9 nguyên tắc tiền bạc giúp cuộc sống luôn nhẹ nhàng: Đừng chỉ ham lương cao, bình tĩnh trước mọi khoản thu bất ngờ
Bài toán tiền bạc luôn khiến nhiều người trong chúng ta phải đau đầu hàng ngày. Nhưng cũng có những người hoàn toàn thoải mái, không mang chút dấu hiệu nào của áp lực. Đó là bởi vì họ biết vận dụng những quy tắc giúp bản thân được nhẹ nhàng sau đây
Số tiền có trong tay và cách sử dụng tiền sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định hàng ngày của chúng ta: nơi ta sống, những gì ta ăn, cách ta giải trí. Tiền giữ một vị trí nhất định trong hầu hết mọi quyết định mà ta đưa ra.
Nếu đang cảm thấy cuộc sống có quá nhiều căng thẳng, rất có thể tình hình tài chính hiện tại là một yếu tố góp phần gây ra điều đó.
Và để tránh khỏi điều đó, hãy tuân theo 9 quy tắc về tiền bạc sau đây:
1- Ưu tiên một công việc linh hoạt hơn một mức lương cao
Kiếm được bao nhiêu tiền với một công việc không quan trọng bằng việc có bao nhiêu nguồn thu nhập để kiếm tiền.
Và nếu ta làm một công việc căng thẳng, thiếu sự tự do hay linh hoạt, ta sẽ sớm rơi vào kiệt sức. Trước khi thi đại học, rất nhiều thanh niên muốn dấn thân trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Các bạn trẻ đều muốn sau này kiếm càng nhiều tiền càng tốt để ổn định tài chính. Mặc dù vậy, sau này, nhiều người sẽ đi theo một con đường khác.
Khi xét về mức lương, nhưng công việc khác có thể thấp hơn phía ngân hàng, nhưng tính linh hoạt của công việc thì hơn hẳn. Nhiều người có thể thoải mái ngồi ở nhà để làm việc, nhận thêm những công việc khác, và về lâu về dài, rõ ràng họ đang đi trên một con đường lí tưởng hơn rất nhiều so với lĩnh vực mong muốn ban đầu.
Hãy nhớ, một công việc trả 70.000 USD cùng sự linh hoạt có thể là lựa chọn tốt hơn một công việc trả 100.000 USD nhưng đòi hỏi ta phải ngồi tại bàn làm việc mười mấy tiếng mỗi ngày.
2- Bình tĩnh trước những khoản tiền mới có được
Trước những khoản thu nhập mới, đột ngột có được, ta dễ sử dụng để tự thưởng cho bản thân, mua sắm những thứ đang ao ước, và chẳng mấy chốc số tiền đó sẽ hết sạch. Ta lại quay về với mức sống chắt bóp như trước kia.
Để tránh khỏi tình cảnh đó, hãy xác định một thái độ khác để tiết kiệm nhiều hơn. Hãy coi những khoản tiền mới như không tồn tại.
Khi nhận được tiền thưởng, vừa tăng lương, … hãy sử dụng số tiền đó để trả nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư. Ban đầu, tỷ lệ tiết kiệm và sự giàu có sẽ tăng chậm, nhưng càng về lâu về dài, kết quả sẽ càng nở rộ.
3-Trả tiền cho bản thân trước tiên
Để giúp cho nguyên tắc 2 được thực hiện dễ dàng hơn, hãy ghi nhớ nguyên tắc 3 – trả tiền cho chính mình trước và tự động hóa quy trình này. Chẳng hạn, khi vừa nhận quyết định tăng lương, hãy ngay lập tức thay đổi hạn mức tiết kiệm tự động hàng tháng thêm một khoản nữa. Như vậy, mức lương tăng đã đồng nghĩa với tiền tiết kiệm hàng tháng cũng tăng thêm đáng kể.
4-Trở thành một nhà đầu tư có lí trí
Trước những cám dỗ đầy rủi ro của các loại hình đầu tư, nhất là cổ phiếu hay bất động sản, ta phải biết cách giữ cho bản thân tỉnh táo và lựa chọn một chiến lược đầu tư thông minh. Một trong những giải pháp có thể nhắc tới là đầu tư dài hạn.
Ví dụ, ta có thể mua một số quỹ chỉ số với chi phí thấp và giữ trong thời gian dài, chẳng hạn như hơn 20 năm. Nhờ thế, ta hoàn toàn có thể tiếp tục công việc và cuộc sống hiện tại mà không phải trăn trở về những biến động thăng trầm của thị trường chứng khoán mỗi ngày.
