Nghề phụ kiếm tiền gấp 4 – 5 lần công việc chính
Tranh thủ nghỉ trưa, Thảo N. (22 tuổi, TP.HCM) lên đơn mỹ phẩm cho khách, kiếm thêm khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Thảo N. làm marketing với thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Cô cho biết đi làm để gia đình yên tâm. “Lương văn phòng chỉ đủ trả tiền thuê nhà, điện, nước và ăn uống, không có khoản dư. Công việc phụ kiếm gấp 4-5 lần, là nguồn thu nhập chính. Tôi từng thuyết phục cha mẹ cho ở nhà bán hàng, nhưng họ cho đó là lông bông, nhiều rủi ro”, cô tâm sự.
Trở về nhà sau 8 tiếng văn phòng, Thảo N. kiểm tra tin nhắn, soạn đơn hàng và gói gửi đi. “Mỗi tháng, doanh thu trung bình 70-80 triệu đồng, có thể tăng gấp đôi vào dịp lễ, Tết”, cô kể. Nếu chỉ phụ thuộc vào nghề nghiệp toàn thời gian, cô sẽ khốn đốn khi sinh sống một mình tại đô thị. “Ở công ty, tôi không dám tiết lộ mình cùng lúc làm 2 việc, sợ cấp trên không bằng lòng”, cô bày tỏ.
T. Anh (24 tuổi, Hà Nội) cho biết lương 9 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải chi phí cuộc sống. T. Anh thành thạo dựng phim, chụp ảnh, thiết kế đồ họa… Ban đầu, anh được bạn bè thuê thiết kế đơn giản với tiền công 200-300.000 đồng/sản phẩm. Sau đó, họ tiếp tục giới thiệu anh cho các công ty có nhu cầu. Đến hiện tại, mỗi tháng, anh nhận 5-6 dự án, báo giá khoảng 3-10 triệu đồng cho một thành phẩm tùy vào yêu cầu.
Với Ngọc D. (28 tuổi, TP.HCM), cô làm quản lý truyền thông với thu nhập 20 triệu đồng/tháng. “Tôi nhận thêm việc quảng bá hình ảnh cá nhân, thu về 50-100 triệu đồng cho mỗi dự án như vậy”, Ngọc D. cho biết. Trung bình mỗi tháng, cô kiếm được vài trăm triệu đồng. Trong đó, cô chi trả 1/3 số tiền cho ekip như trợ lý, quay phim, chụp ảnh… “Nhờ có nghề tay trái, tôi vừa sở hữu cho mình căn nhà đầu tiên tại TP.HCM. Tôi mua sắm, sinh hoạt hầu hết nhờ thu nhập phụ, chứ lương từ công việc chính không bõ bèn gì”, cô gái tâm sự.
Có thu nhập phụ, Thảo N. vẫn kiên trì làm việc tại công ty marketing. Cô ám ảnh trước câu hỏi “Dạo này làm gì?” từ người thân, hàng xóm. Có một công việc văn phòng, cô bớt áp lực hơn khi đối diện với người quen ở quê nhà.
Tuy nhiên, cô thừa nhận làm cùng lúc 2 công việc khiến mình nhiều lần kiệt sức. Một số ngày, sau giờ tan ca, cô chạy vội về nhà để kịp livestream vào khung giờ “vàng” của nền tảng. Nếu phải chạy deadline, sếp liên tục nhắn tin giục gửi sản phẩm, cô xác định trễ việc gửi hàng cho khách, nguy cơ bị hủy đơn, đền bù…
T. Anh cũng không muốn từ bỏ công việc chính. “Công việc văn phòng như bảo hiểm vậy, giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn nếu có tháng nhận ít dự án bên ngoài”, anh nói. Song song 2 công việc, T. Anh làm việc liên tục không ngày nghỉ, thậm chí thiếu ngủ trầm trọng. Nhiều hôm, anh chỉ ăn mỳ tôm, thức đêm nên bị đau dạ dày, cơ thể mỏi mệt.
Với Ngọc D., 8 năm làm ở công ty giải trí giúp cô có thêm nhiều mối quan hệ, được tiếp xúc với lĩnh vực mình yêu thích, làm cùng ekip chuyên nghiệp. “Hiện tại, tôi đã lập văn phòng riêng, tuy nhiên vẫn làm vị trí quản lý ở công ty vì nơi đây đãi ngộ tốt, đồng nghiệp thân thiết. Danh tiếng khi là nhân sự của công ty này giúp tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn”, D. bày tỏ.
“Làm nhiều quá, tôi ít khi về quê thăm cha mẹ. Không ít lần dự án xếp chồng lên nhau, cảm thấy cô đơn, áp lực, nhưng chỉ biết nằm khóc một mình, tự dặn lòng kiếm tiền nhiều hơn để bù đắp cho cha mẹ sau”, cô nói thêm.
Theo Zing News