Nguồn thu chính không phải từ bán đồ ăn nhanh, thực tế McDonald’s kiếm tiền nhờ buôn đất: Chiến lược tinh vi để dẫn đầu của ông tổ ngành bất động sản dòng tiền kép
Trong một buổi nói chuyện tại Đại học ở Hoa Kỳ, ông chủ McDonald’s từng khẳng định: ”Chúng tôi không kinh doanh burger, chúng tôi kinh doanh bất động sản”. Câu khẳng định này khiến nhiều người phải ngạc nhiên về sự thật của gã khổng lồ đồ ăn nhanh.
Khởi đầu khiêm tốn của gã khổng lồ đồ ăn nhanh
Trước khi có những cửa hàng đầu tiên, năm 1937, anh em nhà Richard bắt đầu bằng một quầy xúc xích nhỏ ở Pasedena. McDonald’s thu hút hàng ngàn khách hàng tại Mỹ bởi thời gian phục vụ chỉ mất vài phút – quá ngắn so với việc phải đợi hàng tiếng đồng hồ ở những nhà hàng.
Trước nguy cơ bị phá sản, khi đó Ray Kroc bất ngờ nhận được đơn đặt hàng với số lượng máy xay sinh tố nhiều hơn bất kì nhà hàng nào của anh em nhà Richard. Vì tò mò, Kroc ngay lập tức lái xe đến thăm nhà hàng này và chứng kiếm được tiềm năng của McDonald’s với quy trình kinh doanh nhanh chóng, gọn nhẹ.
Kroc đã đề nghị hợp tác, chịu trách nhiệm phát triển mô hình McDonald’s với anh em nhà Richard. Tại thời điểm này, Kroc chỉ là gã làm thuê cho những nhà sáng lập đích thực của McDonald’s.
Sau 6 năm làm việc với anh em nhà Richard, nhận thấy tham vọng của họ không đủ lớn, Kroc đã quyết định mua lại thương hiệu và trở thành chủ sở hữu của McDonald’s Corporation từ năm 1961 với mức giá 2,7 triệu USD.
Thời điểm đầu, anh em nhà Richard không muốn nhượng lại chuỗi kinh doanh của mình cho Kroc. Tuy vậy với tầm nhìn rộng, Kroc đã âm thầm đàm phán, vay mượn để mua lại các bất động sản mà chuỗi McDonald’s thuê.
Với vị thế của chủ đất, Kroc đã ép được anh em nhà Richard bán lại thương hiệu trước nguy cơ bị đuổi khỏi chi nhánh. Đây chính là khởi điểm cho mô hình kinh doanh bất động sản dòng tiền kép của thương hiệu đồ ăn nhanh ngày nay. Bản thân Ray Kroc cũng được coi là là ông tổ của ngành bất động sản dòng tiền kép.
‘Tôi không kinh doanh Hamburger. Tôi kinh doanh bất động sản”
Trong lần diễn thuyết tại một trường đại học ở Mỹ, nhà sáng lập của McDonald’s, Ray Kroc đã hỏi các sinh viên bên dưới: ”Đố các bạn, tôi kinh doanh các gì?”. Đa số các sinh viên đều cười vì nghĩ rằng Kroc đang nói đùa. Không có ai trả lời, ông lại tiếp tục hỏi: ”Theo các bạn thì tôi kinh doanh cái gì?”
Các sinh viên lại cười và cuối cùng một người la to: “Kroc, ai mà không biết ông kinh doanh Hamburger chứ”. Kroc tỏ vẻ khoái trí: “Tôi cũng nghĩ anh sẽ nói như vậy”. Ông ngừng một lúc và nói nhanh: “Này các bạn, tôi không kinh doanh Hamburger. Tôi kinh doanh bất động sản!”
Thực tế, thay vì kiếm tiền bằng cách nhường quyện và thu về những khoản tiền bản quyền khổng lồ. Ông chủ của tập đoàn McDonald’s tinh vi khi trở thành chủ sở hữu đối với những người được nhượng quyền của mình.
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành bất động sản, các cửa hàng của McDonald’s đều nằm ở những vị trí đắc địa như góc hai mặt tiền hay trên những con đường lớn sầm uất. Hãng không chỉ đơn thuần việc thuê một mặt bằng để kinh doanh mà họ sẽ đàm phán để thuê mua hoặc nhờ một đối tác tài chính đứng vào hỗ trợ để mua lại toàn bộ mặt bằng này.
Với uy tín của mình, McDonald’s dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng. Như vậy họ chỉ cần bỏ ra 1/3 số tiền để mua lại bất động sản đó. 2/3 số tiền còn lại, ngân hàng hay các đối tác tài chính sẽ cho vay.
Số tiền lãi cộng với lợi nhuận hàng tháng sẽ được trả bằng chính dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của McDonald’s. Điều thú vị là sau vài năm, McDonald’s dần trả hết nợ và sở hữu được những khu đất này. Với tính chất tăng giá theo thời gian của bất động sản, tổng giá trị của McDonald’s cũng tăng theo.
Đối với những chủ sở hữu nhượng quyền, họ sẽ buộc phải ký kết hợp đồng kinh doanh theo tiêu chuẩn của McDonald’s, qua đó trả phí nhượng quyền và tiền thuê đất theo hợp đồng. Bất cứ ông chủ nào muốn từ bỏ cuộc chơi cũng sẽ được McDonald’s loại trừ và tìm kiếm một đối tác mới.
Khi danh tiếng và tổng tài sản của thương hiệu đi lên, hãng sẽ nhận được khoản vay ưu đãi từ ngân hàng. Với đà đó, ”gã khổng lồ” này tiếp tục mở rộng. Mô hình này thường được gọi là kinh doanh bất động sản dòng tiền kép.
Năm 2019, khoảng 64% trong số 11,6 tỷ USD tiền nhượng quyền của McDonald’s đến từ tiền thuê đất. Một nghiên cứu chỉ ra rằng bình quân các nhà hàng nhượng quyền tại Mỹ trả 6-10% doanh số của họ cho tiền thuê đất. Đối với McDonald’s, con số này là 8,5-15%
Trong cuộc suy thoái năm 2008, McDonald’s đi lên nhờ bất động sản khi tận dụng thị trường nhà đất suy yếu, đã mua thêm đất đai và các toà nhà nơi công ty hoạt động. Theo Wall Street Survivor, công ty đã sở hữu khoảng 45% đất và 70% toà nhà tại hơn 36.000 địa điểm đã mở bán (số còn lại được cho thuê).
Với phương pháp đa dạng hoá mô hình kinh doanh, McDonald’s đã giúp không chỉ tăng thu nhập của doanh nghiệp mà còn giảm rủi ro tài chính. Kinh doanh bất động sản giúp McDonald’s có thêm thu nhập và phần nào đa dạng hoá danh mục đầu tư. Mua đất và cho người nhượng quyền thuê lại là một cách thông minh để tăng gấp đôi thu nhập.
Dẫu vậy để việc kinh doanh bất động sản có lợi, McDonald’s vẫn phải phụ thuộc vào việc phát triển thương hiệu. Vì một khi thương hiệu McDonald’s còn giữ vị trí số 1, thì doanh thu từ nhượng quyền, cho thuê, bán bất động sản cho nhà đầu tư sẽ tăng tương ứng. Do vậy, để có được doanh thu khủng từ bất động sản, McDonald’s vẫn cần chú trọng duy trì phong độ về chất lượng, dịch vụ mà họ đã làm được trong suốt thời gian qua.
Tổng hợp
Nguồn: Tri thức trẻ