Khởi nghiệp thì nên chọn “Đơn thương độc mã” hay “Góp gạo thổi cơm chung”?
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau” – câu nói này liệu có đúng khi khởi nghiệp kinh doanh không?
Theo kết quả cuộc điều tra 100 giám đốc doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh thương mại điện tử do diễn đàn Khởi sự Kinh doanh thực hiện đã thu được kết quả khá bất ngờ, có đến 59/100 chủ doanh nghiệp được hỏi đã trả lời họ khởi nghiệp kinh doanh một mình, chỉ có 41/100 đơn vị có sự tham gia của trên 2 người lúc khởi nghiệp ban đầu.
Lý do mà nhóm khởi nghiệp một mình đưa ra phần lớn xoay quanh các vấn đề như:
Họ không tìm được người có chung ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, chí hướng và cách làm. Ngành kinh doanh mang tính gia truyền, khởi nguồn kinh doanh từ đam mê, vì vậy có lẽ họ thích được chủ động tự quyết toàn bộ các vấn đề mà không phải hỏi ý kiến ai, được ăn, thua chịu.
Tuy nhiên, xu hướng chung là sau khi khởi nghiệp khoảng 2 đến 3 năm thì các công ty khởi nghiệp một người lại có số lượng thành viên góp vốn bắt đầu tăng lên. Không có câu trả lời chính xác bất biến cho câu hỏi: nên khởi nghiệp một mình hay kết hợp với đối tác? Tùy vào trường hợp cụ thể mà người khởi nghiệp quyết định nên hay không nên khởi nghiệp một mình.
Chúng ta cùng phân tích cụ thể hơn hai trường hợp này:
Khởi nghiệp “đơn thương độc mã”
Chúng ta sẽ bắt đầu nói về việc tự bản thân đứng ra kinh doanh hay khởi nghiệp một mình. Một cá nhân khi đứng ra kinh doanh có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau: Kinh doanh cá thể (Hộ gia đình) và doanh nghiệp tư nhân.
Kinh doanh cá thể có thể đem lại cho ông chủ toàn bộ lợi nhuận trên vốn bỏ ra, người làm chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định vận mệnh của doanh nghiệp mình.
Cá nhân kinh doanh sẽ giúp cho bản thân họ không phải đi làm thuê cho người khác mà đi làm thuê cho chính mình. Tự họ bỏ tiền, tự họ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp thuộc dạng này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ,cửa hàng kinh doanh tự phát, số vốn cũng không lớn vì khó có thể huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Khởi nghiệp kinh doanh – StartUp một mình có những điểm lợi và cũng có những điểm hại do tỉ lệ rủi ro cao vì tập trung toàn bộ vốn vào kinh doanh, mặt khác vì tự kinh doanh nên quyền quyết định sẽ nằm ở người chủ, khi đó sẽ nảy sinh sự độc đoán, bảo thủ…
Khởi sự kinh doanh một mình cũng hạn chế về khả năng quản lý cũng như khả năng tăng quy mô kinh doanh.
Có câu “đơn thương độc mã” để ám chỉ những hình ảnh cô đơn lang thang trên một con đường mà không có ai là bầu bạn. Con đường có thể dài có thể ngắn, chàng hiệp sỹ có thể giỏi có thể không, lấy gì đảm bảo cho chàng sẽ an toàn đi được đến đích.
Khởi nghiệp theo nhóm: Góp gạo thổi cơm chung
Khởi sự kinh doanh theo nhóm được hiểu là việc hai hoặc nhiều thành viên cùng nhau góp vốn để kinh doanh.
Các loại hình mà chúng ta có thể tìm thấy là các loại hình sau: Công ty TNHH và Công ty Cổ Phần Khởi nghiệp theo nhóm giúp bạn có thể phân tán rủi ro vì có nhiều người tham gia cùng bạn góp vốn, cùng bạn điều hành công ty, mặt khác bạn cũng có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau.
Khởi nghiệp cùng nhóm còn có thể đảm bảo các nguyên tắc quản trị khi các quyết định kinh doanh, quản trị doanh nghiệp sẽ dựa trên quyết định của tập thể.
Ngoài ra làm việc nhóm sẽ đem lại sự sáng tạo trong sản xuất kinh doanh vì có sự tham gia đóng góp và bàn thảo của nhiều người. Khởi nghiệp luôn là hành trình gian nan, vất vả đầy cam go, nếu có những người bạn đồng hành ở bên cạnh trợ giúp thì con thuyền sẽ đi đúng hướng và mau tới đích hơn là loay hoay một mình giữa biển cả mênh mông.
Mặc dù vậy con thuyền nào cũng đòi hỏi thuyền trưởng cũng như doanh nghiệp cần có lãnh đạo. Lúc này chúng ta phải quyết đinh xem ai là người sẽ lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Người lãnh đạo giỏi sẽ là người đi đầu và xây dựng lên nhóm làm việc của mình. Họ có nhiều xu hướng, phong cách khác nhau nhưng họ phải có một điểm chung là điều hành tốt nhóm của mình.
Khởi nghiệp kinh doanh theo nhóm có điểm tốt nhưng cũng tồn tại những mặt hạn chế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra như xung đột về lợi ích khi góp vốn, tranh dành quyền quản lý doanh nghiệp, chia lợi nhuận, rút vốn… và những xung đột khác trong quyết định của doanh nghiệp.
Một trong những cách để hạn chế tình trạng này đó là phải xây dựng bản quy chế hoạt động rõ ràng ngay từ ban đầu nhằm tạo sự rõ ràng và minh bạch. Vấn đề khó khăn nhất mà các nhà khởi nghiệp theo phong cách “góp gạo thổi cơm chung” phải đổi mặt chính là sự nhất trí các quyết định của nhóm.
Nhiều doanh nghiệp chỉ vì không giải quyết được các xung đột hay bất đồng ý kiễn giữa những thành viên trong nhóm đã thất bại ngay từ nội bộ, và từ đó dẫn đến thất bại trong toàn bộ quá trình.
Câu hỏi mà chúng ta cần trả lời cho việc khởi nghiệp theo nhóm đó chính là “Chúng ta chơi với nhau tốt nhưng làm việc với nhau có thật sự hiệu quả?”
Theo Techinasia