Thu nhập của lao động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và tài chính ngân hàng đã thay đổi ra sao trong 5 năm?
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân một tháng của lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, mức thu nhập đã tăng từ 6,9 triệu đồng/người/tháng (2015) lên 9,5 triệu đồng/người/tháng (2020), tương đương tăng gấp 1,4 lần trong vòng 5 năm.
Báo cáo Niên giám Thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tính đến thời điểm 31/12/2020 là 684,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 79,8% tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động), tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 18,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,9%; riêng doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,9%.
Lao động làm việc trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp giảm gần 3% cùng thời điểm trên, trong đó lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,2%; doanh nghiệp Nhà nước giảm 9,2%.
Trong số các ngành kinh tế, thu nhập bình quân một tháng của lao động trong các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015 – 2019, từ mức 9,5 triệu đồng/người lên mức 11,5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, sang đến năm 2020, mức thu nhập của lao động giảm xuống chỉ còn 11,5 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, lao động hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân mỗi tháng năm 2020 cao nhất, lên đến 25 triệu đồng/người, tăng gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân năm 2015 (15,9 triệu đồng/người/tháng).
Theo đó, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm sẽ bao gồm 3 ngành cụ thể: hoạt động dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội); bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo hiểm xã hội (trừ bảo hiểm xã hội bắt buộc); hoạt động tài chính khác. Đáng chú ý, lao động hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân mỗi tháng năm 2020 cao nhất, lên đến 25 triệu đồng/người, tăng gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân năm 2015.
Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, trong số 3 nhóm ngành kể trên, thu nhập bình quân một tháng của lao động làm trong các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo hiểm xã hội (trừ bảo hiểm xã hội bắt buộc) có sự dao động nhiều nhất trong giai đoạn 2015-2020.
Cụ thể, thu nhập bình quân một tháng của lao động trong ngành này tăng từ 21 triệu đồng/người lên 26,9 triệu đồng/người trong 3 năm, từ 2015 đến 2017. Song, đến năm 2018, con số này bất ngờ giảm xuống còn 22,8 triệu đồng/người và tăng mạnh trở lại vào 2 năm tiếp theo.
Theo đó, năm 2019, thu nhập bình quân một tháng của lao động làm trong các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo hiểm xã hội (trừ bảo hiểm xã hội bắt buộc) đã tăng hơn 4,7 triệu đồng/người so với năm 2018, lên mức 27,5 triệu đồng/người. Sang đến năm 2020, con số này đã tăng lên 32,4 triệu đồng/người.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong lĩnh vực này đã tăng từ 15,6 triệu đồng/người (2015) lên 25,3 triệu đồng/người (2020), tương đương tăng gấp 1,6 lần trong vòng 5 năm.
Trong khi đó, ở các doanh nghiệp thuộc nhóm hoạt động tài chính khác, thu nhập bình quân một tháng của người lao động có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015 – 2019, từ mức 14,4 triệu đồng/người lên mức 19,8 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, mức thu nhập này lại có xu hướng giảm trong năm 2020. Cụ thể, thu nhập bình quân một tháng của lao động làm trong các doanh nghiệp hoạt động tài chính khác đã giảm từ mức 19,8 triệu đồng/người (2019) xuống còn 15 triệu đồng/người (2020).
Cre: Nhịp sống kinh tế