Chính sách BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2021
Những chính sách BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ có những sự thay đổi từ tháng 5/2021. Vậy những chính sách đó là gì? Xem bài viết để được giải đáp nhé!
Tăng hỗ trợ học nghề với người tham gia BHTN
Thủ tướng ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (có hiệu lực từ ngày 15-5-2021).
Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 sẽ được hưởng hỗ trợ theo các mức sau đây:
– Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng:
Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
– Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng:
Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
(Hiện hành, theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg, mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, không phân chia cụ thể theo thời gian đào tạo).
Lưu ý: Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tào nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc:
– Từ 14 ngày trở xuống được tính là 0,5 tháng.
– Từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Xem thêm: Những quy định về thời gian thử việc và số lần thử việc NLĐ cần biết
Hỗ trợ đóng BHYT cho một số khu vực đặc biệt
Theo Nghị định 22/2021/NĐ-CP, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động làm việc trong Khu kinh tế – quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa,… theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu kinh tế – quốc phòng theo quy định sau đây:
– Đối với quân số thuộc biên chế của Đoàn kinh tế – quốc phòng được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại địa bàn Khu kinh tế – quốc phòng; được đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
– Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng Khu kinh tế – quốc phòng được các hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.
– Người lao động, công nhân làm việc trong Khu kinh tế – quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định 22/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5-5-2021 và thay thế Nghị định 44/2009/NĐ-CP.
Xem thêm: NÓNG: Thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần mới nhất 2021
Nguồn: Người Lao Động