Thu nhập khá cao nhưng không có tiền tiết kiệm là do chi tiêu thiếu kiểm soát?
Diễm Quỳnh, 22 tuổi, hiện đang sống cùng chồng và con nhỏ ở Hà Nội. Cô đang làm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội. Ngoài ra, vợ chồng Quỳnh còn kinh doanh chung 1 thương hiệu đồ thủ công. Bởi vì đều là người làm nghề tự do nên thu nhập gia đình Quỳnh không có con số cụ thể, sẽ khoảng từ 40-60 triệu đồng/ tháng.
“Thật sự, vợ chồng mình không quá chi li, đôi khi chi tiêu hơi mạnh tay nên mức chi tiêu hàng tháng khá chênh lệch. Đối với nhiều người lớn hơn, gia đình mình chi tiêu khá hoang phí” , Quỳnh chia sẻ.
Gần như tiêu hết thu nhập hàng tháng
Diễm Quỳnh chia sẻ rằng, hiện nay gia đình cô bạn đang đi thuê nhà, với số tiền phải bỏ ra hàng tháng 12-13 triệu bao gồm chi phí điện nước. “Trong quan điểm cá nhân, mình không ngại việc đi thuê nhà đến khi có đủ khả năng để mua đứt hoặc có khoản tiền bằng 90% giá trị ngôi nhà. Cá nhân mình cảm thấy việc trả góp quá áp lực nên vợ chồng mình cũng không muốn gồng mình để có thể mua nhà mua xe sớm”.
Một chi phí lớn không kém là dành cho em bé dao động từ 15-20 triệu/ tháng. Em bé mới 10 tháng nên chưa phải tính đến tiền học, có thể năm sau sẽ phải cộng thêm 7-10 triệu/ tháng. Theo Diễm Quỳnh, con số này có thể hơi lớn nhưng gia đình cô muốn đầu tư nhiều nhất có thể cho con từ khi còn bé nên cảm thấy chi tiêu như vậy là hợp lý.
Những chi phí khác như ăn uống, xăng xe, điện thoại khoảng 10-12 triệu/ tháng. Khoản ăn uống, vợ chồng cô được gia đình nội thoại thỉnh thoảng hỗ trợ nên cũng không tốn quá nhiều. “Song, vợ chồng mình khá bận, ít có thời gian nấu ăn nên ngày mình nấu 2 bữa ăn dặm cho bé. Còn lại thì sẽ gọi đồ ở ngoài để có thời gian làm việc với trông con”.
Giải trí về phần này con số sẽ thấp hơn khoảng 3-4 triệu/ tháng. Bởi vì mới sinh em bé, công việc bận rộn, vợ chồng Diễm Quỳnh hiếm khi đi chơi, chủ yếu là mừng cưới hay sinh nhật bạn bè.
Tổng chi phí hàng tháng sẽ khoảng 40 – 50 triệu/ tháng, gần như là là toàn bộ thu nhập của vợ chồng. “Mỗi tháng, gia đình mình chỉ dư khoảng vài triệu, đương nhiên là không có tiết kiệm. Tuy nhiên, bọn mình cũng không áp lực về điều đấy. Lối sống của gia đình là kiểu ‘sống trong hiện tại’. Bên cạnh đó, vừa mới có con nên cũng khó để có ổn định chi tiêu ngay từ bây giờ. Trong tương lai nếu vợ chồng mình tiết kiệm được khoản nào đấy, có xe ô tô, có nhà thì quá tốt. Nhưng như mình đã nói, mình không áp lực về điều đấy. Mục tiêu của hai đứa mình là đầu tư cho con nhiều hơn”.
Thay vì tiết kiệm, vợ chồng trẻ cố gắng tăng thu nhập
Đối với gia đình Diễm Quỳnh, chi tiêu như vẫn đã khá tiết kiệm. Giờ, cô mong muốn cố gắng tăng thu nhập để có khoản tiết kiệm. Hiện nay, cô cũng cẩn thận hơn trong mỗi lần mua sắm. Trước khi xuống tay thanh toán mua bán sẽ dừng lại 1 phút để suy nghĩ xem món đồ hay dịch vụ này có xứng đáng với khoản tiền bản thân bỏ ra hay không.
Có duy nhất 2 tiêu chí Diễm Quỳnh nghĩ đến khi mua sắm. Đầu tiên là món này hết bao nhiêu bịch bỉm, bao nhiêu hộp sữa của con. Thứ 2 là chiếm bao nhiêu phần trăm tiền nhà, sắp đến ngày đóng tiền nhà chưa. Những điều này sẽ giúp cô kiểm soát việc mua sắm tốt hơn, không chi tiêu lãng phí.
“Nếu có thể, các bạn vẫn nên có 1 khoản tiết kiệm nhất định. Khó có thể có một con số định lượng rằng, mỗi gia đình cần tích lũy bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, dù hiện nay không có tiết kiệm vẫn thấy ổn, nhưng mình nghĩ có một phương án dự phòng trong tài chính sẽ tốt hơn. Mình thấy, có con rồi, số tiền mình chi tiêu sẽ khác rất nhiều. Chẳng hạn, nếu bạn có con, kiếm 100 triệu, bạn sẽ nuôi con kiểu người kiếm 100 triệu. Kiếm 5 triệu bạn sẽ nuôi con kiểu người kiếm 5 triệu. Nó còn do quan điểm và lối sống của mỗi gia đình. Cân nhắc sao cho phù hợp nhất là được” , quan điểm của Diễm Quỳnh trong câu chuyện quản lý chi tiêu gia đình.
Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề
nghiệp.
Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong
việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn