Sếp lương 40 triệu vẫn mang cơm nhà, uống trà đá vỉa hè, nhân viên lương 12 triệu trưa Haidilao, cà phê Starbucks
Người lương 30 triệu sống có phần thực dụng, biết lên kế hoạch trong khi anh chàng lương 9 triệu ‘nuông chiều cảm xúc’.
Dạo gần đây, trên MXH thường xuất hiện những bức ảnh so sánh mức chi tiêu của sếp và nhân viên trong việc chi tiêu ăn uống. Sếp thì sáng ăn đơn giản uống cà phê vỉa hè, trưa mang cơm nhà, chiều tối ăn cơm nhà, còn nhân viên thì sáng ăn phở, uống trà, trưa thì đặt cơm ngoài hoặc đi ăn lẩu, chiều trà sữa, tối lại ăn ngoài.
Không chỉ những vậy sếp và nhân viên khác nhau hoàn toàn về lối sống, chi tiêu về những hoạt động đời sống.
Sếp và nhân viên tiêu tiền như thế nào?
Mỗi người sẽ có một lối sống một cách chi tiêu hoàn toàn khác nhau. Anh Hiếu (33 tuổi, Leader của một nhóm nhân viên 3-4 người) cho biết: “Tổng thu nhập mỗi tháng trung bình khoảng 30 – 40 triệu đồng, thi thoảng có job ngoài thì thu nhập sẽ lên một chút. Khi nhận lương, mình sẽ bắt đầu chia nhỏ số tiền ra với mục đích khác nhau nhưng chắc chắn sẽ có những khoản như: cá nhân, gia đình, tiết kiệm cho tương lai, đầu tư sinh lời…”
Về quan điểm mua sắm, anh cũng chia sẻ: “Thường thì mình sẽ ăn mặc đơn giản, không quá cầu kỳ quần áo khá basic nhẹ nhàng. Việc sắm quần áo cũng không thường xuyên, 1-2 tháng may ra mới đi mua một lần nhưng bù lại thì quần áo đều thuộc những local brand. Về điện thoại thì mình không chạy theo công nghệ, hồi trước mình vẫn dùng iphone 7 đến thời điểm gần đây mới đổi sang iphone 13”.
Khác hoàn toàn, bạn Thành (24 tuổi) có khoản thu nhập bằng một nửa thu nhập của anh Hiếu chia sẻ: “Mình hầu như không để ra được đồng nào trong thu nhập. Lại còn đam mê thêm đồ công nghệ nữa nên việc nuông chiều sở thích này của bản thân rất tốn tiền, thậm chí mình còn phải đi vay hoặc trả góp để có thể sở hữu chúng. Mình cũng sẵn sàng ra nhập các cuộc vui ăn uống cùng đồng nghiệp và bạn bè. Hầu hết các bữa ăn mình là ăn ngoài do sống xa gia đình và ở một mình nên cũng không thích nấu nướng”.
Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy thuộc vào độ tuổi của mỗi người và hoàn cảnh. Như anh Hiếu khi có gia đình mối bận tâm nhiều hơn nên việc chi tiêu cũng sẽ khác hoàn toàn với bạn Thành hiện chưa có mối bận tâm nào.
Một bên sẵn sàng nuông chiều cảm giác của bản thân, một bên sẵn sàng trả giá cao cho những trải nghiệm độc đáo
Hầu như tất cả mọi người hiện nay đều rất chủ động trong việc kiếm tiền và hưởng thụ thành quả của bản thân đúng chuẩn với câu “làm hết mình nhưng tiêu xài cũng hết hồn”. Bạn Hương, lương 8 triệu cho biết: “Mình thấy mọi người trẻ bây giờ rất thoải mái trong việc tiêu xài, có nhu cầu mua gì thì sẽ mua liền cái nấy và đặc biệt chuộng việc mua online hơn. Bởi vậy, mà thói quen chốt đơn của mình như việc ăn cơm vậy. Nhưng không phải là bất chấp mà mua để vay tiền mà mua hay xin ba mẹ”.
Với nhiều người, việc chi tiêu phung phí họ sẽ biện minh bằng những lý do như “tuổi trẻ phải sống hết mình, sống một lần trong đời”, “không mua bây giờ sẽ không còn cơ hội nữa”… Những lời tự giải thích với bản thân cho những lần quá tay đó lâu dần trở thành một lối sống độc hại biến không ít người trở nên thiếu khôn ngoan khi chi tiêu và trở thành người chuộng vật chất.
Đồng ý với quan điểm với Hương, chị Vân Anh đi làm được 5 năm nhưng vẫn không có một khoản tiết kiệm, chia sẻ: “Mình đồng ý là hiện tại mình sẵn sàng chi tiền để nuông chiều bản thân. Đối với mình, du lịch, trải nghiệm, ăn chơi và các mối quan hệ mới là hạnh phúc. Nhưng không hẳn là ai cũng chi hết tiền lương của mình, mình cũng có vài người bạn tích góp dành dụm từng đồng để tiết kiệm cho tương lai của mình”.
Anh Minh (CEO một công ty IT ở Hà Nội) cho biết: “Mình cũng thấy các bạn trẻ gần đây chi tiền rất thoải mái. Mình có hỏi nhân viên mình thì 10 bạn thì có 5, 6 bạn nói rằng không có khoản tiết kiệm nào. Mình thấy khá sốc, đầu tháng nhận lương thấy các bạn nhận đồ liên tục. Nếu là mình khi mua một đồ gì đó sẽ cân nhắc mua một đồ gì đó có giá trị thì sẽ tính toán kĩ lưỡng, đặc biệt đồ dùng đó phải có những trải nghiệm độc đáo, mới lạ. Mình cũng sẵn sàng chi tiền cho các đồ công nghệ nhưng nó phải đem lại trải nghiệm cực kì tốt. Và đặc biệt là mục tiêu lớn nhất là để gia đình mình sống hạnh phúc và đủ đầy”.
Tùy vào mục đích của mỗi người nhưng có lẽ chúng ta nên thay đổi tư duy từ “tư duy thiếu thốn” sang “tư duy đầy đủ” và học cách quản lý ví của mình. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc khuyên các bạn nên sống một cuộc sống “ăn dè hà tiện”, “thắt lưng buộc bụng”.
Nguồn: theo tri thức trẻ