Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên có thời hạn không?
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên có thời hạn hay không? Nếu có thì thời hạn sẽ kéo dài trong bao lâu? Tất cả sẽ được giải đáp trong nội dung bài viết dưới đây!
Giáo viên phải có chứng chỉ chức danh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Viên chức hiện hành, giáo viên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.
Đồng thời, ngay từ ngày 03/11/2015, khi các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23 về giáo viên có hiệu lực, giáo viên các cấp đã phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo trong đó phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (gọi tắt là chứng chỉ chức danh) tương ứng với hạng được bổ nhiệm.
Kế thừa quy định này, hiện nay, trong bốn Thông tư mới về giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn yêu cầu giáo viên các hạng của các cấp phải bổ sung đủ các văn bằng, chứng chỉ cần thiết trong đó có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng với các hạng được bổ nhiệm.
Cụ thể từ ngày 20/3/2021 tới đây, giáo viên các cấp phải có:
– Giáo viên hạng I phải có chứng chỉ chức danh hạng I;
– Giáo viên hạng II phải có chứng chỉ chức danh hạng II;
– Giáo viên hạng III phải có chứng chỉ chức danh hạng III.
Như vậy, giáo viên để được bổ nhiệm vào hạng nào thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của hạng đó và một trong những điều kiện bắt buộc là yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Xem thêm: Công thức tính lương giáo viên theo quy định mới từ 20/3/2021
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có thời hạn không?
Như phân tích ở trên, giáo viên được bổ nhiệm vào hạng nào thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của hạng đó. Tuy nhiên, thực tế có khá nhiều giáo viên đã có chứng chỉ hạng cao hơn nhưng lại không có chứng chỉ phù hợp với hạng đang giữ. Vậy khi đó, chứng chỉ hạng cao có bị hết hạn không?
Cụ thể, giáo viên tiểu học hạng III, hiện tại chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III nhưng đã học và được cấp chứng chỉ chức danh hạng II. Vậy khi giáo viên này được thăng từ hạng III lên hạng II thì còn sử dụng chứng chỉ chức danh hạng II nữa không?
Về vấn đề này, để hướng dẫn chi tiết về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên theo bốn Thông tư mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD. Theo đó:
Theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng tương ứng quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04.
Do đó, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.
Căn cứ quy định này, có thể khẳng định:
– Chứng chỉ chức danh hạng cao hơn hạng hiện tại giáo viên được bổ nhiệm thì giáo viên có thể sử dụng chứng chỉ đó cho việc thăng hạng sau này.
– Giáo viên cần phải bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ nếu còn thiếu để đáp ứng đủ trình độ, tiêu chuẩn của hạng hiện giữ.
Ví dụ: Giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện; còn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I đã có, giáo viên được dùng để đăng kí thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Công văn này, khi giáo viên ở cấp học này được chuyển sang cấp học khác cùng hạng chức danh nghề nghiệp thì vẫn được sử dụng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Xem thêm: Những điều chỉnh về bảng lương giáo viên mầm non từ 20/2/2021
Nguồn: Luật Việt Nam