Ngành có lương trung bình 24 triệu VNĐ/tháng, thưởng Tết có thể gấp 5 lần, nhưng vẫn “nhọc nhằn” tìm nhân lực
Theo số liệu thống kê, thu nhập nhân viên trong ngành có trung bình đạt được 24 triệu VNĐ/tháng, thậm chí có vị trí lên tới 44 triệu VNĐ/người/tháng. Dù đãi ngộ tốt, lương thưởng cao nhưng ngành vẫn đang gặp rào cản khó tháo gỡ trong tìm kiếm nhân lực.
Công việc có đãi ngộ tốt
Từ thống kê BCTC hợp nhất quý 1/2022 của 22 ngân hàng của Bizlive cho thấy, thu nhập nhân viên tại các nhà băng cũng có sự khác biệt khá lớn khi dao động từ 11 triệu đến hơn 44 triệu đồng/người/tháng. Dù vậy, trong 2 năm qua, mức lương và phụ cấp trung bình của phần lớn ngân hàng đã tăng đáng kể, từ mức 19,7 triệu đồng/người/tháng năm 2019 lên 23,8 triệu đồng/người/tháng vào đầu năm 2022.
Trong đó, theo ghi nhận, ngân hàng có mức thu nhập tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua là ngân hàng OCB. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2022, lương và phụ cấp của nhân viên OCB đạt 24 triệu đồng/người/tháng. So với mức trung bình 8,5 triệu đồng trong năm 2019, con số này đã tăng gấp gần 2,8 lần.
Cũng theo số liệu thống kê này, lương và phụ cấp của nhân viên HDBank cũng tăng gần gấp đôi trong hơn 2 năm, đạt 25,5 triệu đồng/người/tháng. Tại KienLongBank, con số này tăng 53,4%. Eximbank tuy cắt giảm nhiều nhân sự nhưng vẫn tăng thu nhập tới 41,5% cho những người ở lại. Tiếp đó là Sacombank tăng 38,7%, SeABank tăng 30,9%,…
Xét về con số tuyệt đối, nhân viên Techcombank đang là những người có thu nhập bình quân cao nhất khi bình quân mỗi nhân viên nhận 44,7 triệu đồng/tháng trong 3 tháng đầu năm, tăng tới 65% so với mức thu nhập bình quân trong năm 2019 là 27,1 triệu đồng/người/tháng.
Trong nhóm khảo sát, lương và phụ cấp của nhân viên MB đang đứng thứ hai với con số trung bình đạt 35,3 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng qua, tăng 24,7% so với mức chỉ 28,3 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019.
Trong những năm gần đây, thưởng Tết Nguyên đán tại các ngân hàng cũng là con số gây nhiều chú ý. Tuy các ngân hàng không công khai con số này nhưng các chuyên gia nhận định, tùy thuộc vào cơ chế từng ngân hàng nhưng nhìn chung trung bình khoảng 2-5 tháng lương, cũng có thể lên tới 6-8 tháng lương.
Ông Đinh Văn Tiệp, Chuyên gia kinh tế tại TPHCM, nhận định: “Những nhân viên quản lý rủi ro, nhân viên kinh doanh, nhân viên tín dụng, chuyên viên phân tích tài chính… sẽ có mức thưởng cao hơn những nhân viên khác. Tuy vậy, nếu nhân viên bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không có thưởng cao”.
“Nhọc nhằn” tuyển nhân sự
Tuy đãi ngộ tốt, lương thưởng cao nhưng theo ông Gaku Echizenya, Chủ tịch HĐQT và CEO Navigos Group Việt Nam tiết lộ bất ngờ, ngân hàng lại đang là ngành thiếu hụt nhân sự nhiều nhất.
“Bởi vì mọi thứ đang phát triển theo mô hình chuyển đổi số, ngân hàng số đang là xu hướng. Hầu hết các ngân hàng đều đang phát triển mảng này. Và tất nhiên họ không có đủ nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong mảng này”, vị CEO cho hay.
Trong khi nhiều ngân hàng đồng loạt có nhu cầu tuyển trong thời gian ngắn, lượng ứng viên đạt yêu cầu không đủ đáp ứng, tạo ra tình trạng “khát nhân sự”. Không chỉ các ngân hàng cạnh tranh với nhau, mà các lĩnh vực khác như tài chính, thương mại điện tử, y tế giáo dục… cũng đang mở rộng tuyển dụng ứng viên trong mảng này.
Đồng thời, muốn tuyển dụng được ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, đạt yêu cầu của ngân hàng ngày càng khó khăn. Trước đây, yêu cầu về chất lượng nhân sự được đề cao, đặc biệt là ứng viên ưu tiên có kinh nghiệm từng làm việc trong ngành ngân hàng.
Nhưng hiện tại do không tuyển đủ người, cộng thêm yêu cầu chuyển đổi và phát triển kinh doanh của các ngân hàng thay đổi, các ngân hàng hiện đều thay đổi yêu cầu về ứng viên linh hoạt hơn. Đội ngũ nhân sự được yêu cầu có tư duy và năng lực phù hợp với chiến lược mới của họ, thậm chí đối với một số vị trí, không quan trọng là ứng viên đó đã từng làm việc trong lĩnh vực nào trước đây.
Sau khi tuyển được nhân viên, các ngân hàng cũng phải “đau đầu” để tìm cách giữ chân các ứng viên công nghệ thông tin ở lại làm việc lâu dài. Nhóm ứng viên này có thể lựa chọn lĩnh vực đa dạng để làm việc nên có xu hướng không gắn bó lâu. Mức độ cạnh tranh trong tuyển dụng cũng khiến các ngân hàng phải đưa ra các chính sách hấp dẫn về lương, thưởng và phúc lợi xã hội.
Theo báo cáo về nhân lực ngành ngân hàng của Navigos Group vào giữa năm 2022, thường hiếm có các ứng viên công nghệ thông tin có thể đạt đủ tất cả yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thông thường, ứng viên chỉ cần đáp ứng 50 – 70% là có thể có cơ hội làm việc. Nhiều nhà tuyển dụng thậm chí sẵn sàng tuyển những kỹ sư còn ít kinh nghiệm về để đào tạo lại.
“Do lượng ứng viên có đầy đủ kinh nghiệm luôn thiếu so với nhu cầu thị trường nên nhà tuyển dụng có thể hạ dần hoặc lược bớt các tiêu chí tuyển dụng”, Navigos Group nêu rõ.
Thậm chí, các ngân hàng lớn phải chi trả những khoản tiền đáng kể để “săn” ứng viên từ nước ngoài về, phục vụ quá trình phải triển khai các sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến về chuyển đổi số.
Trường nào đào tạo ngành Tài chính ngân hàng?
Khu vực miền Bắc có thể kể đến một số cái tên sau:
Học viện Ngân hàng
Học viện Tài chính
Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trường Đại học Thương Mại
…
Khu vực miền Nam có thể kể đến một số cái tên sau:
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
Trường Đại học Tài chính – Marketing
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM
Trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM
…
Theo Phụ nữ Việt Nam