết rằng mọi người đi nhậu và bắt bạn ở lại một mình quá giờ làm việc, Tuấn Anh mới biết rằng mình bị “bắt nạt”.
“Mình biết sự việc không phải là vô tình, mà là mọi người có chủ ý. Vì mọi người khi thấy mình vẫn phải trực tại cửa hàng đã rất vui vẻ đùa cợt, thậm chí chế giễu mình. Đó là những ngày tháng mà mình không bao giờ quên”.
Năm 22 tuổi, lần đầu tiên Kim Duyên trải qua cảm giác bị “bắt nạt” tại nơi làm việc. Là một nhân viên văn phòng năng động và cởi mở, cô đã rất sốc khi bị tẩy chay.
Cô tâm sự: “Mình đã bị dọa nạt từ ngày đầu tiên đi làm. Trong buổi phỏng vấn, các anh chị đã bảo mình rằng công ty không có bếp nấu ăn cho nhân viên nên vào buổi trưa thì mọi người đều ăn tự túc hết.
Chính vì thế, vào ngày đầu tiên đi làm, mình đã tự chuẩn bị cơm trưa mang từ nhà đi. Một phần vì mình đang trong chế độ ăn kiêng, phần khác là vì mình cũng chưa hiểu rõ được văn hóa ăn trưa của mọi người như thế nào.
Nhưng cũng vì lý do này mà mình bị mọi người “cô lập”. Đến buổi trưa hôm đó thì mọi người cùng nhau gọi đồ ăn ngoài về ăn, mình đã tự chuẩn bị đồ nên vui vẻ mang đồ ăn ra ngồi cùng với mọi người mà không gọi đồ về”.
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng đã làm Kim Duyên bị mọi người mắng rằng nhân viên mới mà không hòa đồng với mọi người, hay thậm chí châm biếm cô là người keo kiệt, tiếc tiền.
“Ngày hôm sau mình đã không chuẩn bị cơm từ trước nữa, mà mình đợi để gọi đồ ăn về cùng với mọi người cho hòa nhập, cũng như tạo mối quan hệ tốt. Nhưng không ngờ chỉ vì sự việc hôm qua đã làm mọi người có ác cảm với mình, mỉa mai không cho mình gọi đồ cùng, thậm chí không cho mình ngồi ăn chung nữa”, Duyên kể.
Mỗi ngày đi làm đều là áp lực
“Ngày nào đi làm về mình cũng buồn và khóc rất nhiều”, Thùy Dương (nhân viên văn phòng) nói. “Mình biết ngoại hình của bản thân không quá xinh đẹp nên ngày nào đi làm cũng ăn mặc rất chỉn chu, tóc tai gọn gàng. Nhưng ngày nào cũng bị các chị đồng nghiệp xoi mói từng cái quần, cái áo.
Không những thế, các chị còn miệt thị ngoại hình mình, từ những câu nói xấu sau lưng cho đến những lần móc mỉa thẳng mặt. Bảo rằng mình xấu, nên mỗi ngày đều phải chỉn chu để kéo vớt lại”.
Thùy Dương bộc bạch rằng khi bị miệt thị ngoài hình thì bạn vừa thấy thất vọng, vừa tự ái về bản thân mình. Vì là người rụt rè và nhút nhát, bạn không thể phản kháng lại gì ngoài việc về nhà, buồn và khóc một mình.
Cô bạn chia sẻ rằng đã có những lần không thể kìm nén được cảm xúc, phải vào nhà vệ sinh lau vội những giọt nước mắt đi.
“Con giun xéo lắm cũng quằn”
Sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn và Kim Duyên không phải ngoại lệ. Sau nhiều ngày liên tục bị tẩy chay, cô bạn đã quyết định giải tỏa nỗi bức xúc của mình lên Facebook.
“Mình có tham gia vào một group Facebook để chia sẻ về những câu chuyện hài hước của anh chị em dân văn phòng, và mình không thể chịu đựng được nữa nên đã chia sẻ trải nghiệm bị tẩy chay của mình tại công ty.
Các anh chị và các bạn tham gia group sau khi đọc được đều an ủi và động viên mình rằng mình không nên làm việc trong một môi trường độc hại như vậy”.
Cô bạn hài hước kể rằng mới đầu còn cảm thấy rất buồn vì mọi người khuyên nghỉ việc nhiều quá, nhưng nghĩ lại về những ngày tháng bị tổn thương tinh thần triền miên, cô quyết định nghỉ luôn.
“Công ty đó có công việc rất tốt, và nếu là một người không để ý đến mọi thứ xung quanh thì mình vẫn muốn trụ lại công ty. Nhưng con người mà, ai cũng có cảm xúc hết.
