Theo báo cáo của Việc Làm Tốt, mức lương bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng trưởng xuyên suốt giai đoạn đầu năm nay. Riêng tháng 4, tăng trưởng lương bình quân đạt đỉnh 12,4% so với thời điểm đầu năm.
Đà tăng được ghi nhận rõ rệt nhất sau Tết âm lịch (tháng 3/2022), vượt 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tiến vào giữa năm, mức lương trên thị trường bắt đầu đảo chiều và giảm nhẹ.
Lương shipper cao vọt
Cụ thể, nhóm tài xế/giao nhận (shipper) và nhà hàng/khách sạn có mức tăng trưởng cao nhất, lần lượt là 11,2% và 10,4%. Sàn tuyển dụng cho biết nhu cầu tăng cao và tình hình cạnh tranh nguồn lao động khiến hai nhóm này nóng hơn bao giờ hết.
Tài xế/giao nhận tại TP.HCM đang hưởng mức lương bình quân 9,5 triệu đồng/tháng. Mặt khác, tại Bình Dương và Đồng Nai, mức lương của lực lượng lao động này nhỉnh hơn 500.000-1 triệu đồng/tháng.
Hiện mức lương của nhóm tài xế/giao nhận ở Bình Dương, Đồng Nai đang dẫn đầu hầu hết ngành, dao động 10-10,5 triệu đồng/tháng.
Ở nhóm ngành công nhân, mức lương trung bình ở TP.HCM vượt lên dẫn đầu cả nước, đạt 9,8 triệu đồng/tháng. So với quý IV/2021, mức lương công nhân ở Bình Dương và Đồng Nai vẫn giữ nguyên, lần lượt ở mức 9,4 triệu đồng và 9,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương của công nhân ở TP.HCM vốn luôn ở mức thấp so với cùng vị trí tại các tỉnh tập trung khu chế xuất, nhà máy lớn như Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực buộc các doanh nghiệp phải tính đến phương án nâng lương nhằm thu hút lao động.
Số liệu của Tổng cục Thống kê trong tháng 1/2022 cũng cho thấy đã có hơn 500.000 người lao động từ TP.HCM trở về quê vào cuối năm 2021.
Nhu cầu tìm việc tăng mạnh
Thị trường lao động phổ thông tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý về nhu cầu tìm việc. Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nền kinh tế đã xuất hiện chuyển biến và phục hồi tích cực.
Một trong những minh chứng là bức tranh chung của thị trường lao động phổ thông nửa đầu năm 2022 đang chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt nhu cầu tìm việc bất chấp giai đoạn trầm lắng vào trước và sau Tết âm lịch. Đỉnh điểm, kể từ thời điểm chấm dứt giãn cách, nhu cầu tìm việc trong tháng 3/2022 tăng 31% so với tháng 10/2021.
Khác với sự bùng nổ ở quý I, nhu cầu tìm việc trong quý II/2022 giảm nhẹ vào tháng 4/2022 nhưng vẫn bật tăng trở lại từ tháng 5 đến nay.
Việc Làm Tốt cho biết mọi nhóm ngành chính của lao động phổ thông đều tăng trưởng trong quý I. Đáng chú ý, nhóm nhân viên nhà hàng/khách sạn phục hồi mạnh mẽ khi tăng tới 25% so với cao điểm quý IV/2021. Đây là dấu hiệu cho thấy nguồn nhân lực ngành dịch vụ đang trở lại sau năm 2021 đầy biến động.
Ngoài ra, nhóm bán lẻ (nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và tài xế/giao nhận cũng có mức tăng trưởng tốt sau Tết lần lượt là 13% và 19%. Nhu cầu tìm việc của nhóm công nhân tăng nhẹ 10%.
Qua khảo sát, có tới 22% lao động nhập cư thất nghiệp lựa chọn về quê trong thời gian giãn cách xã hội từ tháng 8/2021 tại TP.HCM. Chỉ có khoảng 16% cố bám trụ lại thành phố để tìm việc khác, hy vọng dịch qua đi sẽ nhanh chóng đi làm ngay, hoặc lựa chọn các công việc thời vụ, bán thời gian để trang trải thu nhập trong ngắn hạn.
Khi nền kinh tế dần hồi phục sau dịch, khoảng 2/3 lao động bày tỏ mong muốn quay trở lại tìm việc tại các thành phố trọng điểm.
Trong số những lao động đã về quê, có hơn 68% mong muốn quay trở lại thành phố tìm việc, khoảng 18% người đã tìm được việc và chỉ 13% có dự định tiếp tục tìm việc ở quê nhà thay vì quay lại các thành phố lớn.
Trong giai đoạn bình thường mới, những yếu tố phòng chống dịch bệnh không còn là tiêu chí hàng đầu của người lao động khi tìm việc. Song, người lao động có xu hướng ưu tiên công việc chủ động thời gian hay cho phép làm việc tại nhà do thói quen làm việc mới trong dịch.
Hiện top 3 nhóm ngành nghề được tìm kiếm nhiều nhất đáp ứng tính tự do về thời gian, giờ giấc lao động và không gian, môi trường làm việc gồm bán hàng và chăm sóc khách hàng; việc làm trực tuyến, gia công tại nhà; tài xế, giao vận, vận tải, vận chuyển.
Đặc biệt, nhóm công nhân có xu hướng tìm việc thay đổi rõ rệt nhất trong các ngành nghề phổ thông phổ biến. Có tới 61% lao động từng làm công nhân muốn tìm việc ở những ngành khác có sự linh hoạt về thời gian.
Do đó, đa phần công việc được nhóm này tìm kiếm là việc trực tuyến (online) hoặc gia công tại nhà, bán hàng, tài xế/giao vận.
Nguồn: Zingnews