Sau đợt sa thải ồ ạt hồi năm 2020, ngân hàng đang là ngành thiếu hụt nhân sự nhiều nhất
Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành ngân hàng lại nhằm phục vụ cho một lĩnh vực khá mới mẻ so với mô hình ngân hàng truyền thống trước kia.
Gần 9.000 là số nhân viên ngân hàng bị sa thải trong 3 quý đầu năm 2020, theo tổng hợp từ Bizlive. Có 10/21 ngân hàng tiến hành cắt giảm nhân sự thời điểm ấy. Trong đó, VPBank là ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự nhất trong nhóm khảo sát với gần 4.800 người rời khỏi ngân hàng, tương đương 17,7% tổng nhân sự. Nhân sự tại MBBank cũng giảm 1.071 người, tương đương 6,8%. Một loạt các ngân hàng khác như OCB, Sacombank, HDBank, SeABank, Saigonbank,… cũng ghi nhận lượng nhân sự sụt giảm trong năm 2022.
Việc sa thải nhân sự của các nhà băng trong năm 2020 được cho là nhằm tiết giảm chi phí để đối phó với những tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong một talkshow mới được thực hiện bởi Forbes Việt Nam, ông Gaku Echizenya, Chủ tịch HĐQT và CEO Navigos Group Việt Nam tiết lộ bất ngờ, ngân hàng đang là ngành thiếu hụt nhân sự nhiều nhất.
“Bởi vì mọi thứ đang phát triển theo mô hình chuyển đổi số, ngân hàng số đang là xu hướng. Hầu hết các ngân hàng đều đang phát triển mảng này. Và tất nhiên họ không có đủ nhân lực nên cần phải tuyển dụng nhiều hơn”, vị CEO cho hay.
Ngành bất động sản, xây dựng đang trong giai đoạn nở rộ và cũng đứng hàng đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự.
Trong khi đó, ngành IT vẫn luôn luôn cần nhân lực, kể cả trước, trong và sau đại dịch. Theo ông Gaku Echizenya, bởi không chỉ ở Việt Nam mà nhu cầu nhân sự trong ngành này cũng rất lớn trên quy mô toàn cầu.
“Trước Covid, tôi nghĩ Nhật Bản và các quốc gia khác gần Việt Nam có nhu cầu lớn trong mảng này. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu từ các quốc gia ở xa cũng đang tăng mạnh như Mỹ, khu vực châu Âu. Họ muốn thuê các công ty ở Việt Nam gia công phần mềm và giao lại cho công ty mẹ. Ở Việt Nam, chúng ta đang cần nhân sự cấp bậc quản lý nhiều hơn. Kỹ năng công nghệ kết hợp với kỹ năng quản lý là một trong những thách thức đối với ngành IT ở Việt Nam“.
CEO Navigos nhận định, hiện tại các vai trò quản lý trong ngành công nghệ đang phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi trong 5-10 năm tới.
Để có thêm nhiều nhân tài cấp quản lý ngay tại Việt Nam, cần tập trung vào chuyển đổi số ở tất cả các ngành, phát triển nhân tài ngay từ trong trường đại học. Sau đó, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nhân viên thành các nhà quản lý – điều mà những công ty hàng đầu đang áp dụng.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế