Đi làm ngày lễ có được nghỉ bù vào những ngày khác hay không?
Do đặc thù công việc, nhiều lao động không được nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước. Vậy nếu đi làm vào ngày lễ, người lao động có được phép nghỉ bù vào những ngày khác không? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!
Người lao động có bắt buộc đi làm ngày lễ?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong các ngày lễ sau:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy, trong các dịp lễ, Tết nêu trên, người lao động sẽ không phải đi làm mà vẫn được hưởng lương của ngày làm việc đó.
Vì vậy, nếu làm vào các ngày này, người lao động sẽ được tính là làm thêm giờ. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 BLLĐ năm 2019 và điểm a khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động về 03 nội dung sau:
– Thời gian làm thêm;
– Địa điểm làm thêm;
– Công việc làm thêm.
Như vậy, có thể thấy, việc đi làm vào những ngày lễ là không bắt buộc và trong điều kiện bình thường, người lao động hoàn toàn có quyền từ chối làm thêm giờ vào các ngày lễ.
Tuy nhiên, theo Điều 108 BLLĐ năm 2019, với một số công việc đặc biệt như thăm dò, khai thác dầu khí trên biển, làm việc trên biển, sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần, công việc của thợ lặn, công việc trong hầm lò, công việc phải thường trực 24/24 giờ… thì việc nghỉ lễ sẽ do các Bộ, ngành quản lý cụ thể quy định sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đơn cử như với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển, căn cứ Điều 10 Thông tư 24/2015/TT-BCT, người lao động được bố trí nghỉ lễ phù hợp với quy định pháp luật về lao động.
Cũng theo Điều này, trường hợp ngày nghỉ lễ trùng với phiên làm việc, người lao động được thanh toán tiền lương làm thêm giờ phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu ngày lễ trùng với phiên làm việc thì người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong thăm dò khai thác dầu khí trên biển vẫn phải làm việc và được thanh toán lương làm thêm giờ.
Xem thêm: Quy định về làm thêm giờ vượt mức của người lao động ra sao?
Đi làm ngày lễ có được nghỉ bù vào ngày khác không?
BLLĐ năm 2019 chỉ quy định về nghỉ bù tại khoản 3 Điều 111 như sau:
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc của tuần kế tiếp khi ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày lễ.
Trước đây, ngoài trường hợp này, người lao động lao động sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng sẽ được doanh nghiệp bố trí nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ (căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên văn bản này đã hết hiệu lực và cũng không có quy định nào thay thế.
Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định về việc nghỉ bù dành cho người lao động đi làm vào ngày lễ. Theo đó, người lao động đi làm vào ngày lễ chỉ được tính lương làm thêm giờ chứ không được nghỉ bù vào ngày khác.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi đề nghị, thỏa thuận với người lao động về việc đi làm vào dịp lễ dài ngày thì thường sẽ sắp xếp cho người lao động được nghỉ bù sau dịp lễ đó.
Xem thêm: Những điều cần biết về quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2021
Ép người lao động đi làm ngày lễ, doanh nghiệp bị phạt nặng
Như đã phân tích, người sử dụng lao động chỉ được huy động làm việc vào ngày lễ nếu người lao động đồng ý. Trường hợp ép buộc người lao động đi làm vào các dịp lễ sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, doanh nghiệp ép người lao động đi làm ngày lễ sẽ bị phạt lên đến 25 triệu đồng. So với quy định trước đây, mức phạt này đã được tăng gấp 20 lần. Vì vậy, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý để tránh bị phạt trong trường hợp này.
Xem thêm: Điều kiện nâng bậc lương trước hạn đối với giáo viên trong năm 2021
Nguồn: Luật Việt Nam