5- Tránh xa những quan điểm như YOLO và lối sống lạm phát
Nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, chọn thái độ sống YOLO – Ta chỉ sống một lần. Với họ, cuộc sống này quá ngắn ngủi, nên sẽ hết mình trong từng khoảnh khắc. Họ tiêu hết những gì mình kiếm được, sẵn sàng thoải mãn mọi nhu cầu tức thời của bản thân, không lo lắng hay bận tâm về tương lai.
Thực tế, nếu ta lựa chọn sai lầm, cuộc sống sẽ rất dài. Nhiều người nghĩ rằng chưa chắc bản thân đã sống lâu đến một thời gian nào đó để mà tiết kiệm. Nhưng nếu họ thực sự sống lâu đến lúc đó, họ sẽ có gì trong tay? Với một tuổi trẻ vung tiền không suy nghĩ, những gì còn lại sẽ chẳng thể đảm bảo một tuổi già an nhàn.
Thay vì giữ quan điểm “sống như không có ngày mai”, hãy hướng đến một cuộc sống cho phép ta làm chủ vận mệnh của chính mình, dù là ở hiện tại hay trong thời gian hàng chục năm tới.
6- Kiếm thêm tiền từ những việc mình thích
Một số công việc, như viết lách, vốn không phải nghề chính của nhiều người. Họ chỉ coi đó là một công việc phụ mà bản thân muốn làm vì đam mê. Nhưng thực tế, công việc phụ đó có thể mang lại nguồn thu đáng kể, và mang lại cho họ cả niềm vui lẫn sự ổn định tài chính.
Rõ ràng rằng không có cảm giác nào ngọt ngào hơn việc được trả tiền cho một thứ ta làm hoàn toàn tự nguyện.
Nếu kiếm đủ, ta còn có thể tăng số tiền tiết kiệm hàng tháng lên đáng kể. Và nếu duy trì đủ lâu, ta hoàn toàn có thể đạt được sự tự do về tài chính.
7- Dành nhiều tiền hơn cho những gì mình coi trọng
Quy tắc số 2 khuyên mọi người nên bình tĩnh trước những khoản tiền mới có được, dùng số tiền đó để tiết kiệm hoặc đầu tư. Tuy nhiên, khó có ai có thể tiết kiệm được toàn bộ số tiền như vậy trong suốt quãng đời còn lại. Và điều này hoàn toàn bình thường nếu ta muốn dành nhiều tiền hơn cho những gì mình coi trọng.
Khi đã đạt đến một mức độ an toàn tài chính nhất định, ta hoàn toàn có thể cho phép bản thân “vung tiền” theo ý thích một chút, miễn là số tiền đó không quá thừa mứa, và ta thực sự hạnh phúc với việc mình làm.
8- Nghĩ dài, đừng nghĩ ngắn
Khi phải sống trong tình cảnh mắc nợ, suy nghĩ của mọi người cũng bị hạn chế theo. Một khi tình hình tài chính được cải thiện, ta sẽ thoải mái hơn để nghĩ đến những điều sâu xa.
Lấy ví dụ, nhiều kênh thông tin sẵn sàng giảm hàng chục % phí đăng kí một năm, so với tổng phí đăng kí các tháng cộng lại. Chẳng hạn, một đầu báo đưa ra 2 lựa chọn cho người dùng:
– Đăng kí trọn 1 năm với chi phí 50 USD, tương đương 4,16 USD mỗi tháng,
– 10 USD mỗi tháng đơn lẻ.
Rõ ràng, đề nghị này khuyến khích suy nghĩ dài hạn, và những khách hàng còn kẹt trong suy nghĩ ngắn hạn sẽ không thấy được cái lợi khi đăng kí 50 USD cả năm.
9- Sẵn sàng cho đi vì người khác
Tuyệt đại đa số mọi người đều có suy nghĩ rằng việc từ thiện chỉ nên được thực hiện khi ta đã dư dả về tài chính. Nhưng thực tế, đó cũng là một suy nghĩ ngắn hạn.
Ngay cả khi bản thân không được sung túc, vẫn còn có rất nhiều người xung quanh đang gặp vô vàn khó khăn, và ta chỉ cần cho đi một phần rất nhỏ những gì mình có cũng đã góp phần tích cực để giúp đỡ họ. Nếu mỗi người, bất kể giàu có hay trung lưu, đều chia sẻ suy nghĩ này, nguồn lực để giúp đỡ những người nghèo đã là rất lớn.
Và khi biết cho đi, ta cũng sẽ nhận lại niềm vui lớn lao, khiến cuộc sống này càng trở nên đáng sống.
Nguồn: Theo tri thức trẻ