Phỏng vấn là cơ hội để nhà tuyển dụng có thể tạo ấn tượng với ứng viên, qua đó chiêu mộ thành công nhân sự về cho tổ chức. Phỏng vấn cũng là dịp để ứng viên thể hiện năng lực, qua đó có thể “bán mình” với mức thù lao mong muốn.
Để tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng thông qua những câu trả lời thông minh vốn đã là điều không hề dễ dàng; cách đặt câu hỏi như thế nào để nhà tuyển dụng “thấm đòn” còn khó hơn gấp bội.
Dưới đây là một số câu hỏi ứng viên có thể áp dụng để “lấy lòng” sếp tương lai:
1. Ứng viên lý tưởng cho công việc này cần có kỹ năng hay phẩm chất gì?
Mặc dù rất có thể chúng ta đã đọc rất kỹ mô tả công việc trước khi nộp đơn ứng tuyển, nhưng việc hỏi câu hỏi này sẽ giúp ứng viên có được thông tin chi tiết hơn về vị trí làm việc sắp tới. Điều này sẽ cung cấp cho nhà tuyển dụng cơ hội để nói cho chúng ta chính xác điều mà họ đang tìm kiếm và mô tả sâu hơn về yêu cầu công việc.
Ngoài ra, nếu nhà tuyển dụng đề cập đến điều gì đó mà chúng ta chưa có dịp nói, đó sẽ chính là cơ hội thứ 2 để chúng ta thể hiện. Hãy lưu ý sử dụng ngôn từ phù hợp trong một cuộc phỏng vấn.
2. Anh/chị nhận thấy vị trí này có sự thay đổi hay phát triển như thế nào trong vài năm tới?
Điều này sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về tương lai của công ty cũng như những kỳ vọng của nhà tuyển dụng đối với ứng viên và con đường sự nghiệp tại công ty như thế nào. Câu hỏi này còn thể hiện ứng viên mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty.
3. Anh/chị yêu thích điều gì nhất khi làm việc tại đây?
Việc đặt câu hỏi này sẽ cho phép chúng ta tìm hiểu về công ty và cá nhân người tuyển dụng. Nếu người phỏng vấn tuyển dụng lúng túng khi trả lời câu hỏi này, hãy lưu ý, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta rằng họ không thực sự thích thú với công việc của mình.
4. Kế hoạch phát triển của công ty là gì? Hoặc, anh/chị đã đạt được những thành tựu nào gần đây?
Trước khi đặt câu hỏi này, hãy tìm hiểu trước về công ty mà chúng ta ứng tuyển. Đề cập đến một thay đổi nào đó mà công ty tiến hành gần đây, hay một sản phẩm mới mà công ty phát hành. Điều này sẽ thể hiện sự quan tâm của ứng viên dành cho công việc và cam kết đối với công ty.
Câu hỏi này cũng tạo điều kiện cho nhà tuyển dụng nói về cách họ đã giành được mục tiêu và tầm nhìn của công ty trong tương lai. Đồng thời, nó cho chúng ta những ý tưởng tốt để xem xét mình có phù hợp để giúp công ty đạt tới những mục tiêu đó hay không. Hãy tự tin khi đặt câu hỏi này bằng phong thái và vẻ ngoài đĩnh đạc.
5. Công ty coi trọng điều gì nhất?
Tìm hiểu về các giá trị của công ty sẽ giúp chúng ta biết liệu bản thân có phù hợp với công việc hay không. Nó cũng cho thấy rằng chúng ta sẵn sàng làm việc để bảo vệ những giá trị đó.
Sau cuộc phỏng vấn, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát về những đòi hỏi đối với vị trí mà bản thân mình ứng tuyển.
6. Tôi sẽ học được những kỹ năng mới nào ở vị trí này?
Câu hỏi này cho thấy những điều tích cực. Chúng ta có thể qua đó biểu thị rằng, bản thân mình không biết mọi thứ nhưng sẵn sàng học hỏi.
Nó cũng cho thấy chúng ta hiểu rằng việc sở hữu những kỹ năng cũng quan trọng không kém kiến thức hay sơ yếu lý lịch ấn tượng.
7. Anh/chị đánh giá sự thành công của nhân viên như thế nào?
Việc tìm hiểu về cách thức đánh giá một nhân viên xuất sắc sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn về những mục tiêu, kỳ vọng của bản thân khi làm việc tại công ty.
Khi hỏi câu hỏi này, ứng viên cũng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bản thân họ thực sự nghiêm túc và sẵn sàng làm việc để thành công tại đây.
Nguồn: Nhịp sống Việt