Cảm xúc của mình được đẩy lên đến đỉnh điểm khi có một chị bình luận vào bài viết của mình và nói rằng con người là gốc rễ cho sự phát triển của mọi việc, nên dù công việc có tốt đến mấy mà con người không tốt cũng không nên phát triển bản thân trong môi trường đó.
Mình ngẫm lại thấy thật sự đúng và sâu sắc. Nên điều đó đã tiếp thêm động lực cho mình nghỉ. Hơn nữa, có nhiều em cũng xin tên công ty để tránh bị như mình, mình cũng nói ra luôn để cảnh báo!”, Duyên vừa cười vừa nói.
Đối với Tuấn Anh, vì là bạn nam nên cảm xúc và phản ứng của bạn cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Tuấn Anh nói: “Sau vụ việc lần trước, mình có bảo với anh chủ rằng ca làm của mình chỉ đến 9h tối, mình sẽ không làm quá giờ nếu không được trả thêm.
Nhưng anh ý vẫn mặc kệ, vì anh ấy nghĩ rằng cứ đi thôi, nếu anh chưa về đóng cửa hàng thì mình cũng chưa dám về. Không những thế, mình còn liên tục bị giao những công việc không thuộc phận sự của mình.
Đến một tuần sau, khi anh ý lại bỏ cửa hàng để đi ăn nhậu và bắt mình trông hàng đến đêm, mình tức quá, nên trả thù bằng cách đi về luôn. Đúng 9h tối mình mở toang hết cửa hàng rồi xách xe đi về”.
Khi Tuấn Anh về đến nhà thì bạn cũng nhận được hàng loạt cuộc gọi nhỡ từ chủ cửa hàng nhưng Tuấn Anh cười và kể rằng: “Mình về rồi chỉ nhắn đúng một câu: “Em xin nghỉ, em không cần lấy lương nữa”.
Anh thậm chí còn đe dọa sẽ cho người đến đánh mình vì dám mở toang cửa hàng rồi về, nhưng mình chỉ lặng lẽ xóa số, chặn số là xong. Lúc xin nghỉ xong thì trong lòng sảng khoái lắm vì tức tối nhiều ngày rồi nhưng vì là con trai nên mình cũng không nói nhiều”.
Ai cũng từ “ma mới” thành “ma cũ”
Thùy Dương và Kim Duyên chia sẻ, chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ tính cách hoặc là từ những nỗi bức xúc cũ.
“Ai rồi cũng phải từ nhân viên mới rồi mới thành nhân viên cũ được”, Kim Duyên nói. “Mình nghĩ nguyên nhân của việc “thích bắt nạt” đến từ nhiều khía cạnh.
Có thể trước đây mọi người đã từng bị “bắt nạt” giống như mình hiện tại, nên muốn người mới nào đến cũng phải trải qua cảm giác đó.
Nhưng thật sự mình nghĩ nếu họ đã từng trải qua thì họ càng phải đồng cảm sâu sắc và bảo vệ các bạn nhân viên mới hơn, để các bạn ấy không gặp trải nghiệm đáng tiếc như họ mới đúng. Ngược lại, nhiều người lại muốn nếu họ đã từng đau khổ thì ai cũng sẽ phải đau khổ”.
Kim Duyên nói rằng “ma cũ bắt nạt ma mới” thật sự là một vấn nạn đáng lên án, và mọi người cần nâng cao nhận thức về nó để không coi nó là điều hiển nhiên. Cô sẽ bảo vệ nạn nhân bất cứ khi nào có thể vì biết nó ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của họ.
Thùy Dương kể rằng những nhân viên cũ có ác cảm với cô chỉ vì họ thích phô trương quyền lực, thích thể hiện bản thân rằng có thể lấn át người khác, để cho thấy rằng mình là người quan trọng.
“Mình đã là người mới ở vài nơi và cũng là người cũ ở vài nơi. Môi trường là những người vui vẻ, giúp đỡ nhau thì hiệu suất công việc sẽ tốt. Không những thế họ còn có thể mở rộng mối quan hệ từ đồng nghiệp thành những người bạn thân thiết trong cuộc sống hàng ngày.
Còn môi trường mà mọi người đến chỉ để soi xét, móc mỉa nhau thì thôi không nên làm, vì nó sẽ chẳng giúp cho ai tốt lên cả.
Mình cũng buồn tủi và khóc nhiều lắm khi các anh chị khác thấy sự việc nhưng cũng ngó lơ như một lẽ hiển nhiên. Mình muốn ngày nào đi làm cũng sẽ tràn đầy hứng khởi, nhưng ngày nào cũng chỉ nhận lại sự áp lực, bản thân mình không chịu được.
Cuộc sống sẽ thật vô nghĩa nếu mỗi ngày trải qua bạn không thể nở dù chỉ một nụ cười”.
Nguồn: Theo dantri