Sếp có bắt buộc phải giỏi hơn nhân viên

Từng ở cả 2 vị trí, Thu Trà cho rằng quản lý không bắt buộc phải giỏi toàn diện hơn nhân viên bởi các tiêu chuẩn cho từng cấp bậc sẽ không bao giờ giống nhau.

Sếp có bắt buộc phải giỏi hơn nhân viên - Ảnh 1

Khi còn làm việc cho công ty công nghệ nước ngoài, Trần Thị Thu Trà (29 tuổi), hiện là freelancer, từng quản lý team nhỏ và chịu trách nhiệm cho toàn bộ thị trường Việt Nam. Cô làm việc với những người là đồng nghiệp kiêm cấp dưới, bên trên là sếp trực tiếp và ban lãnh đạo.

Theo Trà, sếp không nhất thiết phải giỏi hơn nhân viên về mọi mặt. Cô lấy ví dụ đơn giản là nhân viên không cần tố chất lãnh đạo trong khi người quản lý bắt buộc có kỹ năng đó.

Cá nhân nào cũng có điểm mạnh và yếu nên việc sếp cùng nhân viên trao đổi thẳng thắn, hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp công ty phát triển nhanh hơn.

“Trước đây, công việc yêu cầu tôi có hiểu biết sâu sắc về hệ thống CRM, code, các cách tối ưu giúp khách hàng. Đôi khi, tôi rành về một vài chi tiết hơn sếp nhưng không đồng nghĩa tôi biết mọi thứ. Khi đó, sếp, trong trường hợp cũng không có câu trả lời chính xác cho vấn đề, sẽ là người điều hướng tôi tiếp cận tới đúng người hỗ trợ khác”, cô cho biết.

Ngoài ra, theo Trà, bất kỳ cá nhân nào, dù là nhân viên nghĩ mình giỏi hơn mà không tôn trọng người quản lý hoặc ngược lại, sếp cho rằng mình giỏi hơn cấp dưới nên có quyền “tỏ vẻ” đều là cách cư xử sai trong văn hóa công sở nói chung và cách đối nhân xử thế nói riêng.

Nhân viên vững chuyên môn hơn sếp

Nguyễn Mai Hương (29 tuổi), làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội, cho rằng sếp giỏi là biết cách dùng người, đặt cấp dưới vào đúng vị trí chứ không nhất thiết phải giỏi hơn nhân viên.

“Sếp sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, có tầm nhìn bao quát và không làm quá chi tiết. Vì vậy, việc nhân viên giỏi hơn sếp ở một hoặc vài kỹ năng chuyên môn không phải là bất thường. Nhưng nếu người quản lý hiểu rõ công việc của cấp dưới và biết họ đang làm gì sẽ làm cho mọi thứ vận hành dễ dàng hơn”, cô chia sẻ.

Khi đi ứng tuyển công việc, Hương xếp yếu tố “chọn sếp” vào vị trí ưu tiên thứ 2, sau cơ hội thăng tiến và cùng hạng với lương thưởng, chế độ đãi ngộ.

“Sếp là người có ảnh hưởng đến toàn bộ yếu tố còn lại. Những người quản lý tốt là tấm gương phản chiếu xuống nhân viên và thúc đẩy họ trở thành các nhà lãnh đạo”, cô giải thích.

Với Hương, sếp tốt là người có tâm với công việc và có tầm với nhân viên. Cái tầm của họ thể hiện ở việc nhìn thấy bức tranh toàn cảnh để kiểm soát và điều phối công việc.

“Có thể sếp không làm chi tiết nhưng có thể nhìn ra những mảnh ghép còn thiếu để công việc trôi chảy thuận lợi”, cô chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Quang, Founder của dịch vụ nhân sự trợ lý chuyên nghiệp tại TP.HCM, nhận định có 2 kiểu sếp: tự bỏ vốn ra kinh doanh hoặc được thuê để làm quản lý.

Ở kiểu sếp thứ nhất, họ đa phần kinh doanh từ ngành gắn bó lâu năm nên rành về chuyên môn. So về nghề với nhân viên, họ sẽ giỏi hơn nhưng đôi khi cũng chậm và không cập nhật kịp công nghệ mới so với các bạn trẻ.

“Một số chủ doanh nghiệp ham học hỏi, chịu khó học các khóa về quản lý hoặc làm sếp lâu năm trong doanh nghiệp nước ngoài thì khả năng quản lý không hề kém. Còn lại, sếp chỉ đơn giản là có nghề, có tiền mở công ty thì đôi khi khả năng quản lý cũng yếu hơn so với cấp nhân viên. Ngay cả khi rành nghề, họ cũng không thể nào thạo hết các nghiệp vụ trong công ty như kế toán, nhân sự, công nghệ, marketing, sales”, chị nói.

