Môi trường công sở không thực sự phù hợp, áp lực công việc là những điều mà bất cứ ai đi làm cũng đều phải đối mặt. Tuy nhiên, có người sẽ lựa chọn tiếp tục cống hiến vì mục tiêu cá nhân nhưng có người chỉ đợi thời điểm thích hợp để từ bỏ. Đó cũng là lý do khoảng thời gian cuối năm, cận Tết có rất nhiều người quyết định nghỉ việc, thậm chí không cần đợi nhận lương hay thưởng Tết.
Chọn nghỉ việc ở thời điểm khá nhạy cảm, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được công việc mới. Một phần bởi tiêu chuẩn cá nhân, một phần do ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự đang tăng mạnh trong các ngành nghề. Điều này khiến không ít người hối hận vì đã sớm nghỉ việc khi chưa có phương án dự phòng. Ngược lại, có người lại tận dụng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng.
Hối hận vì quyết định nghỉ việc
Thanh Trung (27 tuổi), làm việc trong lĩnh vực công nghệ cho biết, tháng 11 năm ngoái anh chàng đã viết đơn xin nghỉ việc. Theo quy định của hợp đồng, Trung hoàn thành nốt các công việc dang dở trong vòng 45 ngày, sau đó anh chính thức nghỉ vào giữa tháng 12/2022. Nghỉ ngay thời điểm trước Tết, Thanh Trung cho biết chỉ nhận lương tháng đúng với công sức đã làm chứ không nhận thưởng Tết hay lương tháng 13.
Nói về lý do nghỉ việc vào thời điểm cuối năm, Thanh Trung chia sẻ có nhiều yếu tố tích hợp khiến anh chàng đưa ra quyết định này. “Khi đó mình gặp một số vấn đề về mặt tâm lý, không tập trung hoàn toàn vào công việc. Bên cạnh đó, sếp lại không lắng nghe mà chỉ áp việc liên tục khiến mình rất căng thẳng, mệt mỏi. Chưa kể, mình đã làm ở vị trí này khá lâu nhưng lương không có sự thay đổi. Quá nhiều thứ dồn nén khiến mình burnout – kiệt sức nên nghỉ việc như một cách mà mình ‘giải thoát’ ở thời điểm ấy”, Thanh Trung nói.
Thời gian đầu sau khi nghỉ việc anh cảm thấy rất thoải mái, có nhiều thời gian cho bản thân và nghỉ ngơi, thư giãn. Thanh Trung cũng cho hay, anh biết thời điểm cuối năm rất khó để tìm công ty mới do vậy anh tự cho phép bản thân thả lỏng, đợi qua Tết kiếm việc.
“Mình đã nghĩ thế cho đến hiện tại, qua Tết, mình rục rịch đi nộp hồ sơ khắp nơi nhưng kết quả không như mong muốn. Nơi mình muốn, họ không phản hồi, còn những nơi khác lại không đáp ứng được kỳ vọng của mình, thậm chí so sánh với công ty cũ còn thua xa”, Thanh Trung chia sẻ.
Không những vậy, anh chàng thừa nhận bản thân cảm thấy hối hận vì đã bồng bột, nghỉ việc quá sớm khi chưa có sự chuẩn bị. Thanh Trung cũng không nghĩ làn sóng cắt giảm nhân sự hay sa thải lại kéo dài và ngày càng lan rộng đến bây giờ. Do đó, anh đang trong tình trạng hoang mang, lo lắng vì có thể đối mặt với thất nghiệp trong một thời gian dài.
Anh chàng tâm sự: “Ban đầu, mình để riêng ra một khoản dư đủ cho mình sống mà không làm việc trong khoảng 3 tháng. Đến hiện tại, con số ấy đang ở mức gần báo động rồi nên mình rất sốt ruột và mong muốn tìm việc càng nhanh càng tốt. Nếu trong trường hợp xấu nhất, mình không thể tìm được việc đúng chuyên môn, có lẽ mình phải chuyển hướng làm công việc khác để có thu nhập”.
Không vội vã kiếm việc, tận dụng cơ hội này làm trạm nghỉ
Trong khi Thanh Trung đã bắt đầu sốt sắng đi tìm việc vì nỗi lo thất nghiệp hay kinh tế hạn hẹp, Nguyễn Thương (24 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) lại khá thảnh thơi. Cô bạn cho biết, trước đây cô làm marketing trong một công ty có quy mô “gia đình”. Do đó, về những chế độ đãi ngộ, cách làm việc không thực sự chỉn chu, chuyên nghiệp như các công ty lớn là lý do khiến cô nghỉ việc.
“Mình vốn không có định kiến với công ty gia đình nhưng công ty cũ của mình có khá nhiều vấn đề. Đôi khi nghỉ việc không phải từ bỏ công việc, mà từ bỏ cấp trên, đó cũng là trường hợp của mình. Những vấn đề trong việc quản lý, thiếu chuyên nghiệp trong cách phân công công việc hay lãnh đạo công ty là người… cùng một nhà,… Tất cả tích tụ lại khiến mình cảm thấy không thể tiếp tục làm việc”, Nguyễn Thương cho hay.
Cô bạn cho biết mặc cho nhiều lời khuyên nên đợi thưởng Tết nhưng Nguyễn Thương vẫn quyết định ra đi “tay trắng”. Cô cho biết, bản thân đã suy nghĩ khá kĩ trước khi đưa ra quyết định. Không hẳn có phương án B hay một chỗ làm toàn thời gian mới, Nguyễn Thương vạch ra những kế hoạch để phát triển bản thân sau khi nghỉ việc.
Nguyễn Thương chia sẻ: “Mình sống ở thành phố nhỏ, không có nhiều cơ hội việc làm. Nhưng cân nhắc giữ một công việc nhiều vấn đề và khó khăn khi tìm kiếm công việc mới, mình thấy vế thứ nhất đáng sợ hơn. Ngoài ra từ khi ra trường, mình chưa có cơ hội nghỉ ngơi thực sự nên có thể đây là trạm dừng để mình nạp lại năng lượng”.
Hiện tại, cô bạn cho hay vẫn không vội vã đi tìm một công ty mới. Thay vào đó, Nguyễn Thương kết hợp giữa nghỉ ngơi và làm nhiều công việc tự do khác. Ngoài chuyên môn về marketing, content,… cô bạn còn biết tiếng Trung nên hiện vừa làm nội dung tự do cho các agency, vừa làm gia sư tiếng Trung.
Cô cho biết việc làm thêm dù có nhiều thế nào cũng không thể ổn định như khi đi làm toàn thời gian. Thế nhưng đổi lại, Nguyễn Thương giảm được vô số những áp lực, tự chủ hơn về mặt thời gian mà vẫn bảo đảm được tài chính cá nhân. “Mình nghĩ, người trẻ hiện nay đều hướng đến đa dạng thu nhập. Do vậy, mình cũng cảm thấy may mắn vì bản thân có thể làm nhiều công việc. Thời gian tới, dù chưa kiếm được việc chính thức, mình sẽ học thêm về đầu tư để có thể giỏi hơn cũng như đảm bảo được kinh tế”, Nguyễn Thương chia sẻ.
Theo Phụ Nữ Việt Nam