Google, Facebook đã nộp bao nhiêu thuế?
Từ ngày 21-3, các nhà cung cấp nước ngoài có thể nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam qua cổng thông tin etaxvn.gdt.gov.vn dù không hiện diện tại Việt Nam. Tại kỳ kê khai quý 1, TikTok đã nộp 34,5 tỉ đồng, Netflix đã nộp 7,8 tỉ đồng…
Số thu thuế nhà thầu với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới do tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay từ năm 2018 đến cuối tháng 6-2022 đạt 5.432 tỉ đồng. Trong đó Facebook nộp 2.071 tỉ đồng, Google nộp 2.034 tỉ đồng, còn Microsoft nộp 692 tỉ đồng.
Khi hai “ông lớn” Facebook và Google đang chiếm hơn 80% tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, liệu con số này có tương xứng?
Thu hơn 5.430 tỉ đồng thuế từ các “ông lớn”
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) – cho hay sau khi ngành thuế thực hiện hàng loạt biện pháp để siết quản lý thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thì số thu thuế trong lĩnh vực này đã tăng lên. Tốc độ thu bình quân đạt 130%. Trong đó, năm 2021 có số thu lớn nhất với 1.591 tỉ đồng.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay có số thu đạt gần 760 tỉ đồng là do thực hiện quy định mới tại Luật quản lý thuế số 38. Đó là từ ngày 21-3-2022, các nhà cung cấp nước ngoài có thể nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam qua cổng thông tin etaxvn.gdt.gov.vn dù không hiện diện tại Việt Nam.
Một số nhà cung cấp nước ngoài điển hình như Facebook (Meta), Microsoft, TikTok, Netflix… đã chủ động kê khai, nộp thuế trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên cổng tại kỳ kê khai quý 1 năm nay được Microsoft đã nộp 0,5 triệu USD, TikTok đã nộp 34,5 tỉ đồng, Netflix đã nộp 7,8 tỉ đồng và Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào quý 2.
Về câu hỏi trong bối cảnh hai ông lớn là Facebook và Google đang chiếm hơn 80% tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thì liệu con số này có tương xứng?
Chuyên gia tiếp thị số Nguyễn Khoa Hồng Thành cho hay rất khó để xác định số tiền Facebook và Google đã đóng thuế (số tiền gần 2.000 tỉ đồng/doanh nghiệp cho các năm từ 2018 – 2021) là tương xứng với doanh thu của họ tại Việt Nam hay chưa bởi chúng ta không có công cụ để thống kê chính xác doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam.
Phần doanh thu của những ông lớn này thông qua các doanh nghiệp thì có thể xác định được nhưng thông qua những tài khoản cá nhân thì khó hơn nhiều.
Thu bao nhiêu từ các cá nhân thu nhập từ Google, Facebook?
Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, kinh doanh thương mại điện tử, bà Lan Anh cho hay lũy kế từ 2018 đến hết tháng 5 vừa qua, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỉ đồng.
“Một số trường hợp có thu nhập cao nhưng “quên” nộp thuế đã bị truy thu số tiền lớn. Như trường hợp một cá nhân tại TP.HCM đã kê khai thu nhập phát sinh năm 2020, 2021 từ hoạt động sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo trên Google là 434 tỉ đồng và phải nộp tiền thuế lên đến 30,3 tỉ đồng (chưa tính tiền chậm nộp và tiền phạt).
Một cá nhân khác tại TP.HCM cũng phát sinh thu nhập từ Google trong năm 2020 và 2021 là 227 tỉ đồng với số thuế phải nộp là 15,9 tỉ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, con số nộp thuế này sẽ tăng lên trong tương lai do từ ngày 21-3, các nhà cung cấp nước ngoài có thể nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam qua cổng thông tin etaxvn.gdt.gov.vn dù không hiện diện tại Việt Nam.
Thanh tra sàn thương mại điện tử tìm “rủi ro thuế”
Tổng cục Thuế cũng cho biết ngoài các “ông lớn” nước ngoài, tổng cục đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử đối với 18 doanh nghiệp trong nước (6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam) và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay với doanh nghiệp trong nước là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế đã ban hành và tiến hành kiểm tra 5 doanh nghiệp. Trong số 2 doanh nghiệp đã kết thúc kiểm tra, 1 doanh nghiệp đã ban hành quyết định xử lý với tổng số giảm lỗ, truy thu và xử phạt 64,8 tỉ đồng.
Qua kiểm tra sàn Tiki, cơ quan thuế đã rà soát, chọn ra 175 doanh nghiệp kinh doanh thông qua sàn này “có dấu hiệu rủi ro”. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo 9 cục thuế quản lý trực tiếp rà soát, đối chiếu thông tin về doanh thu phát sinh trên sàn thương mại điện tử với doanh thu mà doanh nghiệp đã kê khai thuế để có cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung theo quy định.
Tiến tới cơ quan thuế sẽ yêu cầu sàn thương mại điện tử kết nối, cung cấp thông tin để xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nhằm quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Ngoài ra, theo bà Lan Anh, Tổng cục Thuế còn “soi” cả các doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Mới đây sau thanh tra, cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý truy thu và phạt 24,3 tỉ đồng đối với 1 doanh nghiệp.
Riêng với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi 4 tổ chức yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế. Tổng cục sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông thu thập cơ sở dữ liệu để đấu tranh, yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế tại Việt Nam…
Nguồn: Tuổi trẻ