Với kiểu thứ hai, sếp cũng được coi là chức nghiệp/ngành nghề. Do đó, về mặt quản lý, họ có thể rất rành, thông thạo cách sử dụng nhân lực, xây dựng đội nhóm, ngoại giao tốt… nhưng về chuyên môn kỹ thuật sâu có thể không bằng nhân viên.

“Nói chung, con người vốn dĩ khó có thể vừa hoạt ngôn vừa cẩn thận, vừa làm sales giỏi vừa làm kế toán rành. Thông thường, sếp là người giỏi ở mảng nhất định, còn các mảng khác vẫn cần sự bổ sung của nhân viên”, chị nói.

Sếp cũng cần không ngừng học hỏi

Anh Nguyễn Vũ Quang Anh, CEO doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp ở Hà Nội, đồng tình với quan điểm sếp giỏi hơn nhân viên về mọi mặt không phải ý kiến hay.

Theo anh, mỗi bộ phận có chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, nhân sự bộ phận nào cần trở thành chuyên gia của bộ phận đó.

“Bản thân CEO trong doanh nghiệp cũng là chuyên gia trong lĩnh vực quản trị và chiến lược. Vì vậy, họ chỉ cần giỏi nhất trong lĩnh vực của mình là đủ để doanh nghiệp phát triển”, anh nói.

Anh Quang Anh cho rằng một trong những kỹ năng tối quan trọng của sếp trong doanh nghiệp là dùng người: đặt nhân tài vào đúng vị trí, vai trò và thúc đẩy họ phát huy tối đa năng lực nhằm đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Do vậy, theo anh, khi tuyển được nhân viên giỏi hơn mình, đối với nhà quản lý là điều đáng mừng vì chứng tỏ doanh nghiệp và sếp đáng để người tài đặt niềm tin và cống hiến. Hơn nữa, bản thân người lãnh đạo cũng cần được học hỏi.

Anh Quang Anh cho rằng lãnh đạo luôn cố gắng trở thành người giỏi toàn diện là mối nguy cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nhân sự làm việc thực tế thường vì 2 lý do: có thu nhập xứng đáng và cơ hội thể hiện năng lực, phát triển bản thân, thăng tiến, trưởng thành.

“Nếu sếp luôn muốn giỏi hơn nhân viên thì có thể sẽ kìm hãm sự phát triển và đất diễn cho người giỏi. Ngoài ra, làm sếp như vậy rất mệt bởi đơn giản không ai có thể giỏi toàn diện. Việc quan trọng nhất của người sếp là hãy tìm cách để ‘giỏi dụng nhân’ là đủ”, anh nói.

Thời điểm mới tốt nghiệp đại học và chưa có nhiều trải nghiệm, Thu Trà từng bị đóng khung trong nếp suy nghĩ “Đã là sếp, nhất định phải giỏi hơn nhân viên”.

Theo cô, văn hóa người Việt nhìn chung cũng tạo áp lực khiến người quản lý không thể sai hoặc kém cỏi trước mặt cấp dưới.

Tuy vậy, cô gái 29 tuổi nhận thấy tư tưởng này đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây.

Từ nhân viên trở thành team leader, Trà cũng gặp nhiều khó khăn trong cách quản lý và hòa đồng với cấp dưới. Sau đó, cô luôn cho rằng phẩm chất quan trọng của sếp là biết lắng nghe, chân thành và tôn trọng người khác, tiếp đó mới là năng lực chuyên môn.

“Cá nhân tôi sẽ hết lòng cống hiến nếu được sếp hỗ trợ và tạo điều kiện được sửa sai khi có lỗi lầm. Bởi không có ai hoàn hảo và sẽ không bao giờ mắc lỗi”, cô nói.

James R. Leichter – nhà tư vấn, diễn giả kiêm CEO công ty sản xuất phần mềm quản lý tại Mỹ – nhận định khi điều hành doanh nghiệp, khả năng lãnh đạo là điều quan trọng nhất. Đây là một số đặc điểm cần có ở người sếp giỏi:

– Khả năng dùng người là quan trọng nhất vì lãnh đạo không làm việc một mình mà phải thông qua nhân viên để có được kết quả.

– Kỹ năng giao tiếp tốt để lắng nghe nhân viên và hiểu đầy đủ những gì họ mong muốn.

– Cho thấy mục đích rõ ràng và lý do sứ mệnh của họ lại quan trọng đối với toàn bộ tổ chức.

– Động viên và truyền cảm hứng giúp tăng sự tin tưởng, tự tin ở nhân viên.

– Đưa ra các quyết định hiệu quả, dù nhỏ hay lớn.

– Tích cực nhưng cũng thực tế khi đưa ra mục tiêu phát triển.

– Tư duy chiến lược tốt.

– Phát hiện nhân tài và thuyết phục họ gia nhập tổ chức.

Nguồn: Theo Zingnews


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn

Tìm việc ngay

Tin mới nhất

Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Eyeplus Online

Địa chỉ: Số 81, ngõ 68, đường Cầu Giấy, Tổ 05, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.